Nhưng điều thú vị là từ những phản ứng vì giai điệu cũng như lời Việt của ca khúc này bi lụy, không đúng với giáo lý nhà Phật thì giới chuyên môn đã nhập cuộc…
Từ phản ứng…
Bản cover lời Việt (Tuyên Chính phóng tác) “Độ ta không độ nàng” của Anh Duy, trong đó có những câu như: “Phật ở trên kia cao quá/ Mãi mãi không độ tới nàng/Vạn dặm tương tư vì ai/Tiếng mõ vang lên phũ phàng…”, được cho là bản cover đầu tiên.
Nối tiếp sau đó là những cover của Khánh Phương, Thiên An, Hương Ly, Đường Hưng, Hoàng Y Nhung…
Từ lời Việt đó, mỗi ca sĩ đã có những cách thức thể hiện khác nhau. Nếu Đường Hưng tha thiết thì Khánh Phương hát với tiết tấu nhanh hơn với cả lời Việt, lời Hoa.
Nếu Hoàng Y Nhung chậm rãi, nhấn nhá thì Hương Ly lại cất giọng cao vút cùng tiếng piano, đôi lúc còn độc tấu đàn tỳ bà trĩu nặng tâm sự. Nếu Anh Duy ghi tiếp bản remix kết hợp cùng DJ Đình Long thì Thiên An làm hẳn một MV cổ trang để minh họa khi cover.
Và tất cả các bản cover Độ ta không độ nàng này đều thu hút hàng triệu lượt nghe, thậm chí bản cover của Khánh Phương, Hương Ly đến nay đã thu hút hơn 10 triệu lượt.
Tuy nhiên, ngay sau đó, những bản cover này đã vấp phải sự phản ứng từ dư luận cũng như giới chuyên môn về giai điệu và ngôn từ.
Theo nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, âm nhạc của ca khúc không có giá trị gì về nghệ thuật, chỉ là một điệu thức năm cung lên xuống chẳng có gì vận động cả. Còn về phần lời thì cứ ê a mấy lời miêu tả một chuyện tình giữa chú tiểu và nàng quận chúa, không có ý nghĩa.
“Vậy nhưng các bạn trẻ vẫn nghe, vẫn tung hô. Đấy là một biểu hiện của tâm lý đám đông, thấy một người thích là cả đoàn ào vào thích. Nhưng sự thích này được bày tỏ bằng bàn phím nên nhiều khi không chính xác, chỉ làm lợi cho mấy ông nhà mạng” - Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh nói.
PGS. TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường thì cho rằng đề tài tình yêu bao giờ cũng dễ gây sốt hơn với các đề tài khác. Tuy nhiên, ông cho rằng các bạn trẻ chưa chắc đã hiểu được cái tên “Độ ta không độ nàng” là gì mà vẫn thích. Trong khi: “Âm nhạc không có gì mới. Ca từ thì toàn những lời bi lụy”.
Dưới góc nhìn của một nhà báo và cũng là một phật tử, anh Chu Minh Khôi - Thời báo Kinh tế Việt Nam cho biết, việc thích bài hát nào đó là sở thích của mỗi người. Tuy nhiên, ca khúc có nhắc đến đức Phật nhưng không theo đúng quan điểm nhà Phật.
“Mọi người đều biết: Phật độ cho tất cả chúng sinh nhưng theo tôi, nhiều người hiểu chưa đúng về “Phật độ”, thường hiểu là “Phật xòe bàn tay cứu giúp trực tiếp”. Nhưng theo quan điểm nhà Phật, “độ” ở đây là đức Phật dùng tri thức, kiến thức giảng giải cho mỗi chúng sinh để chúng sinh tự tin hơn, không bị ràng buộc bởi những nỗi lo sợ, nỗi buồn từ đó giải phóng, phát huy được cái tự lực của mình để mình thành đạt trong cuộc sống”.
Đến nhập cuộc
Ca khúc “Độ ta không độ nàng” được xuất bản ở Trung Quốc từ tháng 1/2019, đến tháng 3 được Tô Đàm Đàm và Giai Bằng hát lại nhưng chưa gây được sự chú ý ở đất nước này. Ca khúc chỉ phủ sóng trên mạng khi được đưa vào làm nhạc bộ phim hoạt hình ngôn tình gây sốt ở Trung Quốc.
