Quyển sách mở ra cho tôi thấy một thế giới với những giấc mơ, những thông điệp tuyệt vời của tác giả - một giáo sư biết mình đang mang căn bệnh ung thư tụy và không còn sống được bao lâu nữa.
Bài giảng cuối cùng của ông cũng chính là món quà dành cho người vợ và ba đứa con nhỏ. Ông nghĩ nó sẽ thay ông đồng hành cùng những người ông thương yêu.
Với tôi, cuốn sách không dừng lại ở phạm vi nhỏ bé như thế mà bài giảng này đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành với vô số độc giả trên thế giới.
Có ai trong cuộc sống này từ thuở nhỏ đến lúc trưởng thành lại không mang trong mình những giấc mơ. Có những giấc mơ thật giản dị nhưng cũng có những giấc mơ tưởng chừng xa tầm tay với.
Đọc những thông điệp của tác giả trong quyển sách, tôi đã nhận thấy quả là những giấc mơ sẽ thành sự thật theo cách riêng của mỗi người, và những người xung quanh ta sẽ góp phần giúp giấc mơ trở thành sự thật. Vấn đề chỉ là chúng ta có dám tin và dám đối mặt với giấc mơ của đời mình không thôi.
Niềm trăn trở của ông khi phải rời xa cuộc sống quá sớm là ông không được chứng kiến sự trưởng thành của ba con. Như bao người cha khác, ông muốn thấy chúng lớn lên, muốn đi cùng suy nghĩ của chúng, muốn giải đáp vô vàn những thắc mắc khi các con bước vào đời.
Người đọc sẽ thật sự xúc động vì cảm xúc chân thật và rất người của ông. Ông đã giảng bài giảng cuối cùng mà không bàn về cái chết, điều ông sắp đối mặt, thay vào đó ông nói về sự sống và những giấc mơ, khéo léo lồng từng thông điệp và hy vọng sau này các con sẽ đọc được trong hành trình cuộc đời.
Tôi nghĩ rằng quyển sách phù hợp với mọi đối tượng độc giả:
• Đó có thể là những thông điệp dành cho người làm cha làm mẹ để họ hiểu và cảm thông với suy nghĩ của con mình, thấu hiểu và nâng niu trân trọng những giấc mơ tuổi thơ của con trẻ.
• Đó có thể là những thông điệp dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên, các em sẽ cảm thấy những giấc mơ của mình không lạc lõng và quá hão huyền.
Các em cứ mạnh dạn hỏi để nhận được câu trả lời, cứ mạnh dạn mơ những giấc mơ có thể vượt xa tầm suy nghĩ để rồi từng bước các em sẽ tìm ra câu trả lời bổ ích và mang lại thành công cho cuộc sống của chính các em sau này.
• Đó còn là thông điệp cho những nhà giáo dục, phương pháp giáo dục trong quyển sách là không ngừng động viên, tìm tòi và học hỏi cùng với con mình.
Tôi thật sự ấn tượng khi nghe ông nhắc về những bữa cơm gia đình hồi nhỏ, lúc nào cũng có quyển sách bách khoa toàn thư bên cạnh, để có thể tra thông tin bất cứ khi nào gia đình cần đến.
Rồi phương pháp giáo dục của chính tác giả dành cho sinh viên, khuyến khích họ tham gia vào hoạt động nhóm, khuyến khích họ tự phát triển bản thân trong việc học, việc làm sau này bằng những cách rất riêng.
Phương pháp giáo dục của ông dành cho hai cháu nhỏ, con của người chị gái, ông đã chứng minh cho hai cháu thấy rằng “con người quan trọng hơn đồ vật”, đó là khi ông sẵn sàng đổ lon nước ngọt ra chiếc xe mới mua của mình sau khi chứng kiến chị gái dặn đi dặn lại hai con không được làm dơ chiếc xe của cậu.
Một phương pháp giáo dục cần nhân rộng trong xã hội ngày nay khi mà tiền tài, vật chất hầu như được đánh giá cao hơn cả một con người. Lắm khi con người đã vô tình trở thành nô lệ của những thứ vật chất ấy mà lại không nhận ra.
Đọc quyển sách của ông viết, chúng ta sẽ nhận ra một con người đầy niềm tin và lạc quan ngay trong những lúc khó khăn nhất của cuộc đời.
Khi đối diện với cái chết, con người có thể mất khả năng tự chủ, nhưng Randy lại đầy bản lĩnh, ông có thể phân tích và lý luận về mọi thứ đang diễn ra xung quanh với các góc nhìn thật tinh tế, giọng văn hài hước như thể cuộc sống vẫn còn kéo dài mãi.
Khi con người bước dần tới ngưỡng cuối của cuộc đời, họ mới thấy thời gian quan trọng thế nào. Tác giả viết: “Than vãn chẳng làm được gì với tư cách một chiến lược. Tất cả chúng ta đều chỉ có hữu hạn thời gian và năng lượng. Thời gian dành để than vãn chẳng hề giúp đạt được mục đích của chúng ta. Và nó không làm chúng ta hạnh phúc hơn lên”.
Và, ông còn nhấn mạnh: “Thời gian là tất cả những gì bạn có, và một ngày nào đó bạn sẽ thấy bạn có ít hơn là bạn nghĩ”.
Những thông điệp của ông mang lại luôn ẩn chứa một giá trị tốt đẹp cho cuộc sống, có đôi lúc tôi ngỡ ngàng ngạc nhiên khi thấy những điều ông nói bình thường quá đỗi nhưng mấy khi thực hiện được trong cuộc sống này.
Nhìn nhận thực tế cuộc sống, chúng ta có thể thấy rằng khi một người nào đó ra đi, cuộc sống chấm dứt thì giữa người ra đi và người ở lại, để tiếp tục sống, ai sẽ là người gặp khó khăn nhiều hơn? Câu trả lời chính là những người ở lại.
Họ phải đối mặt với những điều tưởng chừng đã quá quen thuộc mà giờ lại mất đi. Và trong gia đình của tác giả thì khó khăn ấy dành đầu tiên cho người vợ.
Ông cảm nhận được những khó khăn mà rồi đây vợ ông sẽ phải đối mặt, một cuộc sống dài phía trước không có chồng cùng chia sẻ, phải làm thay trách nhiệm một người cha cho những đứa con của mình.
Sự sống của ông rồi sẽ mất đi nhưng với bài giảng cuối cùng này, tinh thần của ông sẽ còn lại mãi. Ông đã đối diện thẳng với sự thật của cuộc đời mình và sống tiếp những ngày cuối thật trọn vẹn ý nghĩa.
Ông đã sống cho chính ông và cả những người thân xung quanh. Nếu không làm được vậy thì có mọi người thân quanh ông sẽ cùng chết đi với căn bệnh ung thư tụy quái ác này.
Cám ơn tác giả của Bài giảng cuối cùng đã cho tôi và những độc giả khắp nơi vô vàn những thông điệp quý giá. Tôi tin chắc rằng khi mọi người đọc tác phẩm này sẽ nhìn thấy chính mình trong những lời văn của ông, và sẽ tìm ra cho mình những thông điệp thật sự tốt đẹp cho cuộc sống của mỗi người.
Riêng tôi, tôi tìm thấy “một ô cửa sổ để tự soi chính mình”.