Cuộc chiến Nga - Ukraine đang có diễn biến mới khi xung đột lan rộng ra bán đảo Crimea, với việc Bộ Quốc phòng Nga ngày 26/12 xác nhận tàu đổ bộ hạng nặng Novocherkassk đã bị tên lửa Ukraine tấn công tại cảng Feodosia.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, phía Ukraine đã sử dụng tên lửa không đối đất để tấn công cảng Feodosia trên bán đảo Crimea vào ban đêm, khiến con tàu đổ bộ nói trên bị hư hại. Lực lượng phòng không Nga cho biết đã đáp trả và bắn hạ 2 máy bay phản lực Su-24 của Ukraine tham gia vào vụ không kích này.
Thống đốc Crimea của Nga là Sergey Aksyonov cho biết thêm là có một người thiệt mạng và 5 người bị thương trong vụ tấn công bằng tên lửa của Ukraine. Một số tòa nhà gần cảng cũng bị hư hại do xung lực từ vụ bắn tên lửa, trong đó có nhà ga Feodosia. Nga đã huy động khoảng 250 nhân viên cứu hộ để đối phó với vụ oanh kích của Ukraine.
Hàng loạt video đã ghi lại cảnh cảng Feodosia bị oanh kích với một vụ nổ lớn kèm theo nhiều vụ nổ nhỏ vào khoảng 3 giờ 30 sáng ngày 26/12. Ngay sau đó, Tư lệnh không quân Ukraine Mykola Oleschchuk đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công, đồng thời cảm ơn các phi công đã thực hiện vụ tấn công vào mục tiêu Nga.
Quan chức Ukraine còn ví tàu đổ bộ Novocherkassk bị tấn công như soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen Nga từng bị Ukraine đánh chìm năm 2022. Tàu đổ bộ Novocherkaask có thể chở 10 xe tăng chiến đấu chủ lực và 340 binh sĩ. Chiến hạm hạng nặng thuộc lớp Ropucha này được đóng tại Ba Lan từ những thập niên 80.
Ukraine không công bố loại vũ khí họ sử dụng trong vụ oanh kích nhưng các chuyên gia quân sự cho rằng đó là loại tên lửa hành trình không đối đất Storm Shadow mà Anh đã viện trợ cho Ukraine hồi đầu năm nay.
Đây không phải lần đầu tiên Ukraine sử dụng tên lửa này tấn công các mục tiêu Nga. Trước đó vào tháng 9, Ukraine đã phóng tên lửa Storm Shadow vào tàu ngầm tấn công chạy bằng diesel-điện lớp Kolo Rostov-on-Don và tàu đổ bộ lớp Ropucha Minsk của Nga tại cảng Sevastopol, Crimea.
Vụ không kích rạng sáng 26/12 là vụ mới nhất trong loạt vụ tập kích bằng tên lửa, máy bay không người lái và xuồng tự sát do Ukraine thực hiện nhằm vào các mục tiêu trên bán đảo Crimea do Nga kiểm soát.
Thậm chí Ukraine còn sử dụng cả tên lửa hành trình S-200 được hoán đổi để tấn công vào cây cầu Crimea hôm 12/8. Ngày 21/12, Ukraine còn bị cáo buộc phóng một tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất hướng tới cầu Crimea nhưng bị phòng không Nga chặn lại.
Những vụ tấn công nhằm vào Crimea luôn được coi là chỉ dấu cho thấy cuộc xung đột Nga - Ukraine đang tăng nhiệt do sự nhạy cảm đặc biệt của vùng đất này.
Bán đảo Crimea đã tách khỏi Ukraine ngay sau sự kiện được Nga gọi là cuộc đảo chính Maidan năm 2014, nhằm lật đổ Tổng thống Ukraine lúc đó là Viktor Yanukovich. Sau đó bán đảo này được Nga cho tiến hành trưng cầu dân ý với kết quả tuyên bố là đa phần người tham gia ủng hộ sáp nhập bán đảo vào Liên bang Nga.
Kể từ đó việc giành lại Crimea luôn là chủ đề nóng nhất tại Ukraine. Khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022, giới chức Ukraine nhiều lần khẳng định mong muốn giành lại Crimea. Trong khi đó, Nga luôn khẳng định việc Crimea thuộc lãnh thổ Nga là điều kiện tiên quyết cho mọi cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine.
Với bối cảnh trên, các vụ tấn công bằng tên lửa hay các vũ khí khác từ Ukraine vào Crimea cũng đồng nghĩa cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt và cơ hội cho hòa đàm kết thúc cuộc chiến tranh này vẫn còn rất xa vời.