Đấy là câu chuyện tình đẫm nước mắt của nàng quận chúa đem lòng thương mến một vị tiểu hòa thượng. Giai điệu của bản gốc ca khúc này rất da diết, chứa đầy chất ngôn tình, bi ai, hận đời.
Đặc biệt quan tâm đến hiện tượng âm nhạc này, Thượng tọa Thích Nhật Từ đã livetream nêu ý kiến của mình. Thượng tọa cho rằng, lời Việt của ca khúc do Tuyên Chính phóng tác đậm chất ngôn tình hơn, da diết hơn và đã thêm nhiều mắm muối, gia vị.
Cụ thể, trong nguyên tác có câu: “Nhãn tình hoàng hồng” (Con mắt vẫn còn ửng đỏ) nhưng ở bản phóng tác lại cường điệu lên: “Mắt còn vương màu máu”.
Hay nguyên tác viết: “Thủ khể mộc nương/Bồ đề hạ tái vô tha” (Tay đánh mõ/Dưới gốc bồ đề không còn hình ảnh nàng) thì bản phóng tác lại là những câu từ rất lâm li: “Lại một tay ta gõ mõ/Phá nát cương thường biến họa”. Trong đó, câu “Phá nát cương thường biến họa” rất tối nghĩa và “cương thường” là từ Nho giáo chứ không có trong Phật giáo.
Thêm nữa, trong nguyên tác không có câu nào miêu tả tiếng mõ là phũ phàng, rối loạn và đặc biệt không có câu nào nói là “Phật ở trên kia cao quá”.
Đứng ở góc độ lý tưởng cao quý của người xuất gia, Thượng tọa không tán đồng cả với bài nguyên tác tiếng Trung lẫn bản phóng tác tiếng Việt “Độ ta không độ nàng”. Bởi câu chuyện bi lụy này dù chỉ là hư cấu nhưng để lại tác hại lớn với những cái hiểu sai lệch về các tu sĩ, về cuộc đời, ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ khi họ gặp phải những dang dở trong tình duyên.
“Việc phổ biến lời ca bạo lực, phạm pháp là “vẽ đường cho hươu chạy”. Rất nhiều chàng trai, cô gái mới lớn thất tình nếu bị cuốn vào lời ca sẽ trở thành bản sao của lời ca đó và bắt chước lối ứng xử bạo lực” - Thượng tọa Thích Nhật Từ nhấn mạnh.
Phản đối là thế song Thượng tọa Thích Nhật Từ đã không đứng ngoài cuộc khi ngay sau đó ông đã viết lời mới cho ca khúc gây bão này với tên “Đời ta từ nay không lụy sầu” do ca sĩ Quách Tuấn Du thể hiện.
Sau hai ngày đưa lên Youtube, lời mới dễ nhớ, dễ nghe và được đặt theo ngôn ngữ của Phật pháp của ông như: “Hài hòa gieo nhân phúc đức/Tha thứ, tâm buông hết hận/Rộng lượng, nơi nơi bình an/Chấp pháp, bao người khó chừa/Chấp ngã không thể hết sầu/ Ngày ngày, quán chiếu tự tâm/Đời ta, từ nay không lụy sầu!”… đã thu hút hơn 160 nghìn lượt nghe.
Từ đây, nhiều thính giả đã nhận xét lời mới này “có chất chánh niệm, có lối thoát, giúp người nghe có đường hướng vượt sân hận”.
Đặc biệt, thính giả có nickname Trung Quách Hoa bày tỏ: “Con cảm ơn thầy Nhật Từ nhiều lắm đã cứu bài hát, cứu khán giả trẻ quay về đúng chánh pháp”.
Cũng từ ngôn ngữ của Phật pháp, trước đó, ngày 11/6, ca sĩ Phương Thanh cũng có bản cover “Độ ta không độ nàng” nhưng được sư thầy Thích Đồng Hoàng đặt lời mới, biên tập Hoàng Kim với tên “Tự nàng hãy cứu độ nàng”. Hơn 2,1 triệu người đã nghe bản cover này và dành lời khen ngợi về lời mới rất đúng với giai điệu bản gốc mà ca từ đúng với sự giáo hóa của đức Phật; như một cơn gió mát đến trong ngày nắng nóng, không còn lời si mê, sân hận, oán trách, biết buông bỏ, không còn vướng vào chấp niệm...
Riêng nickname Phương Quỳnh Bảo Hân còn chia sẻ: “Bài này vang đến chùa Sùng Bảo khóa tu của em được phát hơn 500 bài cho khóa sinh”.