Nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với trẻ
Việt Nam là một trong số những quốc gia có tỉ lệ đuối nước cao nhất thế giới, gấp 10 lần các nước phát triển. Đây là nguyên nhân tử vong số 1, chiếm 25% ca tử vong ở trẻ em Việt Nam. Theo thống kê được đưa ra tại Chương trình hợp tác về phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam do Bộ LĐ-TB&XH, Quỹ Từ thiện Bloomberg, Tổ chức Y tế Thế giới thì: Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ. Giai đoạn 2015 - 2017, mỗi năm khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Như vậy, để đảm bảo một cuộc sống khỏe mạnh cho trẻ em thì việc triển khai các chương trình giảm thiểu đuối nước là hết sức cần thiết.
Những nguyên nhân xảy ra tình trạng đuối nước cho trẻ nhỏ đều xuất phát từ nhận thức của gia đình, cộng đồng, xã hội còn nhiều hạn chế. Trẻ em thiếu sự giám sát, trông giữ của cha mẹ, người chăm sóc trẻ; Nhiều trẻ em chưa biết bơi, thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Thêm vào đó môi trường xung quanh còn có nhiều sông hồ chưa được cảnh báo về mức độ nguy hiểm, đó cũng là nguy cơ gây đuối nước trẻ nhỏ.
Chuyên gia Tony Coffey, người làm việc tại Hiệp hội Cứu hộ Sydney và Học viện Cứu hộ bang New South Wales (Úc) đã đến Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy về kỹ năng sơ cấp cứu đuối nước cho biết: Đuối nước là trường hợp nguy kịch rất đáng sợ đối với các nạn nhân.
Tại Việt Nam vào những dịp hè, các nhà trường thường tổ chức hoạt động dã ngoại trong đó có việc bơi lội. Đó cũng là thời điểm xảy ra đuối nước nhiều nhất trong năm. Có quá nhiều trẻ em Việt Nam chết oan một cách vô lý vì đuối nước. Vì vậy, tôi nghĩ chúng ta ai cũng cần phải biết kỹ năng và kiến thức về sơ cấp cứu đuối nước để cứu mình và cứu người khác!".
Chia sẻ về mức độ nguy hiểm về hiện tượng đuối nước, Chuyên gia Tony Coffey đã cảnh báo: Hầu hết mọi người còn hiểu nhầm về hiện tượng đuối nước. Mọi người đều cho rằng, đó là cảnh tượng một người đang bơi, đang giãy giụa và la hét mong được giúp đỡ. Nhưng sự thực không phải là như vậy. Đó chỉ gọi là sự hoảng loạn ban đầu mà thôi. Sự thật một người đuối nước thì không thể nào có thể la hét và kêu lên được.
Và cách xem họ có phải bị đuối nước không là phải nhìn và quan sát kỹ càng. Họ không thể la hét lên được vì lúc đó nước đã tràn rất nhiều vào trong dạ dày, một phần nhỏ sẽ tràn vào phổi và ngăn đường thở lại. Đặc biệt đối với trẻ em, chúng ta không thể nào nhận diện được những cái chết bằng âm thanh được mà chúng ta phải nhìn theo những đứa trẻ đó. Tại Việt Nam, đa số việc đuối nước xảy ra tại sông suối, ao hồ nhưng cũng có nhiều trường hợp lại xảy ra từ chính căn nhà của bạn. Chỉ cần một lượng nước rất nhỏ che đi miệng và mũi của bạn thì cũng đã có thể bị đuối nước rồi.
Trang bị kiến thức về cấp cứu đuối nước
Theo Chuyên gia Tony Coffey, khi chơi đùa với nước, đôi mắt luôn hướng về phía mà chúng ta muốn đi tới. Tuy nhiên khi mà đuối nước mắt thường chỉ nhìn lên trời và mọi hành động của họ chỉ muốn thoát ra khỏi chỗ nước đang bao vây và kéo bạn xuống. Vì vậy hành động của những người đuối nước sẽ giống như đang muốn leo lên một cái thang.
Họ đang cố gắng muốn trèo lên trên, nhưng tất cả đều là vô dụng và họ sẽ từ từ chìm xuống. Trong những tình huống đó, chúng ta vẫn có thể cứu được người bị nạn. Trên thế giới trong những ca đuối nước thường không chỉ có một người duy nhất mà thường là hai ba thậm chí có khi là 5 người. Quan trọng là phải biết đúng cách cứu được họ mà không ảnh hưởng tới bản thân mình.
“Rất nhiều người đang sử dụng sai các kỹ thuật cứu đuối nước. Đó là dốc ngược nạn nhân rồi nhảy và lắc để nước ra khỏi cơ thể người bị nạn. Hoặc cũng có một kỹ thuật khác là đặt nạn nhân lên vai mình nhảy lên, nhảy xuống để cho nước ra. Hoặc một cách cũng không đúng nữa là bế người bị đuối nước lên và chạy vòng quanh. Mục đích của việc cứu người bị đuối nước là phải mở đường thở, vì khi mở được đường thở thì nước sẽ ra ngoài khi nạn nhân ho. Và khi ho hết lượng nước ra ngoài thì nạn nhân sẽ thở trở lại và được cứu sống.”
Hướng dẫn về kỹ năng cấp cứu đuối nước, Chuyên gia Tony Coffey đã nhấn mạnh: Để cứu được nạn nhân một cách nhanh nhất, thành công nhiều nhất chính là phương pháp hồi sinh tim phổi (CPR). Phương pháp CPR được thực hiện đơn giản và dễ dàng và hiệu quả. Đó là cách ta ngửa đầu của nạn nhân ra để mở đường thở.
Thực hiện phương pháp hồi sinh tim phổi là việc mở đường thở bằng cách ấn xuống ngực của nạn nhân (phần giữa ngực) để đẩy nước ra ngoài và kết hợp với hà hơi qua miệng người bị nạn. Khi mở đường thở như vậy, nước sẽ được ho hết ra ngoài và nạn nhân được cứu sống. Sử dụng phương pháp hồi sinh tim phổi, có những trường hợp mình chỉ cần làm một chút thôi là nạn nhân có thể ho ra và thở rồi. Nhưng đôi khi mình phải làm 3 phút, 5 phút nên các bạn đừng quá lo lắng. Cứ tiếp tục làm, làm cho tới khi nạn nhân ho ra được nước và thở trở lại.
Đối với trẻ em, khi hà hơi, chúng ta cố gắng không thổi hơi mạnh vào miệng của nạn nhân mà chúng ta chỉ hà hơi nhẹ đủ để lồng ngực của nạn nhân bắt đầu chuyển động, như vậy là đã đủ rồi. Với những em nhỏ sẽ không cần dùng lực của cả hai bàn tay, mà chỉ cần dùng lực của một bàn tay là đủ.
Khi nước được ra hết hoặc nạn nhân có các dấu hiệu ho, ói mửa đó là dấu hiệu rất tốt. Chúng ta sẽ nghiêng nạn nhân sang một bên để họ dễ ho và ói mửa ra hết những nước đó. Khi thấy những dấu hiệu đó, mình cứ để họ ho và chỉ cần nghiêng sang một bên là đã đủ rồi. Một nạn nhân chưa hẳn bị đuối nước để có thể sử dụng phương pháp CPR, nhưng khi đó chúng ta vẫn cần phải đưa họ tới bác sĩ để kiểm tra.