Bản lĩnh nhà giáo – bản lĩnh trí thức

Bản lĩnh nhà giáo – bản lĩnh trí thức

(GD&TĐ) - Bản lĩnh con người không tự nhiên mà có, bản lĩnh được hình thành trong quá trình sống nhiệt thành và sâu sắc. Bản lĩnh nhà giáo, bản lĩnh trí thức luôn là cái đích vươn tới của những người được mệnh danh là kĩ sư tâm hồn, người hôm nay gieo hạt nhân tốt để cho tương lai đón nhận quả ngọt lành.

nhà giáo giỏi thuộc trí thức tinh hoa của dân tộc
Nhà giáo giỏi thuộc trí thức tinh hoa của dân tộc (ảnh mang tính minh họa/Internet)

Có nhiều quan niệm về trí thức và cũng đã có rất nhiều cuộc tranh luận liên quan đến đội ngũ trí thức với các yếu tố về: trình độ học vấn, đặc thù lao động, nhân cách,… của người trí thức. Trong các định nghĩa, quan niệm, dường như người tham gia mong muốn định hình một cách bền chặt về vai trò người trí thức trong xã hội, đã giao phó những nhiệm vụ mang tính  bất khả kháng để người trí thức phải thực thi hoàn hảo, đó phải là người “lao động trí óc, có trình độ học vẫn cao (nói chung từ cử nhân trở lên?!) về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có tư duy độc lập, năng lực sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có ích cho xã hội”. Như thế, nói đến trí thức là dễ nghiêng về các vấn đề chính trị, xã hội, tầng lớp sử dụng tư duy, trí tuệ để xây dựng và phát triển đất nước. Khía cạnh này, trí thức đòi hỏi phải thực hiện công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn cao hơn, cần sự huy động nỗ lực mạnh mẽ của tư duy trí óc. Nhận diện trên có phần phiến diện, song không bàn luận và cũng không hợp ở đây.

Có thể ngắn gọn hiểu về con người trí thức với những phẩm chất về tính chuyên môn nghề nghiệp của đặc thù lao động trí óc. Người trí thức là người có văn hóa, yếu tố văn hóa được đặc tôn trong các yêu cầu về lao động nghề nghiệp, về hành vi sống. Văn hóa chuẩn mực của trí thức không chỉ dừng lại ở mức hẹp là trình độ văn hóa được đào tạo, cách ứng xử trong sinh hoạt, làm việc mà còn mở rộng tới tầm cao của sự hoàn thiện nhân cách công dân trong xã hội văn minh, hiện đại. Yếu tố văn hóa người trí thức biểu hiện là một người ham hiểu biết, có tư duy sáng tạo và phản biện, có khát vọng cao đẹp, có niềm tin vào ý chí cá nhân và cộng đồng. Đó còn là đặc tính đề cao sự hiểu biết minh tuệ, yêu mình và yêu thương đồng loại, yêu nghề và dấn thân với nghiệp. Và như thế, cái cách và sản phẩm người trí thức đóng góp cho xã hội mang đặc điểm của một con người có nhân cách, có trí tuệ và bản lĩnh văn hóa.

Nhà giáo là trí thức đích thực, với công việc giáo dục và đào tạo con người, tạo ra sản phẩm đặc biệt, khẳng định các giá trị người cho các công dân hiện hữu và tương lai. Có nhiều yếu tố để tạo nên phẩm chất, nhân cách nhà giáo, song điều tiên quyết chính là tri thức và lòng yêu trẻ. Nhà giáo có thâm niên hay mới bước vào nghề, để tồn tại và phát triển nghề nghiệp thì không ngoài nhiệm vụ gia tăng hàm lượng tri thức trong tư duy và bồi đắp thêm tình thương yêu, tinh thần trách nhiệm trong việc giáo dục trẻ. Song nhà giáo cũng như các trí thức khác trong xã hội, để sống được với nghề, để hiện thực hóa lý tưởng nghề nghiệp thì cần lắm một bản lĩnh của kẻ sĩ.

