Mary Sauer là một nhà văn sống ở miền Trung Tây Mỹ cùng chồng của mình và 2 cô con gái. Mary thường viết về những chủ đề mà mình yêu thích như: làm mẹ, hôn nhân, gia đình, ẩm thực. Dưới đây là bài viết của cô đăng tải trên trang SheKnows nói về cách ứng xử của cha mẹ với những đứa con bướng bỉnh.
Bấy giờ là 2 giờ sáng. Cô con gái bé bỏng của tôi đang không ngừng la hét từ trong phòng mình: "Con không muốn ngủ". Chúng tôi đã phải chịu đựng điều đó trong suốt một giờ đồng hồ. Và dù đã thử mọi biện pháp trừng phạt có thể, mọi chuyện vẫn không khá hơn.
Chúng tôi đã giả vờ phớt lờ con bé, trèo lên giường dỗ dành, hứa làm bánh mì nướng kiểu Pháp vào buổi sáng cho nó, thậm chí dọa nạt hủy bỏ những kế hoạch thú vị từng nói trước đó. Tất cả đều không có tác dụng.
Cuối cùng, tiếng gào la thường sẽ tự ngừng lại. Con bé ngủ thiếp đi vì mỏi mệt với một nửa người nhoài ra khỏi giường. Ngay lúc đó, tôi đã thầm cảm thấy bất hạnh khi có một đứa con bướng bỉnh nhường ấy.
Tôi đổ lỗi cho chồng mình, người sinh ra trong một gia đình nổi tiếng là bướng bỉnh, cứng đầu. Anh ấy thậm chí từng có lần ngậm hạt đậu Hà Lan trong miệng và đi ngủ hệt như một đứa trẻ.
Ảnh:Imgarcade. |
Con gái tôi bình thường vẫn cư xử rất lễ phép. Nó là một đứa bé thông minh, hài hước, chu đáo và ân cần. Nhưng khi con bé kiên quyết không thỏa hiệp thì tất cả đức tính tốt đẹp kia đều mau chóng biến mất. Nếu làm cha, làm mẹ của một đứa trẻ cứng đầu, bạn có thể hiểu được điều này.
Những đứa trẻ cứng cỏi thường khăng khăng giữ ý kiến của mình, hành động theo cách của mình, bất kể hậu quả có nghiêm trọng nhường nào đi nữa. Nhưng một số nghiên cứu gần đây cho thấy về lâu dài những đứa trẻ bướng bỉnh lại đạt được nhiều thành công hơn.
Sau khi theo dõi quá trình trưởng thành của một nhóm học sinh tiểu học, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng: những đứa trẻ có xu hướng thích phá vỡ quy tắc sau này thường có thu nhập cao hơn so với các đồng nghiệp "ngoan ngoãn" khác.
Ngoài ra, hầu hết các chuyên gia giáo dục cũng khẳng định rằng: một đứa trẻ bướng bỉnh thường có khả năng làm được nhiều điều đúng đắn hơn. Bởi trong thâm tâm chúng luôn cảm thấy sự thúc giục mạnh mẽ của niềm tin.
Khi đang trong cuộc chiến với một đứa trẻ gào khóc suốt hai giờ và không chịu đi vệ sinh suốt 6 giờ đồng hồ, gần như bạn sẽ không thể nhìn thấy bất kỳ điểm tích cực nào trong tính cách cứng cỏi của chúng.
Dạy dỗ một đứa trẻ bướng bỉnh như thế không phải là chuyện dễ dàng. Tôi luôn có một ám ảnh rằng mình phải khiến con bé nhận ra rằng ai mới thực sự là người có quyền lên tiếng, nhận ra rằng nó phải phục tùng ai.
Trên thực tế, phụ huynh của những đứa trẻ bướng bỉnh thường chỉ nhận được sự vâng lời tuyệt đối một khi họ tìm được cách dung hòa cá tính của con cái mình. Hãy để cho đứa trẻ giữ quan điểm cá nhân của riêng nó, hãy để nó tự nhìn nhận điều gì là đúng, là sai.
Nếu để ý hơn một chút, bạn có thể thấy được lợi ích không ngờ từ việc để con mình tự chủ. Tôi từng rất tự hào khi trông thấy con gái mình kiên quyết từ chối ôm một người khiến con bé khó chịu.
Tôi đã thấy con gái mình làm được những thứ tưởng chừng như quá sức với nó. Tôi cũng không ngừng tranh luận với con nhưng chỉ để khẳng định rằng con bé đã làm được một điều gì đó thực sự tốt.
Bây giờ tôi hoàn toàn tự tin rằng khi tới trường con bé đủ khả năng đứng lên nói không với những thứ nó cảm thấy không phù hợp. Tôi háo hức mong đợi được chứng kiến những gì con bé đạt được bằng chính quyết tâm của mình. Tôi biết, đó là những điều dẫn con mình tới ngưỡng cửa thành công.
Còn bây giờ, tôi đang là người mẹ của đứa trẻ đeo một đôi giày hai màu khác nhau, không mặc áo khoác vào giữa trời giá rét tháng 12.
Cũng có thể tôi sẽ phải tiếp tục chiến đấu với những cơn bướng bỉnh giữa buổi đêm của con gái để rồi thức dậy với những quầng thâm dưới mắt mình. Nhưng tôi vẫn sẽ kiên quyết không đầu hàng những áp lực đó. Tôi sẽ không làm bất cứ điều gì để phá vỡ cá tính của con mình, dù có thể nó hơi khó chịu!