Bản đồ của Trung Quốc xuất bản năm 1904 không có 2 quần đảo: Hoàng Sa và Trường Sa

Bản đồ của Trung Quốc xuất bản năm 1904 không có 2 quần đảo: Hoàng Sa và Trường Sa

(GD&TĐ)-Sáng nay (25/7), tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, tấm bản đồ các tỉnh của Trung Quốc do Trung Quốc xuất bản năm Giáp Thìn đời vua Quang Tự thời nhà Thanh (1904) “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” chính thức được công bố. 

Tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” do Trung Quốc xuất bản từ thời nhà Thanh (năm 1904) thể hiện rõ cực nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam.
vcvcv
Tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” thể hiện rõ cực nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam.Ảnh: gdtd.vn

Đây là bản đồ do TS. Mai Ngọc Hồng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng Phả học Việt Nam hiến tặng Bảo tàng sau hơn 30 năm lưu giữ. Bản đồ thể hiện rõ cực nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam. Đây là một bằng chứng tư liệu do chính phía Trung Quốc xuất bản khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Tấm bản đồ được in màu có kích thước 115cm x 140cm gồm 35 mảnh nhỏ (16cm x 27,6cm) ghép lại. Chất liệu của tấm bản đồ bằng giấy được dán trên nền vải và có thể gấp gọn lại như một quyển sách, bên ngoài có bìa cứng.

Phía trên của “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” có lời tựa bằng Hán tự cổ. Theo dịch chú của TS.Mai Hồng, lời tựa có phần ghi rằng:

Đến năm Tân Mão Khang Hy 50 (1711), vua sai các giáo sĩ đi tới khắp 13 tỉnh, đo lường đất đai tạo bản đồ Mạch đại “Thành Thang chuộng hiền”, đi về các tỉnh Thiểm Tây, Sơn Tây, Giang Tây, Quảng Đông, Quảng Tây; Phùng Bỉnh, Chính Đức, Mã Nặc đi về các tỉnh Hà Nam, Chiết Giang, Phúc Kiến, Giang Nam; Phí Ẩn, Hòa Phan - như đi về các tỉnh Vân Nam, Tứ Xuyên, Quí Châu, Hồ Quảng. Trải qua một năm bốn lần đọc duyệt, qui mô bắt đầu định hình. Các giáo sĩ đều được triệu tập về kinh đô để họ múa bút vẽ họa, sau hai năm công việc cáo thành với bức toàn đồ 15 tỉnh, tấu trình lên vua ngự lãm. Ngài vui khuyến khích bằng nghi lễ long trọng. Từ đấy các nhân sĩ Trung Hoa và phương tây sưu tập khảo cứu các dư đồ Trung Quốc. Đại để là gia cố bồi tập thêm từ các nguyên cảo của các giáo sĩ đã soạn thảo trước đây. Ta không do dự về kiến văn cô lậu nông cạn của mình để mô tả bức họa này lại không dám tự khoe rằng chỉ một mình có nhiều công hơn cả tiền nhân. Duy về cương vực của các thôn ấp quận huyện ở các tỉnh đã có thay đổi đôi chút, cho nên xem chỗ nào thiếu thì bổ sung, chỗ nào nhầm lẫn thì đính chính sửa sang, làm bớt sai suyễn và làm sáng sủa hơn lên để khi nhìn vào đó thấy rõ ràng như nhìn vào lòng bàn tay, tại các cửa biển ở các miền diên hải đều phỏng họa các đường thủy tầu thuyền ra khơi vào cảng. Tự hỏi nếu mắc một lỗi thì sẽ lấy gì  đề bù đắp đầy đủ cho cách nhìn của vạn con mắt? Nhưng nếu có tri thức tất sẽ nói được lời nói gồm chung thiện ý với mọi người”.

Theo TS. Mai Hồng, “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” bên cạnh giá trị về mặt lịch sử, còn là cơ sở giúp các học giả Việt Nam trong việc nghiên cứu chủ quyền 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa hoặc các nghiên cứu chung về Biển Đông. 

Hải Bình

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