(GD&TĐ) - Ông Tô Minh Giới – Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đã phát biểu như vậy tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga chiều nay 16/6/2011 tại Hà Nội liên quan đến đề án đề nghị thành lập trường ĐH Kinh tế và Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ.
Sau khi nghe báo cáo tóm tắt công tác chuẩn bị thành lập trường ĐH Kinh tế và Kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ do ông Huỳnh Thanh Nhã, Hiệu trưởng trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ trình bày, đại diện Vụ Kế hoạch – Tài chính đã báo cáo ý kiến tổng hợp của các Vụ, Cục thuộc Bộ đánh giá về đề án thành lập trường ĐH Kinh tế và Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ, trong đó tập trung sự quan tâm vào khả năng đào tạo của đội ngũ giảng viên và khả năng đầu tư tài chính của địa phương cho việc thành lập trường ĐH (trong đó tập trung vào đội ngũ giảng viên).
Phát biểu về đề án, đại diện Vụ Tổ Chức cán bộ quan tâm tới quy hoạch các trường ĐH trên địa bàn thành phố Cần Thơ và nêu lại đề nghị UBND thành phố Cần Thơ tập trung đầu tư phát triển trưởng CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ tại cuộc họp trước đây và lưu ý thực tế cần chú trọng là giải pháp đầu tư ngân sách về chính sách để tuyển dụng và đào tạo đội ngũ giảng viên một khi nâng cấp lên ĐH. Điều này đề án nâng cấp mới chỉ nêu về con số đội ngũ mà chưa có thống kê cụ thể về trình độ giảng viên, trong khi đây là yêu cầu quan trọng về đội ngũ (tỷ lệ giảng viên đạt trình độ sau ĐH, nhất là trình độ tiến sĩ).
Đại diện lãnh đạo Cục Cơ sở Vật chất lưu ý về vấn đề quỹ đất dành cho các trường ĐH mà UBND thành phố Cần Thơ phải tính đến khi đã xác định xây dựng Cần Thơ trở thành một trung tâm đào tạo trong vùng. Bên cạnh đó là vốn đầu tư cũng cần được xác định rõ khi xây dựng các trường (dự kiến tới đây Cần Thơ sẽ có 7 trường ĐH, hiện đã có 3 trường đang hoạt động và đề án nâng cấp của trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ là 1 trong 4 đề án thành lập trường ĐH mà thành phố đang xây dựng). Một lần nữa, đầu tư cho đội ngũ cán bộ giảng dạy cũng được đại diện lãnh đạo Cục Cơ sở Vật chất nhấn mạnh bởi đây là điều cốt lõi của chất lượng đào tạo mà không chỉ lãnh đạo nhà trường mà cả UBND thành phố cũng cần tính đến ngay từ trong quá trình xây dựng đề án.
Lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ làm việc với Bộ GD&ĐT về đề án nâng cấp trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ lên ĐH. |
Đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý GD bày tỏ băn khoăn về đầu tư phát triển đội ngũ trong thời ngắn như vậy với nhiều ngành nghề đào tạo được mở ra (ở từng giai đoạn 2011 – 2015, 2015 - 2020) trong đề án trình bày chưa cho thấy được tính khả thi và nhất là liệu có thực sự đáp ứng được nhu cầu đạo tạo khi nhà trường được nâng cấp lên ĐH, bởi hiện nay số giảng viên có trình độ trên ĐH của trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ chỉ có 103 người, trong đó có 9 tiến sĩ và 13 nghiên cứu sinh. Mục tiêu đến năm 2015 số giảng viên có trình độ sau ĐH là 260 người sẽ được thực hiện theo lộ trình nào và cụ thể sẽ có bao nhiêu tiến sĩ? Đó là câu hỏi mà đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý GD đặt ra.
Phân tích về nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và quy mô sinh viên ở các trường ĐH, CĐ trên địa bàn, ông Ngô Kim Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học lưu ý đây vẫn là vùng trũng, cần thiết phải có thêm các trường ĐH, CĐ phục vụ nhu cầu học và phát triển nguồn nhân lực của địa phương. Điều cần quan tâm vẫn là khả năng đầu tư của địa phương trong xây dựng các trường ĐH (ở đây là các trường công lập trực thuộc địa phương, theo Nghị quyết của Quốc hội) và lộ trình phát triển đội ngũ cán bộ giảng viên đáp ứng yêu cầu đào tạo bậc ĐH.
Cảm ơn các ý kiến đóng góp của đại diện các Vụ, Cục thuộc Bộ GD&ĐT về đề án, ông Tô Minh Giới – Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ - khẳng định nhu cầu mở rộng mạng lưới hệ thống các trường ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố là hết sức cần thiết để phát triển nhân lực cho thành phố nói riêng và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung, mà đề án nâng cấp trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ lên ĐH là nhằm hiện thực hóa chủ trương này.
Về quỹ đất, ông Tô Minh Giới cho biết thành phố đã quy hoạch hoàn thiện 200h đất dành cho các trường ĐH và luôn có quỹ đất dự phòng trong trường hợp các trường ĐH cần mở rộng theo nhu cầu đào tạo hoặc thành lập thêm trường ĐH trên địa bàn.
Về nguồn đầu tư thành phố cũng đã có chủ trương với tinh thần tạo mọi điều kiện để trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ sớm được nâng cấp lên ĐH, bởi “đây là nhu cầu cấp thiết của không chỉ đối với người dân Cần Thơ mà cả Đồng bằng Sông Cửu Long”, ông Tô Minh Giới nhấn mạnh. Ông cũng lưu ý lãnh đạo trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ sớm điều chỉnh đề án, trong đó nêu rõ hơn lộ trình đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ giảng dạy, đặc biệt cán bộ giảng dạy có trình độ tiến sĩ; với định hướng đào tạo trọng tâm là các ngành nghề kinh tế.
Về các đề xuất khác của Bộ GD&ĐT liên quan đến phát triển mạng lưới các trường CĐ, ĐH ở Cần Thơ, ông Tô Minh Giới khẳng định lãnh đạo UBND thành phố sẽ nghiên cứu nghiêm túc và mong nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ GD&ĐT trong vấn đề này, đặc biệt là hướng tới mục tiêu xây dựng cho Cần Thơ một trường ĐH đào tạo chất lượng cao, xứng đáng với vị thế thành phố trực thuộc Trung ương và là trung tâm của cả khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định Bộ GD&ĐT ủng hộ chủ trương nâng cấp trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ lên ĐH để phục vụ nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho thành phố cũng như khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Thứ trưởng đề nghị UBND thành phố hỗ trợ nhà trường mạnh mẽ hơn về quỹ đất đai, đầu tư phát triển đội ngũ và kinh phí lâu dài phục vụ mục tiêu phát triển của nhà trường mà đề án đã đề ra. Thứ trưởng cũng đề nghị Cần Thơ cần có một trường ĐH đào tạo đa ngành riêng để phục vụ nhu cầu đào tạo nhân lực cho thành phố cũng như của cả khu vực như mục tiêu của lãnh đạo thành phố đã đặt ra.
Như Nguyễn