Vị Kinh lược sứ Bắc Kỳ cuối cùng: Kỳ 2 - Viết thư dụ hàng

Vị Kinh lược sứ Bắc Kỳ cuối cùng: Kỳ 2 - Viết thư dụ hàng

>> Kỳ 1: Chân dung vị Kinh lược sứ Bắc Kỳ gây nhiều tranh cãi trong lịch sử

Khi chính thức được trao chức Kinh lược sứ, Hoàng Cao Khải tỏ rõ sự trung thành với Pháp bằng việc dụ hàng lãnh đạo các nghĩa quân như Đốc Tít tại vùng Đông Triều và Đội Vân tại vùng Bắc Ninh.

Đặc biệt, bức thư dụ hàng Phan Đình Phùng với những lời lẽ và câu từ thể hiện rõ bản chất tay sai cho thực dân Pháp. Cho đến nay, nội dung bức thư vẫn còn được gìn giữ khá nguyên vẹn.

Thoát chết trong gang tấc

Theo PGS.TS Chương Thâu (Viện Sử học), tháng 7/1887, Hoàng Cao Khải được vua Đồng Khánh giao đặc trách đàn áp cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy. Ông ta cùng với giám binh Nây dùng kế “tuyệt lương bách thú” buộc nghĩa quân hết lương phải ra đầu thú bằng cách đưa lính ở đồn Mỹ Hào về phá hoại hết lúa má, hoa màu trong vùng.

Lãnh tụ cuộc khởi nghĩa là Tán Thuật, tức Nguyễn Thiện Thuật biết được ý đồ đó nên đã bố trí quân phục kích đánh địch. Giám binh Nây, Bang tá Nguyễn Hữu Hào cùng 30 lính phải bỏ mạng trong trận đánh ngày 11/11/1888. Hoàng Cao Khải thoát chết trong gang tấc, trốn về đồn Mỹ Hào nhờ người dân Kẻ Sặt đưa đường chạy về Hải Dương.

Sau thất bại này Hoàng Cao Khải thay đổi chiến thuật, mượn danh nghĩa Đồng Khánh dụ hàng Nguyễn Thiện Thuật và hứa sẽ khôi phục chức tước, bổng lộc. Nguyễn Thiện Thuật viết vào tờ sớ bốn chữ “Bất khẳng thụ chỉ” (không thèm nhận chỉ) giao trả lại Hoàng Cao Khải.

Tháng 6/1889 Thống sứ Bắc Kỳ ra lệnh thành lập đạo quân Tuần cảnh và giao cho Hoàng Cao Khải làm tư lệnh trưởng, Muy-dơ-li-ê (Muselier) làm cảnh sát sứ. Đạo này có cả Toà án quân sự để xét xử những “phần tử phản nghịch”. Hoàng Cao Khải tỏ rõ quyết tâm dập tắt cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, trực tiếp chỉ huy quân Tuần cảnh giao chiến ròng rã với nghĩa quân đến năm 1892, thì đạt được mục đích khi phong trào Bãi Sậy chấm dứt.

Bút tích của Phan Đình Phùng lưu giữ tại Viện Bảo tàng Lịch sử.
Bút tích của Phan Đình Phùng lưu giữ tại Viện Bảo tàng Lịch sử.
Tại di tích Hoàng Cao Khải còn một số tượng quan binh, thể hiện uy quyền của “Phó Vương”.
Tại di tích Hoàng Cao Khải còn một số tượng quan binh, thể hiện uy quyền của “Phó Vương”.

Dụ hàng Phan Đình Phùng

Nhận xét về nhân vật Hoàng Cao Khải, PGS.TS Chương Thâu cho biết, đó là một người vô cùng khôn khéo. Sự khôn khéo này thể hiện ở chỗ Khải chỉ đánh dẹp phong trào Cần Vương ở Bắc Kỳ chứ không dẫn quân về Trung Kỳ. Nhưng vì muốn làm đẹp lòng người Pháp và cũng để tỏ rõ sự trung thành nên vào tháng 10 năm Giáp Ngọ (tháng 11/1894) Hoàng Cao Khải thực hiện mệnh lệnh của Toàn quyền De Lanessan viết thư dụ hàng Phan Đình Phùng.

Theo nghiên cứu của các nhà sử học, Hoàng Cao Khải và Phan Đình Phùng là người đồng liêu (cùng đỗ cử nhân), đồng ấp (cùng làng Đông Thái) và có quan hệ thông gia với nhau. Có điều lúc đó, Phan Đình Phùng đang ở bên kia chiến tuyến và là lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hương Khê trong phong trào Cần Vương chống Pháp.

Bức thư của Hoàng Cao Khải gửi cho Phan Đình Phùng đến nay vẫn nguyên vẹn về nội dung. Bức thư đã phơi bày tâm tính của con người chính trị cơ hội Hoàng Cao Khải, sẵn sàng từ bỏ giang sơn, dân tộc để cầu vinh. Tuy nhiên, nội dung bức thư khá dài, xin lược trích những phần quan trọng:

“Ngày Kinh thành thất thủ, xe giá vua bôn ba, mà ngài mạnh mẽ đứng ra ứng nghĩa, kể sự thế lúc bấy giờ, ngài làm vậy là phải lắm. Song le, sự thế gần đây đã xoay đổi ra thế nào, thử hỏi việc đời có thể làm được nữa không, dầu kẻ ít học thức, kém trí khôn, cũng đều trả lời không được”.

