Bàn tay người thợ Việt chinh phục nhà nghiên cứu Pháp

GD&TĐ - “Trong một số trường hợp, nghề thêu của người thợ Annam có thể cạnh tranh với nghề thêu của người Hoa”, hoặc nói về nghề chạm khắc “thao tác khéo léo, chính xác không tài nào chê được”...

Phố Hàng Lọng (tên thời xưa), nơi ông tổ nghề thêu Lê Công Hành phát triển giữa phố hội.
Phố Hàng Lọng (tên thời xưa), nơi ông tổ nghề thêu Lê Công Hành phát triển giữa phố hội.

Nhà nghiên cứu Gustave Dumoutier đã khen ngợi một số nghề thủ công của Việt Nam cuối thế kỷ 19 như vậy.

Thời Pháp thuộc, các nhà nghiên cứu Pháp cũng phải khen ngợi tay nghề của các thợ thủ công Việt. Tác giả Gustave Dumoutier, trong cuốn “Tiểu luận về dân Bắc kỳ” (các danh từ Annam, Bắc kỳ tác giả dùng theo ngôn ngữ thời đó – nguyên tác là Essais sur Les Tonkinois – NXB Hà Nội ấn hành năm 2020 với bản dịch của Vũ Xuân Lưu) tuy chê đồ gốm, sứ, đồ mĩ nghệ vàng bạc nước ta chưa đủ tinh tế như của người thợ Trung Quốc, nhưng khen ngợi một số nghề khác như nghề thêu, làm đồ sắt tây, chạm khắc gỗ…

Nghề thêu

Dumoutier dành nhiều thời gian quan sát những người thợ thêu miền Bắc nước ta làm việc và đúc kết: Trong những bức thêu bình thường, người Annam dùng tơ không xe, hoặc sợi bông có cuốn giấy mạ vàng, còn đối với những bức thêu tinh tế, người ta dùng sợi kim tuyến, hay chỉ vàng óng rất mảnh. Thêu bằng loại chỉ này, mũi thêu rất nhặt (dày) và tỉ mỉ.

Dù vẫn chê về việc sắp xếp họa tiết, chọn lựa màu sắc của thợ thêu nước ta không bằng thợ thêu Trung Hoa và Nhật Bản, nhưng tác giả này cho rằng rất khó để dạy thợ thêu nước ta cách phối màu. “Thà cứ để mặc thợ thêu bản xứ với những lề lối ngây ngô, còn tốt hơn gấp trăm lần làm lệch lạc thị hiếu của họ”, ông kết luận.

Theo nhận định của ông, vào cuối thế kỷ 19, tại Hà Nội, Bắc Ninh và một số vùng trung tâm Bắc kỳ, nghề thêu Annam đang tiến bộ. Tại đó, những người Pháp ưa thích sự thanh nhã, đã huấn luyện thợ, hướng dẫn họ việc phối màu, cung cấp cho họ mẫu thêu. Tuy nhiên, tác giả này nhận xét, các bức tranh thêu của người thợ Việt Nam thiếu phối cảnh và tỷ lệ tương đối giữa các con vật.

Gò hàn sắt tây

Tài khéo léo của những người thợ gò hàn sắt tây ở Hà Nội cũng khiến Dumoutier thán phục. Ông mô tả những sản phẩm được làm từ những thùng hàng, vỏ đồ bằng sắt tây, thiếc: “Loại thùng này, cạy bỏ nắp, đóng thêm thanh ngang, nối liền hai quai xách, trở thành những cái gàu tiện lợi không chê vào đâu được.

Những vỏ hộp hình tròn, đựng đậu, nấm, dễ dàng biến thành cái điếu thuốc lào tuyệt hảo. Trước mắt, các tay chơi tài tử bản xứ, loại điếu này có đầy đủ giá trị của món đồ mĩ nghệ xứ ngoài, nhờ những hình vẽ nổi bật, lấp lánh trên nền kim loại đủ màu”.

