“Sống chung” với Covid-19: Người Việt xa xứ - vững tin sống

“Sống chung” với Covid-19: Người Việt xa xứ - vững tin sống

“Rồi sẽ ổn cả thôi”

Sống tại Milan, thủ phủ của vùng Lombardy, nơi tình hình dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp, Nguyễn Như Ngọc, nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Bách khoa Milan (Politecnico di Milano) cho biết, từ khi có lệnh phong tỏa từ Thủ tướng Giuseppe Conte dành cho vùng Lombardy và một số vùng ảnh hưởng nghiêm trọng ngày 9/3, mọi thứ trở nên hỗn loạn và người dân ngày một hoảng loạn. Có thể nói điều này là chưa từng có tiền lệ với thành phố Milan hoa lệ, thủ phủ của thời trang thế giới.

Người dân cố gắng chạy thoát khỏi vùng phong tỏa vội vàng trong đêm trước khi lệnh có hiệu lực. Nhưng rồi, chỉ một ngày sau, lệnh phong tỏa cho cả nước cũng được áp dụng, cả nước Italy trở thành một “vùng đỏ”, nội bất xuất ngoại bất nhập.

Sau đó, những quy định được thắt chặt hơn về mở cửa kinh doanh của nhà hàng, cửa hiệu thời trang, nhà thuốc... Đến lúc này chỉ các tiệm thuốc, siêu thị và nơi cung cấp thực phẩm nói chung, và sạp báo để mọi người tiếp cận thông tin được phép mở cửa. Những ai ra ngoài đường đều phải có giấy trình báo về lý do đi ra ngoài, kể cả là đi siêu thị.

Nơi chị Ngọc sinh sống là khu chung cư nhỏ, chỉ có khoảng 14 hộ gia đình, ai cũng chấp hành nghiêm túc các quy định của chính phủ. Họ ở nhà dọn dẹp, phơi quần áo đứng ngoài ban công nói chuyện với nhau, thậm chí đàn hát để không thấy bi quan, chán nản.

Sinh sống ở Venora (Italy), chị Huỳnh Thu Trang chia sẻ dù dịch bệnh hoành hành và cướp đi mạng sống của nhiều người nhưng những người Italy vẫn đang sống mạnh mẽ và khẩu hiệu được chia sẻ nhiều nhất là “Andrà tutto bene” (Rồi sẽ ổn cả thôi)...

Hiện tại ở đây chỉ có hai nơi mở cửa (cửa hàng thực phẩm và thuốc tây) và mỗi gia đình chỉ được một người ra đường đi siêu thị nhưng cuộc sống của họ vẫn tiếp diễn, dù theo cách sống chậm hơn.

Gắn kết cộng đồng

Là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam tại Italy (Assoevi), chị Huỳnh Thu Trang cho biết, tổ chức của chị cũng mong muốn được đóng góp chút công sức nhằm hỗ trợ cho cộng đồng người Việt Nam tại Italy đang từng ngày đấu tranh phòng chống dịch bệnh. Cùng với việc sẽ gửi tặng 1.000 khẩu trang y tế cho công dân Việt có nhu cầu tại các vùng nguy hiểm nhất như Lomabrdia, Piemonte và Emilia-Romagna, Assoevi rất sẵn lòng được hỗ trợ về mặt vật chất cho những công dân Việt thực sự khó khăn.

Tại Pháp, những du học sinh Việt Nam rất thận trọng với Covid-19. Họ thường liên lạc với nhau qua email và Facebook để trao đổi thông tin, tự bảo vệ bản thân và cùng nhắc nhở bạn bè xung quanh bình tĩnh, thực hiện tốt biện pháp phòng dịch.

Hội Sinh viên Việt Nam tại một số bang ở Mỹ cũng nỗ lực thực hiện một loạt sáng kiến nhằm cung cấp thông tin cần thiết về dịch bệnh Covid-19 cũng như hỗ trợ sinh viên khi các trường đại học Mỹ đóng cửa.

Thái Ngọc Bảo Trâm là người đồng sáng lập Mạng lưới khởi nghiệp Việt Nam tại châu Âu (VSNE) và là thành viên trong Ban Chấp hành Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức. Được thành lập với tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ và mong muốn tạo ra một mạng lưới khởi nghiệp cho người Việt tại châu Âu, Tổ chức VSNE của chị thường xuyên tổ chức các sân chơi về khởi nghiệp trong cộng đồng người trẻ gốc Việt đang sinh sống và học tập tại châu Âu. Còn Hạnh Nguyễn Schwanke là người đã sáng lập Nhà xuất bản song ngữ Việt – Đức HORAMI, từng phát hành cuốn Từ điển Việt - Đức bằng tranh đầu tiên dành cho lứa tuổi thiếu nhi tại Đức mang tên “Meine kleine Welt/ Thế giới quanh em” với nguyện vọng giúp các em nhỏ yêu tiếng Việt và hiểu biết thêm về đất nước Việt Nam.