Bản lĩnh nói chung được hiểu là nét phẩm chất của con người trong hành động độc lập, tự quyết. Bản lĩnh càng cao thì tính độc lập, tự quyết định trong hành động càng quyết liệt bấy nhiêu. Bản lĩnh đi liền với phong cách, cá tính sống, người có phong cách cá tính độc đáo thì ắt bản lĩnh được thường xuyên thử thách, rèn luyện. Bản lĩnh nhà giáo cũng không nằm ngoài tư duy là bản lĩnh của kẻ sĩ, một người có tri thức, có lương tâm và có trách nhiệm sống với bản thân và cộng đồng. Để rèn luyện được một bản lĩnh cững cỏi, chính danh với danh xưng cao quý là Nhà giáo dục thì cá nhân phải nỗ lực rèn luyện nhiều, chắc chắn phải được tôi luyện trong thử thách và qua trải nghiệm sự thành công, thất bại. Cái danh “kẻ sĩ” trong nhà giáo càng lớn bao nhiêu thì tính trách nhiệm trong hành động của nhà giáo càng hiện hữu bấy nhiêu, và đôi khi, nó trở lên cực đoan, “gàn” (theo nghĩa đề cao việc rèn trí luyện tài) mà vẫn được tôn vinh trân trọng. Cái bản lĩnh “gàn” của các cụ đồ Nghệ, của sĩ phu Bắc Hà,…sẽ mãi là biểu tượng của sự tôn vinh khí phách và tài năng, thâm thúy mà uyên bác của giới trí thức, của những kẻ sĩ nặng nợ với đời, với nước.

Trong cuộc đời nhà giáo, có lẽ bản lĩnh trí thức luôn được thử thách trong các hoạt động ở nhiều không gian sống: với gia đình, nhà trường, xã hội, với nhiều đổi tượng: người thân, đồng nghiệp, cấp trên, học sinh, cha mẹ học sinh, cộng đồng…nên không khó phát hiện sự quy phạm và chuẩn mực trong giao tiếp ứng xử của nhà giáo. Có nhà giáo là tấm gương về bản lĩnh coi thường sự vinh danh phù phiến, có người làm gương về sự mẫu mực cẩn trọng, lại có người hiện thân cho sự nhẫn nhịn, coi sự nịnh nọt, trù dập là đặc thù của lối sống tiểu nhân,… nên hầu hết những con người bản lĩnh này, cả đời sống với lý tưởng tình thương, lòng nhân và trách nhiệm, và coi đó là những quy phạm bất di dịch đối với nhà sư phạm. Những quy phạm chuẩn mực mang tính sư phạm đó cũng chính là những thử thách để nhà giáo tôi rèn bản lĩnh là một trí thức hiện đại, có nhiệm vụ cao quý: dạy tri thức và dạy cách sống có ích cho trẻ; song đó cũng chính là những áp lực không nhỏ đối với mỗi nhà giáo, đòi hỏi nhà giáo phải vượt qua để xứng danh với nhiệm vụ cao quý này. Cuộc đời nhà giáo gắn liền với sách vở, giảng đường, học trò,… những thứ tưởng chừng như “trắng không tỳ vết”, xa lạ với sự bon chen, tính toán thiệt hơn, thắng thua, được mất,… nên trong mắt trò thầy thật hoàn hảo, đáng khâm phục và nể trọng. Cái nhìn một chiều và thiếu đầy đủ đó về thầy đã vô tình là thứ áp lực đối với thầy, tách biệt người thầy với môi trường sống xã hội, đóng khung lối suy nghĩ về thầy và nghiệp giáo một cách giáo điều xa lạ. Đã từng có quan niệm “thầy chỉ nên sống bằng đồng lương”, rồi “giấy trắng, phấn trằng, bàn tay trắng” mãi là biểu tượng về người thầy nghèo mà sang, thanh bạch mà cao quý vô ngần. Như thế cũng đủ thấy, xã hội đã tạo ra một nếp nghĩ có tính vĩnh cửu về người thầy, định danh người thầy phải nghèo, phải vất vả miết mài,… thì mới xứng danh đích thực. Nên vẫn có kẻ, ngày nay còn ngạc nhiên, truy hỏi mãi: lạ thật, bụng thầy toàn chữ sao giàu vậy?!

