Tiết kiệm - sự kiên định thông thái
Thời đầu thập niên 90 thế kỷ trước, tôi từng có thời gian hơn một năm làm việc cùng anh Janet và chị Renata Lebal, hai chuyên gia Thụy Sĩ về báo chí. Hồi đó, cảm phục sự giỏi giang, tỉ mỉ, thông thái, chuyên nghiệp của họ, cùng với sự tưởng tượng về mức độ giàu có, sang trọng của đất nước ấy, mà tôi đã mơ tới đất nước Thụy Sĩ một lần xem sao. Ước mơ cao vời tới nỗi, hơn 20 năm sau tôi mới có dịp đặt chân tới Thụy Sĩ.
Tôi đã từng học được của Renata và Janet rất nhiều điều về phương pháp làm việc, nhưng có một kỷ niệm khiến tôi nhớ dai dẳng hơn cả. Thời đó, chúng tôi làm tạp chí đầu tiên về thời trang ở Việt Nam, khi thậm chí danh xưng nhà thiết kế còn quá xa lạ với người Việt.
Chúng tôi đi lùng sục khắp các phố ở Hà Nội, vào các cửa hàng quần áo để chọn đồ, xây dựng câu chuyện về cách mix đồ theo kiểu cowboy. Tìm được vài món đồ ưng ý, và chúng tôi đề nghị chủ cửa hàng quần áo cho mượn để chụp với người mẫu. Mặc dù chúng tôi đã hứa sẽ giới thiệu địa chỉ cửa hàng để quảng cáo cho họ, nhưng chủ cửa hàng vẫn đòi chúng tôi trả phí thuê quần áo. Tôi nhớ giá thuê mà một ông chủ cửa hàng đưa ra là 5 đô la/bộ quần áo/ngày. Chị Renata một mực mặc cả giá xuống còn 2 đô la/bộ.
Bây giờ tôi mới hiểu, một trong những bí mật để làm nên một quốc gia giàu có bậc nhất thế giới, đó là vì người Thụy Sĩ thường rất tiết kiệm, họ không chi tiêu một xu phung phí, cho bất cứ việc gì. Người Thụy Sĩ có truyền thống quản lý tiền nong, của cải cực kỳ chặt chẽ, chặt chẽ đến kỳ quặc. Nguồn gốc của truyền thống này do đất nước nhỏ bé, diện tích phần lớn là núi đá, khó canh tác, không tài nguyên gì ngoài nước. Thụy Sĩ đã từng vô cùng đói nghèo và phải kiếm tiền bằng việc “xuất khẩu” lính đánh thuê, lính gác, đổi xương máu để nuôi gia đình và xây dựng đất nước. Cho đến khi Thụy Sĩ phát triển thành một đất nước giàu có, thành cái vựa tiền của thế giới, thì người Thụy Sĩ vẫn tiếp tục bảo vệ truyền thống này, không mai một.
Sống khác biệt, mà hiệu quả
Nhiều khách du lịch cho rằng, đến Thụy Sĩ chỉ để ngắm cảnh đẹp nên thơ, kỳ vĩ, để chơi những trò chơi mạo hiểm cùng núi, hồ, sông chứ đến Thụy Sĩ chẳng phải để ăn. Điều đó hàm ý rằng ẩm thực Thụy Sĩ chẳng có gì đặc sắc.
Tuy nhiên, trong ngày cuối cùng ở lại Thụy Sĩ, chúng tôi đã yêu cầu một chàng rể bản xứ, anh Pascal Geyer, chồng của bạn Hạnh Phạm tự tay chế biến một món truyền thống của Thụy Sĩ cho chúng tôi thưởng thức. Anh Pascal đã bắt đầu chuẩn bị từ 12 giờ trưa, để đến 7 giờ tối chúng tôi có thể ngồi vào bàn thưởng thức món khoai tây nhân thịt xông khói phủ phô mai bỏ lò (Gratin khoai tây).
Những lát khoai tây mỏng trộn thịt xông khói được phủ hào phóng kem sữa, gia vị và nhất là lớp phô mai nướng cháy giòn phủ trên cùng. Ngon, thơm, béo ngậy vị phô mai và ấm áp đến khó nói thành lời, và tôi đã không kiềm chế nổi để yêu cầu có thêm nửa suất nữa.
Tôi cũng được Hạnh cho biết thêm, không phải Hà Lan hay Pháp mới là nơi có phô mai chất lượng cao nhất như ta lầm tưởng. Mà đó là Thụy Sĩ, nơi người sành ăn tìm thấy loại phô mai thực sự chất, thực sự chiều chuộng đầu lưỡi người biết thưởng thức. Không phải là một chuyên gia về phô mai hay sành ăn phô mai, nhưng món do anh Pascal chiêu đãi tối hôm ấy thực sự là một trong những món ngon nhớ đời mà tôi được thưởng thức.
Hạnh từng sống hơn mười năm ở Thụy Sĩ, học, đi làm rồi lấy chồng Thụy Sĩ. Tôi hỏi em về những cảm nhận con người ở đây, Hạnh cho rằng, người Thụy Sĩ trung thực, tốt bụng, hiền lành đến mức hình như họ không muốn cạnh tranh. Hạnh biết có những người Thụy Sĩ cả đời chỉ ở trong thành phố, hoặc trong làng mình mà không bao giờ đi nơi khác.
Họ cũng giản dị trong ăn mặc, tiết kiệm trong sinh hoạt hàng ngày dù những sản phẩm họ làm ra thì thuộc loại chất lượng nhất thế giới, đắt đỏ nhất thế giới. Trong tư duy, họ theo lối đơn giản nhất, nhưng hiệu quả cao. Nghe Hạnh nói vậy, tôi ngước nhìn lên những nhà thờ ở Thụy Sĩ. Đó quả là những nhà thờ hoàn toàn khác biệt các nhà thờ châu Âu, dù theo kiến trúc Gothic hay Baroque, thì những đường nét và sắc màu trang trí nhà thờ vô cùng đơn giản, chỉ màu tường trắng và vài nét nhũ nâu vàng viền quanh, tranh kính cũng tối thiểu. Việc ngắm nghía và thán phục về sự hoành tráng hay nghệ thuật đỉnh cao không được coi là mục tiêu ở trong nhà thờ Thụy Sĩ, nhà thờ chỉ là nơi tập trung cầu nguyện chăng?
Ngước lên đỉnh Jungfrau, nóc nhà châu Âu, nơi tôi chưa thể lên đỉnh lần này vì chi phí quá đắt, tôi thầm nhủ đỉnh núi tuyết phủ quanh năm cao ngút ngàn kia, biểu tượng cho tinh thần Thụy Sĩ, nơi tôi phải dừng chân lần đầu, sẽ là nỗi đau đáu của tôi, thúc giục tôi trở lại. Đó là bài học về thử thách, về sự khuất phục hay không của ý chí.
Trở lại với cảm nhận của em Hạnh, rằng hình như người Thụy Sĩ hiền lành tới mức không muốn cạnh tranh, tôi chợt nghĩ, phải chăng người Thụy Sĩ đã đạt tới một cảnh giới, mà không cần quá căng thẳng, không cần nôn nóng cạnh tranh, cứ sống và làm việc của mình thật bình tĩnh, nhưng cuối cùng thì lại đạt hiệu quả cao nhất. Và khi đã sống ở thiên đường, thì họ có cần băn khoăn đi nơi khác nữa chăng?