Mô tả cách làm việc của những người thợ gò hàn thiếc, ông cho biết: Giống như mọi ngành nghề, khi làm nghề này, dân Annam tỏ ra khéo tay đáng nể. Họ luôn luôn ngồi, hoặc ngồi xổm lúc làm việc.

Đôi chân cũng giúp ích chẳng khác gì đôi tay. Khi cần cắt hay xén bớt một lá kẽm hoặc sắt tây, lưỡi cố định của cái kéo được móc cứng vào ngón chân cái, trong khi một trong hai tay xử lý lưỡi kéo di động, còn tay kia di chuyển đồ vật cần phải cắt. Trong việc hàn, chân cũng giữ một vai trò nào đó.

Khi cần phải dũa, đập thẳng mép, tán đinh, đồ vật được móc chặt vào một tấm thớt nhỏ, bằng các ngón của cả hai bàn chân, những ngón chân như cái kẹp linh động và thông minh, tùy theo nhu cầu của công việc, xoay chuyển, đổi hướng tất cả các mặt cần xử lý, trong khi đôi tay tự do, điều khiển cái dũa, cái búa và búa tán đinh…

Chạm khắc gỗ

Những người thợ chạm khắc gỗ thời xưa.

Những người thợ chạm khắc gỗ thời xưa. 

Theo Gustave Dumoutier, người dân Annam bẩm sinh tay chân mềm mại, khéo léo và cần cù, tất phải thành công trong nghệ thuật chạm khắc. Và thực tế, ở Bắc kỳ, trong số những phường nghề chuyên làm đồ gỗ, người ta bắt gặp một tỷ lệ thợ chạm đáng kể hơn bất cứ xứ nào bên châu Âu.

Ông nhận xét: “Ở đây, nghề chạm là một nghệ thuật, đặc biệt có quy củ hẳn hoi, và ngoại trừ một vài món đồ gia dụng dành cho người quyền quý trong nước, phải tìm trong chính đình miếu, mới thấy hết khả năng thể hiện nghệ thuật của những tay chạm Annam, họ chưa bị ảnh hưởng châu Âu làm biến đổi tính chất độc đáo, thành tốt hay xấu (mà xấu nhiều hơn).

Dumoutier cũng đánh giá, cảm hứng và hình mẫu Trung Hoa luôn nổi trội, tạo thành vẻ đặc trưng của đồ vật chạm khắc trong đền chùa Bắc kỳ. Tuy nhiên, một vài thành phần có một số cải biến chịu ảnh hưởng ngoại lai, có thể từ người Chàm, và một con mắt tinh đời sẽ dễ dàng thấy ngay.

Chê các tác phẩm chạm khắc của người Annam không có mặt cắt (nhìn nghiêng), nhưng ông đánh giá việc bố trí họa tiết không chừa lại bất cứ khoảng trống phẳng nào làm tức mắt, giữa những đường nét rối rắm.

“Với thao tác khéo léo, chính xác không tài nào chê được, nếu thợ chạm được huấn luyện đến nơi đến chốn về mặt nghệ thuật và có những dụng cụ thích hợp hơn, thì phẩm chất của một tài năng đích thực chắc chắn sẽ được cải thiện”, ông khẳng định.

Thợ làm khảm trai tại làng nghề thời phong kiến.

Thợ làm khảm trai tại làng nghề thời phong kiến.

Nghệ thuật khảm xà cừ (vỏ trai) của những người thợ Việt nhận được rất nhiều lời khen ngợi của vị học giả này. Ông dành những câu văn chi tiết để mô tả:

Không gì có thể so sánh bằng sự tinh xảo của một số họa tiết khảm, đặc biệt là hình trang trí trên mặt tủ chè, hòm rương và khay. Trên đó có những đường xoắn, tua của dây nho, với đường thanh mảnh như thế, người ta tự hỏi làm sao có thể thực hiện được bằng một chất lượng giòn như xà cừ, và với phương tiện là những dụng cụ thô sơ mà người thợ Annam vẫn dùng.

