Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó ngành Giáo dục đào tạo có đóng góp rất quan trọng. Việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng cao cả về số lượng cũng như chất lượng là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Khi chúng ta tham gia vào việc phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cần được đo đếm bằng những chỉ số cụ thể. Nguồn nhân lực, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo luôn luôn là một trong những đột phá chiến lược để phát triển đất nước.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu.
"Những gì chúng ta đóng góp để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cần thông qua cải cách hành chính, cải thiện môi trường phát triển giáo dục và đào tạo. Mục tiêu nhằm tạo thuận lợi cho người dân, cơ sở giáo dục và các nhà đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo" - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định.
Từ kinh nghiệm thực tế của các nước phát triển về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong thời gian qua, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn gợi mở, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh cải tiến chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ. Các đại biểu dự hội thảo mạnh dạn đưa ra những góp ý, trao đổi thẳng thắn để cùng tìm ra nhiều giải pháp phù hợp.
Ông Bùi Văn Linh - Phó Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT.
Ông Bùi Văn Linh - Phó Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, năm 2024 là năm thứ 10 triển khai Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (trước đây là Nghị quyết 19), nhằm cải thiện môi trường kinh doanh với cách tiếp cận mới là so sánh với các nước trong khu vực cùng các mục tiêu rõ ràng.
Qua đây cho thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của việc triển khai nhiệm của Nghị quyết 02 của Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Điều này vừa tạo áp lực, đồng thời khơi dậy động lực, tinh thần cải cách của các bộ, ngành, địa phương.
Ngày 5/1/2024, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP đã thể hiện rõ thông điệp tiếp tục đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo niềm tin về sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp. Những nỗ lực cải cách của các bộ, ngành và địa phương thời gian qua đã đạt được kết quả to lớn, có tác động tích cực đến đầu tư, tăng trưởng GDP.
Chính phủ tiếp tục xác định các mục tiêu cải cách theo thông lệ quốc tế, có chọn lọc trọng tâm để phù hợp với vấn đề, bất cập, tồn tại của từng năm. Theo đó, đặt ra cụ thể một số mục tiêu nâng hạng các chỉ số quốc tế như:
Phát triển bền vững thuộc Nhóm 50 nước đứng đầu; Năng lực Đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng ít nhất 3 bậc; Chính phủ điện tử tăng ít nhất 5 bậc; Quyền tài sản tăng ít nhất 2 bậc; Hiệu quả logistics tăng ít nhất 4 bậc; Năng lực phát triển du lịch và lữ hành tăng ít nhất 2 bậc; An toàn an ninh mạng thuộc nhóm 30 nước đứng đầu...
Cần những giải pháp cụ thể
Để thực hiện các mục tiêu như trên, Chính phủ xác định 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024, đồng thời gắn với trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương. Những nhóm giải pháp này hướng tới giải quyết các vướng mắc, bất cập cụ thể và đang gây cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.
Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2024 đã giao Bộ GD&ĐT tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu nâng hạng các chỉ số về lĩnh vực giáo dục - đào tạo đã đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP hàng năm góp phần phấn đấu đến năm 2025 thứ hạng Chỉ số Đổi mới sáng tạo Việt Nam tăng ít nhất 3 bậc.
Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ LĐTB&XH; Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu điều chỉnh chỉ tiêu thống kê và thực hiện công bố trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo để bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế. Đẩy mạnh nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển không gian khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học.
Trao đổi tại hội thảo, bà Nguyễn Minh Thảo đến từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ KHCN) nhấn mạnh, phương pháp đánh giá của các tổ chức quốc tế uy tín sẽ đảm bảo tính khách quan, dựa trên nguồn dữ liệu độc lập và có tính liên tục, dài hạn. Nhờ đó, các quốc gia có thể nhận diện được mức độ cải cách theo thời gian và tương quan với các nền kinh tế khác.
Cải cách theo chuẩn mực quốc tế góp phần tạo lập và nâng cao hình ảnh, vị thế của quốc gia. Các nhà đầu tư thường tham khảo kết quả xếp hạng của các tổ chức quốc tế có uy tín để lựa chọn thị trường, quyết định đầu tư. Tiếp cận theo chuẩn mực quốc tế để tạo áp lực cho các cơ quan, tổ chức trong nước thúc đẩy cải cách, thúc đẩy quá trình xây dựng chính sách tốt hơn.
Cũng tại hội thảo, ông Phạm Quốc Khánh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) trao đổi các giải pháp để nâng cao xếp hạng chỉ số Đọc, Toán và Khoa học của học sinh Việt Nam khi tham gia chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA - OECD.
Ngày 5/12/2023, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố kết quả khảo sát PISA năm 2022 của Việt Nam. Kết quả này được OECD công bố công khai từ bài khảo sát về Toán, Đọc hoặc Khoa học của 6068 học sinh ở 178 trường, đại diện cho khoảng 939.500 học sinh 15 tuổi ở Việt Nam.
Kết quả cho thấy điểm trung bình 3 môn của học sinh Việt Nam xếp thứ 34/81 quốc gia, đứng thứ 2 ở khu vực ASEAN sau Singapore. Đối với môn Toán: Việt Nam xếp thứ 31/81 quốc gia. Môn Khoa học: Việt Nam xếp thứ 35/81 quốc gia. Môn Đọc: Việt Nam xếp thứ 34/81 quốc gia.
"Như vậy, cải thiện chỉ số Đọc, Toán, Khoa học của học sinh Việt Nam khi tham gia PISA là một chỉ tiêu rất quan trọng thể hiện cho việc nâng cao chất lượng giáo dục quốc gia, góp phần phát triển nguồn nhân lực – một trong ba đột phá chiến lược của Việt Nam", ông Phạm Quốc Khánh nói thêm.