Bàn cách "cứu" sông Nhuệ - sông Đáy

Bàn cách "cứu" sông Nhuệ - sông Đáy

Theo số liệu của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy là một trong những lưu vực sông lớn, có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bằng sông Hồng, nhất là 5 địa phương gồm: Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định.

Ước tính có khoảng 10,4 triệu dân sinh sống tại đây. Vai trò của hai dòng sông trên vừa là hệ thông tưới tiêu cho nông nghiệp, vừa đảm nhiệm thoát nước đô thị. Tuy nhiên, hai dòng sông này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất, đời sống nhân dân.

Có rất nhiều cống nước thải như thế này chảy ra sông Nhuệ
Có rất nhiều cống nước thải như thế này chảy ra sông Nhuệ

Sông Nhuệ gần như đã trở thành con sông “chết” vì nước bị ô nhiễm nặng, hàm lượng ôxy hòa tan trong mẫu nước lấy tại cầu Hà Đông, cầu Tó, Cự Đà… rất thấp, trong khi lượng coliform, thông số COD, BOD5… vượt tiêu chuẩn nhiều lần.

Kết quả phân tích chất lượng nước lấy tại một số điểm trên sông Đáy vào tháng 8 vừa qua của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho thấy không đạt quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng nước mặt dành cho cấp nước sinh hoạt.

Trung bình mỗi ngày, lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy tiếp nhận gần 4 triệu m3 nước thải, trong đó nước thải trồng trọt, chăn nuôi chiếm khoảng 62%, tiếp đến là nước thải công nghiệp (16%), nước thải sinh hoạt (15%).

Theo thống kê, Hà Nội "đóng góp" tới 48,8% lượng nước thải gây ô nhiễm cho sông Nhuệ, sông Đáy; tiếp đó là Nam Định (17,8%), Hà Nam (15%)… Hà Nội cũng chính là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng nhất do ô nhiễm môi trường sông Nhuệ, sông Đáy.

Trước thực trạng này, những năm qua, Hà Nội đã chủ động xây dựng, thực hiện nhiều dự án xử lý ô nhiễm. HĐND thành phố đã thông qua Đề án "Nhiệm vụ và các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường bức xúc trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2010". Ngoài ra, Hà Nội cũng tích cực phối hợp với Bộ NN&PTNT bơm nước sông Hồng vào sông Nhuệ, sông Tô Lịch để điều hòa nước, "cứu" những dòng sông chết…Trong hai năm 2008-2009, Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, thanh tra 160 cơ sở xả thải trên lưu vực sông; buộc 40 cơ sở thực hiện xây dựng hệ thống xử lý nước thải; xử phạt hành chính, đình chỉ các hành vi xả thải gây ô nhiễm; một số cơ sở còn chờ chế tài xử lý.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên bày tỏ niềm tin tưởng trước cam kết mạnh mẽ của 5 tỉnh, thành phố thuộc lưu vực trong việc nỗ lực đóng góp các ý kiến tìm ra giải pháp hiện thực bảo vệ lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy; nhằm “cứu các con sông này không lâm vào tình trạng sông chết”. Việc các địa phương có thể bắt tay làm ngay trong năm 2010 là đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, xử phạt mạnh các hành vi gây ô nhiễm, nhất là nước thải. Đây là giải pháp hiện thực nhất. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên khẳng định với sự đồng thuận, quyết tâm của các địa phương, bộ, ngành, sông Nhuệ và sông Đáy sẽ được "giải cứu" như những gì đã làm được với sông Cầu, sông Thị Vải. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, và các phương tiện thông tin đại chúng cần vào cuộc sát cánh, đánh vào thương hiệu của các cơ sở vi phạm.  

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo (Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ nhiệm kỳ đầu tiên) đề nghị các địa phương sớm xây dựng đề án, dự án ưu tiên triển khai trong năm 2010; Xây dựng các văn bản pháp quy liên ngành, liên vùng, trong đó có việc ban hành tiêu chí ngưỡng chịu tải của lưu vực; Xây dựng hệ thống quan trắc, quản lý sử dụng hành lang lưu vực, nạo vét khơi thông dòng chảy; tuyên truyền, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng bảo vệ lưu vực sông; Kiểm soát chặt chẽ nguồn thải trực tiếp vào lưu vực; kiên quyết đóng cửa các cơ sở cố tình không xử lý ô nhiễm và không cho các dự án mới chưa có hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường vào hoạt động; Triển khai các dự án nạo vét, cân bằng nước trên lưu vực.

Quang Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