Bản sắc văn hóa “định vị” vai trò quốc gia

GD&TĐ - Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946 từng nói “Văn hóa soi đường quốc dân đi”, khẳng định tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước,...

Triển lãm diễn ra từ ngày 16 - 27/11, tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam.
Triển lãm diễn ra từ ngày 16 - 27/11, tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam.

Chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, từ ngày 16/11 đến 27/11, tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (số 2, Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VH-TT&DL tổ chức triển lãm với chủ đề “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Dấu ấn Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bức ảnh Bác Hồ bắt nhịp bài ca “Kết đoàn”.

Bức ảnh Bác Hồ bắt nhịp bài ca “Kết đoàn”.

Triển lãm trưng bày 320 hình ảnh, hơn 123 tài liệu, hiện vật. Trong đó có nhiều hiện vật quý được giới thiệu tới người xem như: Tạp chí “Tiên Phong” của Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam - Hà Nội số ra ngày 10/11/1945 có đăng Đề cương Văn hóa Việt Nam của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trong phát biểu khai mạc triển lãm cho biết, Ban tổ chức mong muốn giới thiệu tới rộng rãi công chúng sự giàu có của văn hóa, di sản nước nhà, về vai trò quan trọng của văn hóa với sự phát triển của đất nước.

Những hình ảnh, tư liệu, hiện vật quý về văn hóa Việt Nam từ văn hóa Đông Sơn, văn hóa Chăm… tới nay mà đặc biệt là nền văn hóa trong thời đại Hồ Chí Minh được giới thiệu tới công chúng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng của văn hóa, đó là văn hóa phải được coi trọng ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc tổ chức ngày 24/11/1946 trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Lời dạy của Bác trở thành kim chỉ nam xuyên suốt quá trình phát triển văn hóa Việt Nam, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Đặc biệt có giá trị sâu sắc với sự nghiệp đổi mới đất nước, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế.

Khắc họa những tư tưởng của Bác về văn hóa, triển lãm lựa chọn trưng bày những hình ảnh, hiện vật, tài liệu, thư, bản thảo, tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa nghệ thuật, với các văn nghệ sĩ, nhà trí thức, nhà khoa học Việt Nam.

Bác Hồ có rất nhiều bài nói, bài viết, tác phẩm, thư gửi các hội nghị trong lĩnh vực văn hóa. Người không chỉ nhấn mạnh vị trí, vai trò của văn hóa, mà còn đề ra nhiều chiến lược, nhiệm vụ quan trọng.

Triển lãm cũng giới thiệu một số hiện vật quý liên quan đến phong cách và lối sống giản dị, thanh cao của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là các đồ dùng trong sinh hoạt hằng ngày như: Bộ quần áo lụa nâu, đôi guốc mộc, chiếc gậy mây; thực đơn, bộ đồ dùng trong bữa ăn; đũa nhạc trưởng Bác Hồ chỉ huy dàn nhạc giao hưởng chơi bản nhạc “Kết đoàn”.

Văn hóa đẩy lùi giặc dốt

Thư Bác Hồ viết cho văn nghệ sĩ.

Thư Bác Hồ viết cho văn nghệ sĩ.

“Văn hóa soi đường quốc dân đi” là triển lãm quy mô, chất lượng và phong phú. Sách “Một nền văn hóa mới” in bài viết của hai tác giả Nguyễn Hữu Đang và Nguyễn Đình Thi. Bài viết nói về tình hình, triển vọng của văn hóa Việt Nam dưới thời Pháp thuộc, và chương trình kiến thiết một nền văn hóa Việt Nam mới trong tương lai in lần thứ hai năm 1945 cũng được giới thiệu tới người xem.

Triển lãm có nhiều hiện vật với những câu chuyện lịch sử của thời đại. Cuốn sách Bắc Sơn, Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam xuất bản năm 1946, mang tới câu chuyện vở kịch Bắc Sơn của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Lời hiệu triệu in trên giấy của Tổng Giám đốc Nha Bình dân học vụ ngày 8/9/1949. Văn bản kêu gọi toàn thể anh chị em các cấp bình dân học vụ ra sức học tập đẩy lùi giặc dốt, thanh toán nạn mù chữ trong toàn dân.

Rồi những cuốn ký họa chiến tranh, những bản nhạc được viết ra bên mùi khói bom và từ khát vọng độc lập của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Vở học văn hóa của anh hùng quân đội Đinh Núp và chiến sĩ nuôi quân Hồ Rê ở Tây Nguyên.

Công chúng được hòa mình vào không khí học tập trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, qua hình ảnh chiếc đèn phòng không của huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Đèn có 3 mái tôn hình tam giác làm nắp che ánh sáng, mỗi mái có các rãnh để thoát khói, có cánh cửa bằng tôn và một cạnh thoát ánh sáng để học sinh học bài.

Đây là sáng kiến của giáo viên Đậu Tấn Tự, khi Mỹ đánh phá miền Bắc năm 1965. Khi ấy, để việc học tập được liên tục, nhà trường đã chuyển hướng học ban đêm.

Qua triển lãm “Văn hóa soi đường quốc dân đi”, cho thấy sức mạnh của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đặc biệt, trong thời điểm này – khi cả nước chung tay chiến đấu với đại dịch Covid-19. Văn hóa đã phát huy sức mạnh, cổ vũ tinh thần và trở thành “liều vắc-xin” hữu hiệu.

Văn hóa là “vũ khí tinh thần” của cả dân tộc, được hun đúc và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Từ “Nam quốc sơn hà” thời Lý, “Hịch tướng sĩ” thời Trần, “Bình Ngô đại cáo” thời Lê, cho tới “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chủ tịch - góp phần vào chiến thắng chói lọi của lịch sử.

Nội hàm của khái niệm văn hóa vô cùng phong phú và luôn thay đổi trong từng thời kỳ. Bởi vậy, dễ dàng nhìn nhận thấy ở văn hóa một sự biến đổi và nối tiếp và sáng tạo, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh… Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”.

Văn hóa là sức mạnh nội sinh, là nền tảng tinh thần dân tộc. Xã hội càng phát triển, các quốc gia càng quan tâm hơn đến bản sắc. Nếu văn hóa là “sức mạnh mềm”, thì bản sắc là yếu tố sống còn để “định vị” vai trò quốc gia trên trường quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