Lợi ích khi dùng thẻ tín dụng
Thực chất, thẻ tín dụng là một dịch vụ ngân hàng hiện đại và phù hợp với đời sống đô thị, khi mà ngày càng có nhiều người chi tiêu bằng thẻ ngân hàng chứ không thích dùng tiền mặt và mang theo người nhiều tiền mặt.
Thẻ tín dụng vừa có thể sử dụng để mua sắm, ăn uống, thanh toán các khoản chi phí giáo dục, du lịch, giải trí… vừa có thể thanh toán trực tiếp các dịch vụ, hàng hóa mua qua Internet.
Tại Việt Nam, khi khách du lịch nước ngoài đến dùng dịch vụ nhiều, thì từ những năm trước đây những cá nhân, công ty cung cấp dịch vụ đã nắm bắt được xu hướng dùng thẻ thanh toán, trong đó có thẻ tín dụng trong các giao dịch mua bán lẻ.
Tuy nhiên, với người dùng Việt Nam mới biết đến thẻ tín dụng, hay chưa từng sử dụng thẻ tín dụng, thì những rủi ro và nguy cơ đều được các ngân hàng cung cấp dịch vụ thẻ cảnh báo trước khi mở và sử dụng thẻ.
Nói một cách đơn giản thì thẻ tín dụng là một “đảm bảo” của ngân hàng (nơi người dùng dịch vụ đăng ký sử dụng thẻ) trong các chi tiêu không cần đến tiền mặt. Ngân hàng sẽ ứng một khoản tiền cho phép người dùng thẻ chi tiêu (gọi là “hạn mức”), người dùng thẻ tín dụng sẽ chi tiêu bằng tiền ngân hàng “ứng” qua thẻ, sau đó tùy quy định của từng ngân hàng mà người sử dụng thẻ sẽ trả nợ cho ngân hàng các khoản đã chi tiêu bằng thẻ.
Trang Gobear cho biết: Đi đâu cũng vậy, dù trong hay ngoài nước, chúng ta đều cảm thấy bị rình rập bởi trộm cướp, nhất là khi mang theo trong người quá nhiều tiền mặt hay tài sản có giá trị. Hoặc đơn giản hơn, bạn là người khá đãng trí và có thói quen để quên tiền ở khắp nơi, không kiểm soát được rồi bị mất oan.
Như vậy, để giảm thiểu rủi ro việc sử dụng tiền mặt, thẻ tín dụng là “túi tiền di động” phù hợp mà bạn có thể tin cậy, vì tiền của bạn được bảo vệ bởi hệ thống ngân hàng khá an toàn.
Đôi khi, thanh toán bằng tiền mặt sẽ làm bạn cảm thấy khá căng thẳng với những con số và đặc biệt, có những món hàng bạn muốn mua nhưng chưa đủ tiền thì thẻ tín dụng là giải pháp hợp lý. Khi bạn thanh toán, nhân viên sẽ dùng máy POS để tiếp nhận thẻ, bạn quẹt thẻ và sau đó nhận hóa đơn.
Bạn ký vào để xác nhận và hoàn tất thủ tục. Ngoài ra, với thẻ tín dụng, bạn có thể mua hàng trực tuyến từ những trang web như Lazada, Tiki... Hơn nữa, có nhiều chương trình, khi bạn thanh toán trực tuyến sẽ được hưởng ưu đãi hoặc được chiết khấu thêm.
Nếu sử dụng thẻ ATM, tức thẻ ghi nợ để mua sắm, bạn sẽ không nhận được ưu đãi nào thì với thẻ tín dụng, trên mỗi hóa đơn chi trả, bạn hầu như đều có được quà tặng hay ưu đãi. Tùy vào ngân hàng mà bạn nhận được hoàn tiền, dặm bay hay quà tặng.
Bằng cách sử dụng thẻ tín dụng để chi tiêu, bạn có thể biết được chính xác tiền mình đã trôi về đâu và chi cho những thứ gì. Vào cuối mỗi tháng, ngân hàng sẽ tự động gửi bảng thống kê đến bạn qua email hoặc qua đường bưu điện. Từ bảng chi tiêu đấy, bạn có thể điều chỉnh lại các khoản chi tiêu của mình xem nên cắt bớt khoản nào, thêm cho khoản nào.
