Băn khoăn dạy học các môn KHXH&NV trong trường ĐH

Băn khoăn dạy học các môn KHXH&NV trong trường ĐH

(GD&TĐ) - Từ tháng 4 năm 2010, Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội - Ban Tuyên giáo Trung Ương đã tiến hành thăm dò trên 1.000 cá nhân gồm cán bộ đang công tác tại các cơ quan trung ương; Bộ GD&ĐT; các Viện Nghiên cứu, giảng viên và sinh viên trong các trường Đại học thuộc khối ngành khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) nhằm tìm hiểu về thực trạng và giải pháp việc giảng dạy, học tập ở các trường Đại học Việt Nam trong thời kỳ hội nhập Quốc tế.

Sinh viên trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội)
Sinh viên trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội)

Kết luận từ cuộc khảo sát trên cho thấy, sinh viên lựa chọn ngành học thuộc KHXH&NV có xu hướng tâm lý chưa ổn định. Theo phản ánh từ phía người học, giảng viên cần thay đổi phương pháp giảng dạy phù hợp hơn với thực tiễn, nhất là việc áp dụng các công nghệ, trang thiết bị hiện đại vào quá trình giảng dạy nhằm phát huy tính năng động, chủ động, tích cực tư duy của sinh viên.

Bên cạnh đó, giáo trình, tài liệu tham khảo các môn học thuộc lĩnh vực KHXH&NV còn hạn chế; nội dung môn học chưa thể hiện rõ được tinh thần tiếp thu tinh hoa văn hoá thế giới hoặc chưa phù hợp với thực tiễn xã hội.

Tuy nhiên, công bằng mà nói, cách tiếp cận và phương pháp học tập các môn học KHXH&NV hiện nay có nhiều ưu điểm. Cụ thể, tính chủ động học tập ngày càng được cải thiện, đặc biệt là khả năng tiếp cận các phương tiện, CNTT hiện đại, việc tự ý thức tìm đọc lại giáo trình, tài liệu tham khảo để hiểu thêm về vấn đề khó khăn trong quá trình học mà sinh viên gặp phải; trao đổi, tranh luận với bạn bè trong lớp; tham khảo ý kiến của thầy cô và chuyên gia...

Cũng theo kết luận cuộc khảo sát, tinh thần và thái độ làm việc của cán bộ giảng viên giảng dạy các môn KHXH&NV còn chưa cao. Các giảng viên cũng chưa đồng thuận với việc bố trí, sắp xếp kết cấu, nội dung của môn học trên cả 3 phương diện: Cấu trúc chương trình, thời lượng giảng dạy và nội dung giảng dạy.

Bên cạnh việc phản ánh chất lượng nội dung giáo trình và tài liệu tham khảo chưa đáp ứng được nhu cầu học tập và nghiên cứu của sinh viên, các đánh giá của giảng viên còn cho thấy sinh viên chưa quan tâm nhiều đến các môn học thuộc KHXH&NV.

Nhận xét căn bản của các nhà lãnh đạo, quản lý, chuyên gia giáo dục về thực trạng sinh viên các ngành KHXH&NV hiện nay là: Sinh viên hiện nay rất ngại học các môn KHXH&NV; tâm lý học chỉ để thi, học chỉ để lấy bằng cấp là phổ biến và sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành KHXH&NV rất khó xin việc làm hoặc làm việc không phù hợp với chuyên môn. Thêm vào đó là giảng viên còn thể hiện thiếu niềm tin, thiếu sự tin tưởng đối với sinh viên học các ngành KHXH&NV sau khi ra trường có thể đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của xã hội.

Có ý kiến cho rằng “Các môn KHXH&NV trong các trường đại học đã góp phần xây dựng con người mới, giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc”. Song nhiều nhà lãnh đạo, quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực GD-ĐT còn băn khoăn trước ý kiến này. Phần lớn các đánh giá cho rằng đội ngũ giảng viên các môn KHXH&NV đã có đóng góp tích cực trong việc phát triển lĩnh vực KHXH&NV ở các trường đại học thời gian qua, tuy nhiên đại đa số ý kiến cũng thừa nhận đội ngũ giảng viên các môn KHXH&NV  ở nhiều trường đại học hiện nay vừa thiếu, vừa yếu, vừa không có tính kế thừa.

Rất nhiều ý kiến của nhà lãnh đạo, quản lý, chuyên gia giáo dục tán thành (hoặc tán thành một phần) nhận định cho rằng: So với các ngành khoa học khác trong các trường đại học, KHXH&NV là chậm đổi mới nhất về phương pháp dạy và học; Hệ thống giáo trình các môn KHXH&NV quá lạc hậu, chủ yếu thiên về tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, lập trường chính trị, thực trạng này khiến sinh viên nhàm chán trong học tập và nghiên cứu.

Về nội dung giảng dạy trong các ngành KHXH&NV, quan điểm của các nhà lãnh đạo, quản lý, chuyên gia giáo dục đều cho rằng “Nội dung các môn KHXH&NV trong các trường đại học hiện nay quá nặng về lý luận, xa rời thực tiễn cuộc sống; Sinh viên hiện nay cần phải được trang bị các kiến thức sống với đa nguyên văn hoá và sẵn sàng đón nhận sự lai tạp văn hoá”. Điều này nói lên nhu cầu cần phải đổi mới nội dung giảng dạy các môn KHXH&NV sao cho phù hợp với thực tiễn phát triển của thời kỳ hội nhập quốc tế. Các nhà lãnh đạo, quản lý và chuyên gia giáo dục thừa nhận công tác quản lý giáo dục nhằm nâng cao chất lượng việc dạy và học các môn KHXH&NV trong các trường đại học thời gian qua thực hiện chưa được tốt.

Do vậy yếu tố quan trọng nhất trong việc tạo hứng thú học tập cho sinh viên đối với các môn học này chính là phương pháp dạy và học. Đây cũng là yếu tố căn bản quyết định chất lượng việc giảng dạy và học tập trong các nhà trường.

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh chủng đặc biệt ở Trường Sơn

Binh chủng đặc biệt ở Trường Sơn

GD&TĐ - ​Tạo nên sức mạnh Trường Sơn là tổng lực của cả dân tộc, của cả thời đại, trong đó có sự đóng góp của đội ngũ báo chí, văn nghệ sĩ.
Ông MacNair cắt tỉa cây cảnh tại nhà riêng ở Dubai.

Bậc thầy bonsai ở Dubai

GD&TĐ - Khi lần đầu mua cây cảnh vào những năm 1980, ông Robert MacNair (Scotland), không hề biết rằng nó sẽ là khởi đầu đam mê suốt đời mình.
Thường trực Thành ủy TPHCM tặng hoa chúc mừng bà Trần Thị Diệu Thúy, ông Dương Ngọc Hải và ông Võ Ngọc Quốc Thuận tại kỳ họp thứ 15, HĐND TPHCM khóa X. (Ảnh: Thành Nhân).

TPHCM có hai tân Phó Chủ tịch UBND

GD&TĐ - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM Trần Thị Diệu Thúy và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Dương Ngọc Hải được bầu làm Phó Chủ tịch UBND Thành phố.