Nhiều thí sinh tự tin điểm cao
Bạn Đỗ Tùng Anh (Hoài Đức, Hà Nội), học sinh trường THPT Lê Lợi thi tổ hợp khoa học xã hội, sau 2 ngày thi, Tùng Anh khá hài lòng với phần làm bài thi của mình. Thí sinh này cho biết qua giải đề, em tự tin giành sẽ dành điểm từ 8 trở lên.
Em Trần Lê Hà Vy, học sinh lớp 12 trường THPT Cầu Giấy chia sẻ: "Em làm bài thi tổ hợp khoa học xã hội. Em thấy đề dễ hơn so với đề minh hoạ và đề thi thử. Em tự tin mình sẽ được khoảng 9 điểm trở lên. Theo em, đề thi năm nay không khó, chỉ có 1-2 câu mỗi môn thi thành phần là khó".
Hà Vy cho hay, kết thúc buổi thi sáng tâm lý em khá thoải mái vì kết quả làm bài thi cũng không quá tệ. Nữ sinh cho biết, chiều thi xong tối cả gia đình sẽ đi ăn uống nên cảm thấy rất phấn khích. Hà Vy cố gắng thi tiếng Anh đạt kết quả tốt nhất.
Môn Lịch sử
Đối với tổ hợp môn thi Khoa học xã hội, sau giờ thi, nhiều thí sinh đánh giá đề thi các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân vừa sức, bám sát chương trình sách giáo khoa.
Đề thi Lịch sử được đánh giá tương đối dễ, một số câu hỏi có thể dùng phương pháp loại trừ các đáp án sai bằng kiến thức địa lý.
Câu 1 đến câu 30 là các câu hỏi yêu cầu khả năng nhận biết cơ bản, đáp ứng yêu cầu đánh giá để xét tốt nghiệp THPT. Các câu hỏi còn lại khó hơn, yêu cầu thí sinh phải có tư duy lịch sử tốt, đặc biệt là các câu hỏi so sánh, phân tích, vận dụng.
Như vậy, đề thi có mức độ phân hóa tốt. Cách đặt vấn đề trong câu hỏi và đáp án gây nhiễu ở mức phù hợp, đặc biệt ở các câu từ 38-40 ở tất cả mã đề.
Phổ điểm trung bình môn Lịch sử năm 2022 sẽ cao hơn so với năm trước, 5 đến 5,5 điểm.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh NC. |
Môn Địa lí
Cô giáo Nguyễn Thị Việt Hà (Hà Nội) cho rằng đề không khó. Đề thi có sự phân hóa rõ rệt, nhiều câu học sinh đã từng làm, chỉ có các câu từ khoảng 72-80 thuộc mức độ khó.
Phần câu hỏi về vùng kinh tế đòi hỏi thí sinh phải biết liên hệ thực tế, không thể phụ thuộc hoàn toàn vào sách giáo khoa. Phần câu hỏi khác cũng làm khó thí sinh là đọc biểu đồ. Những câu hỏi này yêu cầu thí sinh phải ghi nhớ và luyện tập nhiều.
Phổ điểm môn Địa lí có thể dao động trong khoảng 6 đến 7 điểm.
Đề thi Giáo dục công dân
Theo nhiều giáo viên, cũng như năm trước, đề thi môn GDCD năm nay có sự phân bổ mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao phù hợp.
Trong đó có 20 câu hỏi mức độ nhận biết, chiếm tỷ lệ 50%, 10 câu hỏi thuộc mức độ thông hiểu, tỷ lệ 25% và 10 câu hỏi mức độ vận dụng và vận dụng cao, chiếm tỷ lệ là 25%.
Nội dung các câu hỏi vận dụng cao là những tình huống mang tính thực tiễn, không quá khó đối với học sinh nhưng để làm được những câu hỏi vận dụng cao với những tình huống khá dài, đòi hỏi học sinh không chỉ nắm vững kiến thức bài học, có kỹ năng phân tích và giải quyết tình huống mà còn phải chú ý đọc kỹ đề, xâu chuỗi kiến thức và lập luận chính xác.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Huyền (Hà Nội) đánh giá đề thi sát với đề minh họa môn bộ ra trước đây. Đề có sự phân hóa đặc biệt với những câu hỏi vận dụng cao. Những câu vận dụng cao, để trả lời được chính xác, thí sinh phải nhận định được đúng yêu cầu của đề bài.
Cô Thu Huyền dự đoán phổ điểm môn Giáo dục công dân chủ yếu rơi vào khoảng 8 đến 8,25.
Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tổng số thí sinh đăng ký dự thi là hơn 1 triệu thí sinh. Trong đó, số thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến là 934.186 (chiếm 93.32%); số thí sinh đăng ký dự thi trực tiếp là 66.827 (chiếm 6.68%).
Tổng số thí sinh tự do: 58.797 (chiếm 5.87%); Tổng số thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT: 103.374 (chiếm 10.33%);
Tổng số thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tuyển sinh: 38.108 (chiếm 3.81%); Tổng số thí sinh đăng ký dự thi để vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển sinh: 859.531 (chiếm 85.87%);
Tổng số thí sinh đăng ký dự thi bài thi tổ hợp KHTN: 319.676 (chiếm 31.94%); Tổng số thí sinh đăng ký dự thi bài thi tổ hợp KHXH: 555.813 (chiếm 55.53%).