Định danh nhà giáo- nhà trí thức để muốn khẳng định phẩm chất, nhân cách người trí thức trước những thử thách cuộc đời và xã hội, để trau dồi thêm, khẳng định thêm bản lĩnh vững vàng của nhà giáo trong cuộc đời dạy học của mình- một hoạt động ưa sự đổi mới, sáng táo. Nói đến đổi mới, sáng tạo trong dạy học ngày nay như là một yêu cầu bắt buộc đối với nhà giáo ở các cấp học, nhưng thực tế thực hiện như thế nào, đến mức độ nào thì khó có thể nắm bắt được. Có thể hoạt động này chưa thu được kết quả mong muốn là do từ chính người hành nghề chưa thực tâm thực hiện, chưa nghĩ sâu để có cách làm hiệu quả. Người dạy và người học rất cần một bản lĩnh độc lập và tự quyết trong chương trình dạy học. Đó là sự đổi mới về cách nghĩ, cách làm với cấp trên, với sách vở, với đồng nghiệp và với những lỗi mòn trong tư duy lạc hậu của chính mình. Thứ bản lĩnh đó được thực thi đến tận cùng thì chủ thể của nó đã đạt đến sự chuyên nghiệp, tinh thông và nhuần nhuyễn nghiệp vụ. Dạy học là một hoạt động nghề nghiệp, người hành nghề cần chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, mà nếu phi chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, thì dạy học cũng chỉ là hoạt động đơn thuần giao tiếp nói nghe, đọc chép mà thôi. Dạy học cần nhiều hơn thế, cần thế chủ động của cả thầy và trò, liên tục sáng tạo và đổi mới, phản biện, tự phản biện để hoàn thiện. Thầy là người khơi gợi, thổi bùng ngọn lửa đam mê tìm tòi và chiếm lĩnh tri thức nơi trò, thầy là tấm gương về học và tập, học và hành, học với tinh thần gắn với thực tế sáng tạo, thầy và trò cùng chung một lý tưởng, hun đúc một niềm tin vào sự trưởng thành, lớn lên từ tri thức. Hơn ai hết, nhà giáo rất hiểu về tốc độ gia tăng tri thức nhân loại cùng với sự lạc hậu của tri thức hôm nay, nên rất cần sự tự học, tự làm mới đời sống tri thức của mình để cập nhật tri thức, để không lạc hậu với xã hội, thậm chí với chính trò của mình. Và như thế, cần lắm một bản lĩnh cứng cỏi nơi thầy, thầy dám nghĩ biết làm, biết buông lơi những phù phiếm danh lợi để can đảm mà nắm chắc mã số kho kiến thức vô tận của nhân loại để gia tăng sự giàu có về tri thức mà giá trị vật chất của nó cũng chẳng hao hụt đi phần nào.

Nhà giáo là một trí thức, nhà giáo giỏi thuộc trí thức tinh hoa của dân tộc, là báu vật, hiền tài, “nguyên khí của quốc gia” mà đất nước có thể không hoặc rất lâu mới sản sinh ra được. Đó là nơi lưu giữ và phát huy trí tuệ Việt, để trí tuệ Việt xứng tầm thế giới, để con dân Việt ngày nay không hổ thẹn với ông cha, ngẩng cao đầu mà sánh vai với các cường quốc. Đặt vấn đề bản lĩnh nhà giáo- bản lĩnh trí thức để như muốn nhấn thêm vai trò, trách nhiệm, lương tâm nhà giáo trong rèn đức luyện tài, để mong mỏi vị thế nhà giáo được coi trọng hơn nữa, để nền khoa học giáo dục được thay đổi và phát triển, để dừng lại ngay: “lãng phí chất xám”, “chảy máu chất xám” của nền giáo dục nước nhà.

Đỗ Tiến Sỹ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