Bản tin COVID-19 chiều 13/4: Thêm 3 ca mới, trong đó 2 ca ở Hạ Lôi và 1 ca nhập cảnh

Bản tin COVID-19 chiều 13/4: Thêm 3 ca mới, trong đó 2 ca ở Hạ Lôi và 1 ca nhập cảnh

Bệnh nhân 263 là nữ, 45 tuổi, quốc tịch Việt Nam, trú tại Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội. Ngày 25/3, BN có biểu hiện sốt rét, đau rát họng, ho khan, mệt và được lấy mẫu xét nghiệm ngày 11/4.

BN được kết luận dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 13-4. Hiện bà đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Bệnh nhân 264 là nữ, 24 tuổi, quốc tịch Việt Nam, trú tại Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội. BN thuộc diện sàng lọc và được lấy mẫu xét nghiệm ngày 11/4 và có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 13/4.

Hiện bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Bệnh nhân 265 là nam, 26 tuổi, quốc tịch Việt Nam, trú tại Hà Tĩnh. Ngày 23/3, BN từ Thái Lan nhập cảnh về Việt Nam qua cửa khẩu Cha Lo, Quảng Bình. Ngay sau khi nhập cảnh, BN được cách ly tập trung tại điểm cách ly ở Thạch Hà, Hà Tĩnh.

Ngày 8/4 BN được lấy mẫu xét nghiệm, cho kết quả nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2. Ngày 12/4, BN được lấy mẫu xét nghiệm lại, cho kết quả dương tính với SAR-CoV-2.

Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Cầu Treo, Hà Tĩnh.

Như vậy đến nay Việt Nam ghi nhận tổng cộng 265 ca bệnh, 145 trong đó đã được công bố khỏi bệnh và ra viện, trong đó ca mới nhất là bệnh nhân 155 vừa ra viện hôm nay 13/4.
Trong số các ca bệnh còn đang điều trị, có 22 ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2 và 15 ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2.

Cũng trong ngày 13/4, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã họp triển khai công tác phòng chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, các ý kiến khẳng định thời gian qua, chúng ta vẫn đang kiểm soát tình hình dịch bệnh, tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh trên thế giới và trong nước còn rất phức tạp, nguy cơ tiềm ẩn vẫn rất lớn, nếu nới lỏng dịch bệnh có thể bùng phát trở lại và "chúng ta phải chuẩn bị tinh thần là dịch còn kéo dài".

Do đó, cùng với việc kiên trì thực hiện nguyên tắc chống dịch từ ban đầu (ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, điều trị, dập dịch) thì công tác truy vết ca bệnh kết hợp với các biện pháp cách ly xã hội vẫn là những giải pháp hiệu quả nhất trong phòng, chống COVID-19.

Thực tế triển khai việc cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, thời gian đầu chúng ta đã thực hiện rất tốt nhưng những ngày gần đây có hiện tượng chủ quan, người dân ra đường đông hơn… Đương nhiên việc thực hiện cách ly toàn xã hội sẽ ảnh hưởng nhiều tới người dân, doanh nghiệp, nhưng với quan điểm "sức khoẻ là trên hết", "còn người còn của", chúng ta cần tiếp tục thực hiện nghiêm quy định này.

Trước hết, cần tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 (đến ngày 15-4) để tiếp tục ngăn chặn dịch bệnh; tuyên truyền, vận động để người dân thực hiện nghiêm quy định về cách ly xã hội; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Ban Chỉ đạo đã tập trung phân tích và thống nhất sau khi Chỉ thị 16 hết hiệu lực sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị mới trong đó quán triệt tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch từ ban đầu, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, củng cố các quy định về truy vết ca bệnh.

Đối với việc cách ly, giãn cách xã hội, các ý kiến cho rằng cần kiến nghị các giải pháp cụ thể, chi tiết hơn, có tính đến yếu tố địa phương, nhóm đối tượng, ngành nghề sản xuất kinh doanh. Đồng thời tăng cường ứng dụng các công cụ công nghệ thông tin, truyền thông để truy vết, giám sát các ca bệnh; giám sát việc thực hiện cách ly xã hội.

Ban Chỉ đạo yêu cầu tất cả các địa phương có bộ phận cập nhật dữ liệu dịch bệnh thống nhất để hình thành hệ thống dữ liệu trong cả nước, phân nhóm những tỉnh, thành phố có nguy cơ cao, nguy cơ thấp. Tổ chức các tổ truy vết ở cả Trung ương lẫn địa phương luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có ca nhiễm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.