Cuộc sống đảo lộn, công việc ngừng trệ vì dịch bệnh cũng là lúc hai người bạn, hai doanh nhân năng động không muốn ngồi yên mà họ cùng thực hiện một công việc mới nhằm kêu gọi người Việt cùng nhau ở nhà để cắt đứt chuỗi lây nhiễm và đẩy lùi dịch Covid-19...

Thái Ngọc Bảo Trâm cho biết, hiện nay là thời điểm nghiêm trọng và quyết định để ngăn chặn sự phát triển của dịch Covid-19. Và cách hiệu quả duy nhất là ở nhà – một hành động tưởng chừng như dễ nhưng rất khó và cần sự ý thức của từng cá nhân, sự đoàn kết của cả cộng đồng và cả một quốc gia.

Theo chị, chính sự hiểu biết và thường xuyên cập nhật thông tin là nguồn sức mạnh giúp cho con người vượt qua sợ hãi, tăng thêm sự tự tin, cùng nhau vượt qua giai đoạn đại dịch. Vì thế, chị đã cùng chị Hạnh Nguyễn Schwanke tạo ra một cộng đồng kết nối và hỗ trợ lẫn nhau bằng sự hiểu biết, sự tâm huyết và chia sẻ thông tin.

Không thực hiện bằng việc hô hào suông, ý tưởng trên đã được hai chị bắt tay thực hiện và cổng thông tin #Hãy ở nhà nhanh chóng được ra đời. Tại đây, tất cả các thông tin về dịch bệnh, những ảnh hưởng liên quan đến luật, kinh tế và cuộc sống gia đình dành cho cộng đồng người Việt được cập nhật thường xuyên dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia kinh tế và các bác sĩ gốc Việt.

Đó là những thông tin chính thống đến từ Chính phủ và Nhà nước Việt Nam, thông tin y tế và sức khỏe (nơi tổng hợp các kiến thức, lời khuyên và chia sẻ của các bác sĩ chuyên môn về vấn đề ứng phó và ngăn ngừa Covid-19), thông tin dành cho doanh nghiệp (nơi tổng hợp các thông tin và tư vấn của các chuyên viên kinh tế như đặt đơn xin hỗ trợ doanh nghiệp, cách đối phó về việc cắt giảm công nhân, cắt giảm đóng thuế).

Ngoài ra, trên cổng thông tin #Hãy ở nhà còn có thông tin dành cho sinh viên (tổng hợp các thông tin về việc học trực tuyến, sinh viên hỗ trợ sinh viên, kết nối sinh viên hỗ trợ cộng đồng người Việt trong phiên dịch khám bác sĩ) và thông tin dành cho gia đình (tổng hợp các chia sẻ của phụ huynh về việc học và chơi cùng con trong thời gian nghỉ học tại nhà).

“Cùng nhau, chúng ta sẽ vượt qua!”

Tại Czech, Ba Lan hay Ukraine, dù dịch bệnh ngày càng ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như hoạt động kinh doanh nhưng bà con kiều bào vẫn có sự chuẩn bị tốt về tâm lý để đối phó. Hội người Việt Nam tại các nước này cũng luôn cùng với các tổ chức hội, đoàn liên quan thường xuyên theo dõi và phối hợp với các kênh thông tin của cộng đồng tại đây để đưa ra các thông báo phù hợp với các biện pháp của chính phủ nhằm đối phó với dịch.

Tại Hàn Quốc, Hội Sinh viên Việt Nam cũng liên tục cập nhật thông tin về diễn biến tình hình của dịch, đồng thời đẩy mạnh truyền thông trên kênh fanpage, website của hội, khuyến cáo các sinh viên thực hiện các hướng dẫn về quy tắc phòng tránh dịch của cơ quan chức năng.

Từ đầu tháng 3, Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc đã phát động quyên góp lớn nhằm chung sức hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc trong việc phòng chống dịch bệnh, trọng điểm là vùng tâm dịch tại Daegu và Gyongbuk. Đặc biệt, trong thời gian này, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, Pháp, Đức, Czech, Ba Lan, Ukraine, Nhật, Hàn Quốc, Malaysia... cũng luôn sát cánh cùng các hội, đoàn người Việt nắm bắt tình hình, phối hợp cùng triển khai những biện pháp ứng phó kịp thời, đồng thời chung tay hướng về đồng bào nơi vùng dịch cần hỗ trợ. Dường như, ai cũng có một niềm tin “cùng nhau, chúng ta sẽ vượt qua!”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Trần Quí Thanh lãnh 8 năm tù.

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

GD&TĐ - Sáng 25/4, TAND TPHCM tuyên phạt 8 năm tù đối với bị cáo Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.