Bài học Việt Á và đòi hỏi thực tiễn về hướng dẫn trong đấu thầu, mua sắm phục vụ phòng chống dịch

GD&TĐ - Dư luận đang sục sôi trước những thông tin về vụ việc thổi giá, mập mờ chất lượng từ bộ kit xét nghiệm của Công ty Việt Á. Không ít người đặt vấn đề về trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ KH&CN và các cơ quan hữu quan.

Bài học Việt Á và đòi hỏi thực tiễn về hướng dẫn trong đấu thầu, mua sắm phục vụ phòng chống dịch

Không ít người đã đặt vấn đề về trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan hữu quan.

Giữa lúc dịch bệnh đang tiếp tục hoành hành, gây ra rất nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân thì những bức xúc này không phải là không có lý. Trên thực tế, giới chuyên môn và dư luận đã nhiều lần lên tiếng đòi hỏi phải có chiến lược căn cơ, bài bản về sinh phẩm xét nghiệm, vắc-xin và thuốc điều trị COVID-19… Thế nhưng đến nay hầu hết vẫn chỉ là sự im lặng đến khó hiểu từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Bộ Y tế.

Chỉ còn đúng 2 ngày nữa là đã hết năm 2021, nhưng theo quan sát vẫn chưa có những quy định, hướng dẫn đủ mạnh, đủ rõ ràng để các địa phương, đơn vị lấy làm căn cứ để triển khai công tác đấu thầu, mua sắm vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm xét nghiệm phục vụ phòng chống dịch. Vấn đề này đang gây ra rất nhiều hệ luỵ trong xã hội, nhưng dường như đến nay vẫn chưa có giải pháp triệt để.

Sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 là rất cần thiết trong chống dịch
Sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 là rất cần thiết trong chống dịch 

Nhu cầu mua sắm, trang bị là có, thậm chí là cấp bách, nhưng cơ quan, đơn vị, địa phương nào cũng lo lắng bị mắc sai phạm, bị khởi tố, thân bại danh liệt, mặc dù nhiều khi lỗi là do cơ chế, do thiếu hành lang pháp lý rõ ràng.

Suốt thời gian qua, đa số các địa phương vẫn còn tâm lí trông chờ vào sự cấp phát của Bộ Y tế hoặc tài trợ của các doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp cũng đã nỗ lực chung tay, góp sức cùng cả nước, đóng góp tài lực, vật lực cho công cuộc phòng chống dịch. Tuy nhiên, nguồn lực của doanh nghiệp là có hạn, và một số doanh nghiệp đã quá mệt mỏi, thậm chí bế tắc khi liên tục nhận được yêu cầu, đề nghị tài trợ, tặng thêm số lượng lớn trang thiết bị, sinh phẩm xét nghiệm, vượt quá khả năng đáp ứng của mình.

Chất lượng các sinh phẩm, hoá chất phục vụ công tác xét nghiệm cũng cần được hết sức chú trọng và phải được đánh giá lại một cách có hệ thống. Trước đây, do vô tình hay cố ý, một số địa phương đã phải trả mức giá cao nhưng chỉ nhận được các sinh phẩm có nguồn gốc lập lờ, chất lượng rất khiêm tốn. Các kit xét nghiệm chất lượng thấp này cho độ nhạy và độ đặc hiệu kém, dẫn tới nhiều sai sót trong kết quả tầm soát, gây lãng phí cả thời gian, tiền bạc và cơ hội kiểm soát dịch bệnh.

Tương tự, Chính phủ và Bộ Y tế cũng cần có cách tiếp cận dài hơi hơn về vắc-xin và thuốc điều trị COVID-19. Ngoài việc tăng cường nhập khẩu và tranh thủ các nguồn viện trợ, cũng cần có cơ chế cụ thể để hiện thực hoá lời kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp tích cực nghiên cứu phát triển, tiếp nhận chuyển giao công nghệ để chủ động nguồn cung trong nước. 

Để khắc phục những bất cập này, rất cần có chỉ đạo của Chính phủ và vai trò định hướng của Bộ Y tế và các cơ quan chuyên môn trong việc xây dựng và quy định rõ ràng về tiêu chí, điều kiện để các địa phương căn cứ vào đó trong quá trình xây dựng hồ sơ mua sắm, mời thầu cung cấp sinh phẩm, hoá chất xét nghiệm COVID-19.

Chính phủ và Bộ Y tế cần rà soát lại các quy định hiện hành, khảo sát trên toàn quốc về nhu cầu, khảo sát trên thị trường thế giới về nguồn cung cấp, giá cả và năng lực đáp ứng, từ đó xây dựng chiến lược, kế hoạch bài bản, kèm theo hướng dẫn chi tiết cho 2022 và các năm tiếp theo để các địa phương, đơn vị yên tâm triển khai công tác tối quan trọng này. 

Các tiêu chí về chất lượng, giá cả cũng phải được hướng dẫn rõ ràng, tránh để cả nước tiếp tục rơi vào tình trạng thụ động như thời gian qua, vô tình tạo điều kiện cho các ‘doanh nghiệp đen’ như Việt Á và các nhóm lợi ích lộng hành, thao túng thị trường.

Căn cứ vào những hướng dẫn này, mỗi địa phương cần tính toán nhu cầu, số lượng trang thiết bị và sinh phẩm xét nghiệm từ nay đến hết 2022 và chủ động xây dựng kế hoạch mua sắm, phục vụ nhu cầu trước mắt và dự trữ cho các tình huống phát sinh trong dài hạn.

Có thể tin tưởng rằng, với sự thống nhất và định hướng chỉ đạo của Chính phủ, sự hướng dẫn về chuyên môn sát sao hơn nữa của Bộ Y tế và phát huy vai trò trách nhiệm, tinh thần chủ động của các địa phương, việc lập kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng cho các nguồn lực phòng chống dịch, đặc biệt là công tác mua sắm, đấu thầu, dự trữ sẵn cơ số trang thiết bị, vắc-xin, thuốc men, hoá chất và sinh phẩm xét nghiệm sẽ được thực hiện bài bản hơn, đáp ứng tốt các đòi hỏi của thực tiễn phòng chống dịch bệnh, đảm bảo yêu cầu cao nhất về chất lượng, giá cả và nguồn gốc của các sản phẩm, góp phần mang lại thành công chung cho công cuộc kiểm soát dịch bệnh của cả nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