Bài tập làm văn

GD&TĐ - Trẻ em đôi khi lại nhìn thấu được những sự thật mà người lớn không cảm nhận được... Có khi lũ trẻ còn dạy cho chúng ta nhiều bài học.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

- Mai là ngày nghỉ. Các con nhớ bảo bố mẹ đưa đi thăm một số địa chỉ văn hóa và viết một bài tập làm văn về cảm nhận của mình nhé. Cô sẽ kiểm tra vào thứ Hai!

Chuông reo, cả lớp 4B vác cặp, ùa ra khỏi trường. Vừa vào thang máy, Anwar đã nhẩm tính ngày mai sẽ đi đâu và ai sẽ đưa cậu đi.

- Ngày mai mẹ con mình phải đi dã ngoại đấy ạ - Cậu vội vàng nói với mẹ, thậm chí quên cả chào - Cô giáo nói rằng nếu chúng con không đi và không làm bài tập, cô sẽ cho điểm F.

- Được rồi, được rồi - Mẹ Malohat bước vào bếp - Thay quần áo nhanh lên và ăn trưa thôi.

Azizbek, bố cậu bé, mệt mỏi trở về nhà. Anvar đu lên cổ bố và lặp lại câu chuyện đã nói với mẹ. Nghe thấy thế, ông gãi gãi đầu và hất cằm về phía Malohat:

- Thôi, con đi cùng với mẹ nhé.

- Ô hay, sao lại là em? Lần trước anh cũng có đưa con đi đâu...

- Anh chỉ có mỗi một ngày nghỉ... Anh đang mệt bở hơi tai đây này.

- Mình mẩy em đang mỏi nhừ. Hình như em hơi sốt, chắc là bị cảm - cô chỉ vào chiếc khăn tay đang quấn chặt quanh đầu - Đầu em đau như búa bổ...

Azizbek nhìn con trai, ra chiều ướm hỏi: - Hay là chúng ta đi dạo ở công viên gần nhà, được không con?

- Lúc nào cũng đi công viên... lần này bố đưa con đi bảo tàng đi.

- Ừ, thế cũng được. Nhưng mà phải ngoan đấy, chịu không?

- Vâng ạ! - Nghe bố nói vậy, cậu sung sướng chạy ngay về phòng mình chuẩn bị quần áo và các đồ cần thiết cho ngày mai.

Cậu dậy rất sớm và sẵn sàng đi luôn. Nhưng cậu phải đợi mất hai tiếng đồng hồ nữa thì bố cậu mới thức giấc. Ăn sáng xong xuôi, hai bố con lên đường...

* * *

Sau bữa trưa, bà mẹ hỏi cậu con trai chia sẻ ấn tượng về chuyến đi thăm bảo tàng.

- Bây giờ con bắt đầu viết bài thu hoạch, con đã học được rất nhiều điều - cậu trả lời mẹ.

- Tốt lắm! Vào phòng làm bài đi con...

Vào tiết học đầu tiên của ngày hôm sau, cô giáo thu bài làm của cả lớp rồi bắt đầu giảng bài mới. Giờ giải lao, cô tranh thủ kiểm tra từng bài viết của học sinh. Đến bài viết của Anwar, cô đọc đi đọc lại.

Trầm ngâm một lúc, cô quyết định gọi cho mẹ của Anwar đề nghị đến trường gặp cô. Malohat lo lắng lập tức đến trường với ý nghĩ chắc cậu con trai của mình lại đánh lộn với bạn nào đó.

- Anvar là một cậu bé xuất sắc - cô giáo dẫn Malohat vào một phòng học trống và bắt đầu trò chuyện - Cậu bé đặc biệt thích những tiết tập làm văn và viết rất tốt... Hôm qua Anwar đã viết một bài tập làm văn.

- Vâng, hôm qua hai bố con đi bảo tàng! - Malohat cảm thấy tự hào vì cô gọi mình đến để khen ngợi con trai - Ngay khi về đến nhà, nó đã cắm cúi làm bài luôn cô ạ.

- Chị đã đọc bài viết của cháu chưa ạ?

- Tiếc quá, tôi chưa có thời gian để đọc... - Người mẹ ngượng ngùng nói.

- Chị nên đọc chị ạ. Trẻ em đôi khi lại nhìn thấu được những sự thật mà người lớn không cảm nhận được... Có khi lũ trẻ còn dạy cho chúng ta nhiều bài học ý chứ.

Malohat nhận lại quyển vở của con trai mình với vẻ nghi hoặc.

“Ấn tượng của em về bảo tàng.

Hôm qua em đã đi bảo tàng với bố. Em đã học được rất nhiều điều trong chuyến đi ngắn này. Ví dụ như “việc nói dối”. Mẹ đã gọi cho bạn bè của mẹ và hẹn tụ tập vào ngày nghỉ.

Thế rồi, mẹ buộc một chiếc khăn quanh đầu và nói dối bố rằng mẹ bị “ốm” khi bố đi làm về. Cuối cùng, bố phải hứa sẽ đưa em đến bảo tàng. Nhưng hai bố con chỉ đứng gần bảo tàng, loanh quanh ngó nghiêng bên ngoài một lúc lâu rồi bố dẫn em đi xem phim. Nhân viên bán vé hỏi em mấy tuổi, bố bảo em chín tuổi.

Em cố giải thích với cô ấy rằng em đã tròn mười tuổi nhưng bố ra hiệu: “Im đi”. Sau đó, em mới nhìn thấy bảng thông báo: “Trẻ em từ mười tuổi phải mua vé”. Bố con em chỉ phải mua mỗi một vé.

Bố vui ra mặt. Rạp chiếu một bộ phim về chiến tranh. Em ngủ quên lúc nào không biết cho đến khi bố đánh thức dậy. Bố mua cho que kem và dặn em phải nói với mẹ là “hai bố con đã đến viện bảo tàng”.

Em hứa với bố sẽ nói dối mẹ như vậy. Khi lên xe buýt, hai bố con ngồi cạnh một cô rất xinh đẹp. Bố đã giới thiệu với cô gái rằng em là cháu của ông ấy. Cô ấy còn cho em kẹo nữa. Lúc về đến nhà thì mẹ đã khỏi ốm tự lúc nào.

Mẹ đòi bố đưa tiền, mẹ bảo: “- Đưa đây, để tôi còn đưa cho con mang đi nộp cho nhà trường”. Nhưng, em chẳng thấy mẹ đưa cho em đồng nào. Em vào phòng, thay quần áo và tập trung làm bài tập. Đây là những ấn tượng của em trong ngày”.

Đọc xong bài làm của con, Malohat ngượng ngùng, cụp mắt lại. Thấy vậy, cô giáo nhẹ nhàng bước ra khỏi phòng để Malohat ngồi lại một mình...

Phạm Minh Châu (dịch từ bản tiếng Anh)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngôi nhà còn là 'lớp học' bồi dưỡng, trao truyền dân ca ví, giặm cho thế hệ trẻ.

Còn sức còn trao truyền dân ca ví, giặm

GD&TĐ - Dưới sự hướng dẫn của vợ chồng nghệ nhân, những năm gần đây câu lạc bộ Dân ca ví, giặm xã Cẩm Mỹ liên tục phát triển và giành nhiều giải thưởng.