Trong những bức khảm tỉ mỉ, mỗi cánh hoa được cẩn một đường chỉ xà cừ, cắt chính xác vừa khít với những đường uốn lượn, đường chỉ xà cừ viền và gắn các bức khảm, như kiểu những đường chỉ gắn các tấm kính màu châu Âu.

Công việc này đòi hỏi sự kiên trì, gượng nhẹ, khéo léo vượt mọi thử thách và sự đa dạng, sự đối lập giữa các sắc thái, tác động của ánh sáng đối với nền màu ngũ sắc của chất xà cừ, tạo ra một hiệu ứng nghệ thuật không thể chối cãi, trên phần gỗ mun có khảm.

Đúc tượng

Là người đi gần hết miền Bắc nước ta, viên quan ngành Giáo dục này đánh giá pho tượng đẹp nhất Bắc kỳ là tượng vị tướng quân ở ngôi đền trên phố Hàng Buồm, Hà Nội (tác giả nói đến tượng Quan Thánh Đế, tức Quan Công, Quan Vũ trong đền Quan Đế).

Đó là một pho tượng đồng rất đáng chú ý, chạm đến có tiếng ngân, cho thấy lớp đúc đồng không dày bằng tượng Trấn Vũ. Vị thần lớn bằng người thật, được đặt trong tư thế bình thường, ngồi trên ngai rồng, y phục không chồng chất rườm rà những mảnh thêu nổi và trang trí nạm vàng như các tượng bằng gỗ sơn khác, tấm áo có vẻ rất đơn giản, nếp uống được thực hiện với một độ rộng hiếm gặp.

Qua quan sát những đường nét chạm khắc, Dumoutier cũng chưa dám khẳng định pho tượng đồng này do người thợ Việt Nam làm.

“Ở Bắc kỳ, tôi chỉ biết một pho tượng đá, giống như tượng gỗ sơn của các vị hòa thượng đã khuất đặt trong chùa, đáng được gọi là một chân dung thật sự, đó là pho tượng mà truyền thuyết cho là của nghệ nhân đã tạc tượng vị Đại Phật ở Hà Nội.

Tranh vẽ mô tả các thợ thủ công thời xưa.

Tranh vẽ mô tả các thợ thủ công thời xưa.

Tượng làm bằng đá xám không có vân, khuôn mặt rất tinh xảo và với cảm quan nghệ thuật sâu sắc, cách biểu đạt thật sự gây xúc động. Nó được đặt trong cùng một đền thờ có pho tượng đồng vĩ đại”, ông khen ngợi bức tượng đá, tuy nhiên không đưa vào sách ghi chú rằng tượng này ở đâu.

Gustave Dumoutier (1850 - 1904) sinh tại Courpalay, Pháp, từng là viên chức ngành Giáo dục. Năm 1886, ông được Tổng trú sứ Bắc – Trung kỳ của Pháp tại Việt Nam Paul Bert mời sang đảm nhiệm chức vụ thanh tra các trường Pháp – Việt, sau đó trở thành Giám đốc Học chính Trung – Bắc kỳ.

Trong thời gian làm việc tại nước ta, ông đã tiến hành nghiên cứu về rất nhiều mảng như khảo cổ, dân tộc học, tôn giáo, văn hóa, lịch sử nước ta và để lại nhiều công trình giá trị.

Những ghi chép của ông trong cuốn “Tiểu luận về dân Bắc kỳ” dù đã qua hơn 110 năm, nhưng vẫn còn những giá trị tham khảo quý giá cho những người muốn tìm hiểu về cuộc sống, văn hóa, phong tục của người dân miền Bắc nước ta cuối thế kỷ 19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