Hoàng Cao Khải không hề giấu giếm mối thâm giao của mình với người Pháp: “Nay nhân quan Toàn quyền trở lại, đem việc tỉnh ta bàn bạc với tôi”, “Tôi với quan toàn quyền vốn có tình quen biết với nhau lâu, lại với quan Khâm sứ ở Kinh, và quan Công sứ Nghệ Tĩnh, cùng tôi quen thân hiệp ý nhau lắm”.

Hoàng Cao Khải không tiếc lời tán dương: “Ngay thử nghĩ xem: Quan Toàn quyền là người khác nước, muôn dặm tới đây mà còn có lòng băn khoăn lo nghĩ tới dân mình như vậy thay, huống chi chúng ta sinh đẻ lớn khôn ở đất này”. 

Tệ hại hơn, viên quan Kinh lược sứ Bắc Kỳ còn đổ tội, cho rằng “quê hương điêu đứng xiêu tàn” là do hành động “không làm tràn tới mãi” (khởi nghĩa đến cùng) của nghĩa quân và những người lãnh đạo khởi nghĩa như Phan Đình Phùng, chứ không phải do quan quân Pháp và tay sai.

Phan Đình Phùng phúc thư

Với những lý lẽ mê muội như vậy, dĩ nhiên là cụ Phan, một nhà nho yêu nước đã khước từ. Bức thư cụ Phan trả lời viết nhẹ nhàng nhưng khẳng khái, tử tế mà cương quyết. Hoàng Cao Khải đọc xong thư, mặt phải biến sắc.

Vị Kinh lược sứ Bắc Kỳ cuối cùng: Kỳ 2 - Viết thư dụ hàng ảnh 3
Ngõ vào “ấp Thái Hà”, nơi là tư dinh Hoàng Cao Khải xưa kia.

Bức phúc thư của Phan Đình Phùng gửi Hoàng Cao Khải, có đoạn như sau: “Từ lúc tôi khởi nghĩa đến nay, đã trải mười năm trời, những người đem thân theo việc nghĩa, hoặc đã bị trách phạt, hoặc đã bị chém giết, vậy mà lòng người trước sau chẳng hề lấy thế làm chán nản ngã lòng bao giờ; trái lại, họ vẫn ra tài, ra sức giúp đỡ tôi, và lại số người mạnh bạo ra theo tôi càng ngày càng nhiều thêm mãi.

Nào có phải người ta lấy điều ta vạ hiểm nguy làm cho sự sung sướng thèm thuồng mà bỏ nhà dấn thân ra theo tôi như vậy đâu. Chỉ vì họ tin cậy lòng tôi, lượng xét chí tôi, cho nên hâm hở vậy đó thôi. Ấy, lòng người như thế đó, nếu như cố nhân đặt mình vào cảnh của tôi liệu chừng cố nhân có nỡ lòng nào bỏ mà đi cho đành hay không?

Thưa cố nhân, chỉ vì nhân tâm đối với tôi như thế, cho nên cảnh nhà tôi đến nỗi hương khói vắng tanh, bà con xiêu dạt, tôi cũng chẳng dám đoái hoài. 

Nghĩ xem, kẻ thân với mình mà mình còn không đoái hoài, huống chi là kẻ sơ: Người gần với mình mà mình còn không bao bọc nổi, huống chi người xa. Vả chăng hạt ta đến đỗi điêu đứng lầm than quá, không phải riêng vì tai hoạ binh đao làm nên nông nổi thế đâu.

Phải biết quan Pháp đi tới đâu, có lũ tiểu nhân mình túa ra bày kế lập công, thù vơ oán chạ; những người không có tội gì chúng cũng đâm thọc buộc ràng cho người ta là có tội, rồi thì bữa nay trách thế nọ, ngày mai phạt thế kia; phàm có cách gì đục khoét được của cải của dân, chúng nó cũng dùng tới nơi hết thảy. 

Bởi đó mà thói hư mối tệ tuôn ra cả trăm cả ngàn, quan Pháp làm sao biết thấu cho cùng những tật khổ của dân trong chốn làng xóm quê mùa, như thế thì bảo dân không phải tan lìa trôi giạt đi sao được?

Cố nhân với tôi, đều là người sinh đẻ tại châu Hoan, mà ở cách xa ngoài muôn ngàn dặm, cố nhân còn có lòng đoái tưởng quê hương thay, huống chi là tôi đây đã từng lấy thân chịu đựng và lấy mắt trông thấy thì sao? Khốn nỗi cảnh ngộ bó buộc, vả lại sức mình chẳng làm được theo lòng mình muốn, thành ra phải đành, chứ không biết làm sao cho được. 

Cố nhân đã biết đoái hoài thương xót dân này, thì cố nhân nên lấy tâm sự tôi và cảnh ngộ tôi thử đặt mình vào mà suy nghĩ xem, tự nhiên thấy rõ ràng, có cần gì đến tôi phải nói dông dài nữa ư?”.

“Thực tế thì ta thấy, so với nhiều quan lại khác đương thời, Hoàng Cao Khải dù bị quy là tay sai đắc lực cỡ chóp bu của thực dân, nhưng người ta chỉ nghi ngờ ông, chứ ông không bị bất bình, không bị vạch tội ác...” - PGS.TS Chương Thâu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.