Qua những ghi chép lý thú và hàng trăm minh họa độc đáo của tác giả Charles-Édouard Hocquard, thầy thuốc quân y kiêm nghệ sỹ nhiếp ảnh người Pháp “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ” vừa được xuất bản tại Việt Nam trong tháng 5/2020.
Đặt tên sách là “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ”, nhưng thực tế tác giả tham gia bốn chiến dịch dài ngắn khác nhau, trong đó có ba cuộc đôi bên giao chiến ác liệt. Tuy nhiên, tác giả không kể nhiều về các trận đánh mà tập trung viết về những điều mới lạ mà ông tận mắt chứng kiến và tìm hiểu được về vùng đất Viễn Đông xa xôi mà “ở Pháp biết bao người nhắc tới”.
Sách có bố cục 23 chương, đưa người đọc theo hành trình rong ruổi trên khắp các nẻo đường Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Hóa, Nam Định, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Đà Nẵng, Huế của bác sĩ Hocquard trong khoảng thời gian hơn hai năm (1884 - 1886). Trên hành trình này, tác giả đã có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc đủ mọi hạng người, từ những nhà buôn, cu li, quan lại, ký lục, gia đình và trẻ con bản xứ, thậm chí cả vua Đồng Khánh.
Ông quan sát từ cảnh vật, kiến trúc đến con người, phong tục… và ghi chép, tìm hiểu, cũng như chụp lại những hình ảnh quan sát được. Bởi thế, nói không ngoa, hồi ký Một chiến dịch ở Bắc Kỳ là nguồn sử liệu quan trọng để tìm hiểu về nền chính trị, kinh tế, xã hội miền Bắc và miền Trung Việt Nam cuối thế kỷ XIX.
Từ địa dư, phong tục tập quán, tín ngưỡng, các làng nghề thủ công truyền thống đến con người, tổ chức xã hội, một số công trình kiến trúc quân sự và dân sự nổi tiếng một thời của xứ Bắc Kỳ và Trung Kỳ đều lọt vào đôi mắt quan sát tinh tường của một nhà nhiếp ảnh tài tình. Nhờ đó, bác sỹ Hocquard dựng lại cho chúng ta một cách sống động một bản đồ Hà Nội và Huế với những di sản vốn có của nó và cả những vàng son mà nay đã trở thành quá vãng, như điện Kính Thiên, quần thể chùa Báo Ân hay cung Bảo Định…
Charles-Édouard Hocquard (1853 - 1911) sinh tại Nancy, Pháp. Năm 1884, ông tình nguyện sang Đông Dương để phục vụ trong quân đoàn viễn chinh và trở thành một nhà chép sử bằng ảnh chụp vùng đất này. Hàng trăm bức ảnh hiếm hoi về con người và phong cảnh của xứ sở mới đã mang về cho Hocquard huy chương vàng danh giá tại Triển lãm Toàn cầu ở Anvers năm 1885.
Vào các năm 1889 - 1891, Hocquard cho đăng chuyện kể về chuyến đi chiến đấu của mình dưới đầu đề Trente mois au Tonkin (Ba mươi tháng ở Bắc Kỳ) trên tạp chí Le Tour du monde (Vòng quanh thế giới). Các ảnh chụp đã thành minh họa trên báo qua những bản khắc tinh xảo của các nghệ nhân Pranishnikoff, E. Ronjat, D. Lancelot, Th. Weber… do kỹ thuật hồi đó chưa cho phép sao chụp ảnh trực tiếp. Năm sau, 1892, Hocquard lấy nội dung và hình ảnh minh họa trên cùng với nhà Librairie Hachette xuất bản thành sách mang tên Une campagne au Tonkin.
Trong “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ”, tác giả tập trung viết những gì tai nghe, mắt thấy, lượm lặt hoặc tìm hiểu được trên những nẻo đường đã qua và những nơi lưu lại ít hay nhiều ngày về đất nước, con người, hoạt động sản xuất, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, ẩm thực, tổ chức xã hội, văn học nghệ thuật...
Trong sỹ quan Hocquard là nhà thám hiểm trẻ Hocquard. Tham gia quân viễn chinh chỉ là cách tối ưu để thực hiện ước mơ khám phá, dụng cụ y tế tạo điều kiện cho đồ nghề nhiếp ảnh hoạt động theo hành trình của tác giả kể từ ngày 15 tháng 2 năm 1884, khi vào vịnh Hạ Long.
Phong tục tập quán An Nam được tác giả đặc biệt quan tâm: Tục nhuộm răng đen, tục ăn trầu, búi tóc của đàn ông, nón quai thao của đàn bà, chỏm của trẻ con, thói đi chân trần, quần áo nâu của người Kinh, quần áo chàm của người Tày... đều được ghi lại.
Trong quá trình ấy, có những va chạm của hai nền văn hóa nay đọc lại thấy tức cười khi các sỹ quan viễn chinh Pháp cho rằng hàm răng đen dù đều tăm tắp cũng khiến mồm trông như miệng cống, còn vị quan An Nam thì khen phụ nữ Pháp đẹp nhưng lại chê hàm răng trắng như răng chó!
Tục đa thê, thân phận người vợ lẽ trong gia đình, vấn đề kế thừa gia sản, việc cưới hỏi, cách đặt tên tục, tên chính thức, tên hèm, cách tính tuổi của mỗi người, trình tự của lễ tang... đều được ghi lại khá kĩ, thậm chí có những chi tiết tỉ mỉ hơn cả sách Thọ Mai gia lễ, hay Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính, Việt Nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh.
Bên cạnh đó, những công cụ sản xuất hay phục vụ sinh hoạt khác với bên Pháp cũng được nêu lên như xe cút kít, vó bè, thuyền nan, thuyền thúng, cối xay, cối giã gạo, điếu hút thuốc lào...
Và còn cả một kho báu độc đáo cuộc sống, văn hóa mang giá trị sử liệu về con người, xã hội và phong tục Bắc kỳ, Trung kỳ đầu thế kỷ 19 được trưng bày lạ lẫm qua ngòi bút Hocquard.