Ban hành Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngoại ngữ 1 Tiếng Nga, Nhật, Pháp, Trung Quốc

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT công bố Thông tư số 19/2021/TT-BGDĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngoại ngữ 1 Tiếng Nga, Tiếng Nhật, Tiếng Pháp và Tiếng Trung Quốc.

Ảnh minh họa/ITN
Ảnh minh họa/ITN

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 16/8/2021 và thay thế Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5/5/2006 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông.

Chương trình tiếng Nhật ban hành tại Quyết định số 2051/QĐ-BGDĐT ngày 18/5/2011 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT được áp dụng cho đến khi Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Nhật tại Thông tư số 19/2021/TT-BGDĐT được thực hiện.

Đối với các lớp cấp THCS, THPT chưa thực hiện được môn Tiếng Nhật theo lộ trình quy định tại Thông tư này thì tiếp tục thực hiện Quyết định số 2051/QĐ-BGDĐT cho đến hết lớp 12.

Chương trình 4 Ngoại ngữ 1 nói trên được thực hiện theo lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Các môn Tiếng Nga - Ngoại ngữ 1, Tiếng Nhật - Ngoại ngữ 1, Tiếng Pháp - Ngoại ngữ 1 và Tiếng Trung Quốc - Ngoại ngữ 1 là môn học được tổ chức giảng dạy từ lớp 3 đến lớp 12 và tuân thủ các quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD&ĐT về thời lượng dạy học môn học.

Cụ thể, mỗi môn đều có thời lượng 1.155 tiết. Trong đó, cấp tiểu học có tổng số 420 tiết (4 tiết/tuần); cấp THCS có tổng số 420 tiết (3 tiết/tuần); cấp THPT có tổng số 315 tiết (3 tiết/tuần).

Các chương trình giáo dục phổ thông: môn Tiếng Nga – Ngoại ngữ 1, môn Tiếng Nhật - Ngoại ngữ 1, môn Tiếng Trung Quốc - Ngoại ngữ 1, môn Tiếng Pháp - Ngoại ngữ 1 là cơ sở để triển khai biên soạn, lựa chọn bộ sách giáo khoa Tiếng Nga, Tiếng Nhật, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Pháp và các tài liệu tham khảo đi kèm.

Cả 4 Chương trình đều quy định các điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất để thực hiện đạt hiệu quả.

Theo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, học sinh phổ thông bắt buộc phải học một ngoại ngữ (gọi là Ngoại ngữ 1) và được tự chọn thêm ít nhất một ngoại ngữ khác (gọi là Ngoại ngữ 2) theo nguyện vọng của mình và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục.

Ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12. Cơ sở giáo dục có thể tổ chức học Ngoại ngữ 1 bắt đầu từ lớp 1, nếu học sinh có nhu cầu và cơ sở giáo dục có khả năng đáp ứng.

Ngoại ngữ 2 là môn học tự chọn, có thể tổ chức dạy học bắt đầu từ lớp 6 và kết thúc ở bất kì lớp nào tuỳ theo nhu cầu của học sinh và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục.

Hiện nay, Ngoại ngữ 1 gồm các môn: Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Nga, Tiếng Nhật.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng đã có quyết định thí điểm dạy tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 1 để học sinh lựa chọn theo nhu cầu tại Quyết định số 712/QĐ-BGD&ĐT ngày 9/2/2021.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trách nhiệm của cha mẹ là truyền đạt cho con khái niệm về sự kiên nhẫn. (Ảnh: ITN).

Vì sao bố mẹ nên dạy con tính kiên nhẫn?

GD&TĐ - Ngay cả việc học về tính kiên nhẫn cũng cần một lượng thời gian đáng kể. Bạn cần chuẩn bị sẵn kiến ​​thức cơ bản trước khi dạy con về tính kiên nhẫn.