Nguy cơ cần biết
Thời gian thanh toán nợ được tính phổ biết là 45 ngày kể từ ngày đầu tiên sau thời điểm ngân hàng “chốt” sao kê nợ, một số ngân hàng cho thời gian thanh toán nợ tới 50 ngày. Tuy nhiên, thực tế người dùng thẻ tín dụng phải trả nợ ít hơn thời gian thanh toán 45, 50 ngày, vì các chi tiêu thường khó tập trung vào ngay sau thời điểm “chốt” sao kê.
Nếu đến hạn thanh toán nợ cho ngân hàng từ việc chi tiêu bằng thẻ tín dụng thì người dùng thẻ sẽ phải trả mức lãi suất rất cao, có thể lên tới trên 20%, trên 30%/năm (tùy quy định của từng ngân hàng).
Lợi ích từ việc dùng thẻ tín dụng rõ ràng là có, song trước khi chi tiêu bằng thẻ tín dụng, người dùng thẻ phải nắm rõ những vấn đề cơ bản để tránh rủi ro khi dùng thẻ. Chẳng hạn, vào ngày quy định trong tháng, ngân hàng phát hành thẻ tín dụng sẽ gửi cho người dùng thẻ bảng thống kê các chi tiêu (thường là gửi qua email hoặc qua đường bưu điện).
Khi nhận được sao kê những khoản đã chi tiêu, ngay lập tức người dùng thẻ phải kiểm tra tính chính xác của các khoản chi tiêu, nếu thấy bất thường, có khoản chi tiêu không chính xác phải thông báo ngay với ngân hàng.
Qua sao kê nhận được, người dùng thẻ cần xem xét điều chỉnh chi tiêu của mình để không bị chi tiêu quá khả năng thanh toán, quá khả năng tài chính của bản thân vào các tháng tiếp theo, có cẩn thận như vậy thì người dùng thẻ mới không bị rơi vào tình trạng nợ ngân hàng khó trả và bị tính lãi trả nợ chậm rất cao.
Khi có ý định mở thẻ tín dụng ở bất cứ ngân hàng nào, người có nhu cầu sử dụng thẻ cần phải quan tâm đến các loại phí và lệ phí khi trở thành chủ sở hữu thẻ tín dụng.
Các khoản phí thường phải trả cho việc sử dụng thẻ tín dụng gồm: Phí phát hành, phí thường niên, phí chậm thanh toán, phí ứng tiền mặt và các loại phí khác tuỳ theo ngân hàng phát hành.
“Sử dụng thẻ tín dụng đồng nghĩa với việc bạn sẽ được vay tiền trước trong một khoản thời gian nhất định, thường là 40 đến 55 ngày mà không phải trả lãi. Vì thế, nếu quá số ngày quy định của ngân hàng mà bạn vẫn chưa thanh toán số tiền nợ ngân hàng, bạn sẽ bị tính lãi trên số tiền nợ còn lại. Dù bạn thanh toán 0% hay 99% thì vẫn phải chịu mức lãi suất thông thường là 15-30%/năm, tuỳ quy định của mỗi ngân hàng trên số tiền bạn đã chi tiêu bằng thẻ tín dụng của mình”- Trang Gobear phân tích.
Hầu hết các ngân hàng hiện nay đều yêu cầu người mở thẻ tín dụng phải trên 18 tuổi, có thu nhập ổn định hàng tháng trả qua tài khoản ngân hàng (khoảng từ 5 triệu đồng trở lên, tùy theo quy định của từng ngân hàng), có hộ khẩu thường trú rõ ràng, nhân thân rõ ràng, có chứng minh thư nhân dân (hoặc thẻ căn cước).
“Theo kinh nghiệm của người thân và bạn bè tôi đã sử dụng thẻ tín dụng thì phải là những người chi tiêu biết cân nhắc, tính toán, nắm chắc khả năng chi trả các khoản nợ từ thẻ tín dụng và hơn hết là biết kiềm chế mua sắm, tiêu tiền bằng thẻ. Nếu những người thu nhập dưới 10 triệu/tháng như tôi mà không biết quản lý, sử dụng thẻ tín dụng đúng cách thì lợi bất cập hại”- anh N.N. Quang một người từng sử dụng dịch vụ thẻ tín dụng cho biết.