Bài 4: Đề xuất 5 nhóm giải pháp

GD&TĐ - Để không còn những nhận định chủ quan, phiến diện đối với ngành Giáo dục, chắc chắn cần phải có những giải pháp căn bản tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay.

Ảnh minh họa/ Int
Ảnh minh họa/ Int

Câu hỏi đặt nhầm chỗ

Những năm gần đây nhiều bước tiến vượt bậc về công nghệ, sự bùng nổ mạnh mẽ của các mạng xã hội khiến việc tiếp cận cũng như chia sẻ thông tin trở nên nhanh chóng và thuận tiện hơn bao giờ hết. Trong vô vàn thông tin được đăng tải, chia sẻ, những vấn đề liên quan đến giáo dục luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của cử tri và nhân dân cả nước.

Dưới góc nhìn của một đại biểu Quốc hội trong ngành Giáo dục, bà Đinh Thị Bình (đoàn Phú Thọ) thấy rằng: Có những sự việc xảy ra thuần túy do phạm trù đạo đức và kĩ năng, nghiệp vụ sư phạm của nhà giáo, như vụ việc tát học sinh, cho học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng… tuy nhiên, có những sự việc không chỉ đơn thuần do nghiệp vụ sư phạm hay đạo đức nhà giáo; chẳng hạn chấm dứt hợp đồng lao động với hàng trăm giáo viên ở Đắk Lắk, Thanh Hóa… Nhiều người đặt câu hỏi với Bộ GD&ĐT: Sao biết thừa giáo viên mà vẫn tuyển? Đẩy thầy cô ra đường, Bộ GD&ĐT có trăn trở hay không?...

Một suy đoán được cho là rất hợp lý khi đánh giá về giáo dục, đó là: Mọi vấn đề nảy sinh trong ngành Giáo dục thì ngành Giáo dục hoàn toàn phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, cần phân tích thật kĩ để có thể đưa ra cái nhìn khách quan, toàn diện và công bằng khi đánh giá về giáo dục và những vấn đề nảy sinh thuộc phạm vi ngành Giáo dục quản lý, nhất là trong giai đoạn hiện nay đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Đại biểu Quốc hội Đinh Thị Bình

Nhưng trách nhiệm có phải hoàn toàn do ngành Giáo dục? Đặt câu hỏi này, bà Đinh Thị Bình nhắc đến quy định về phân cấp quản lý giáo dục và cho rằng còn nhiều bất cập. “Quy định về thẩm quyền bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ, giáo viên chưa hợp lí. Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng GD&ĐT cấp huyện do UBND huyện bổ nhiệm, còn việc tuyển dụng, điều động giáo viên cũng giao cho cơ quan khác chủ trì mà không phải là phòng GD&ĐT. Điều này sẽ khiến cho cơ quan quản lý giáo dục các cấp chủ yếu thực hiện nhiệm vụ quản lý chuyên môn chứ chưa thực hiện đầy đủ và có hiệu quả chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục theo như quy định hiện hành” - bà Đinh Thị Bình nói.

Để góp phần giải quyết bất cập trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 127/2018/NĐ- CP (thay thế cho Nghị định số 115/2010/NĐ- CP) quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục; trong đó đã nêu rất rõ trách nhiệm của các cấp, các cơ quan quản lý giáo dục từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, theo nữ đại biểu Quốc hội, các Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện lại chỉ quy định chung chung.

Khâu tuyển dụng đội ngũ đáp ứng yêu cầu GD vẫn nằm ngoài tầm quản lý của ngành GD-ĐT. Ảnh: Đức Chiêm
Khâu tuyển dụng đội ngũ đáp ứng yêu cầu GD vẫn nằm ngoài tầm quản lý của ngành GD-ĐT. Ảnh: Đức Chiêm 

Không chỉ vấn đề liên quan tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ và viên chức sự nghiệp giáo dục; vấn đề quản lý nguồn tài chính giáo dục cũng còn có những bất cập. Bà Đinh Thị Bình phân tích: Cơ quan quản lý giáo dục các cấp vẫn chưa được chủ động trong quản lý nguồn lực tài chính dành cho giáo dục, chưa có quyền quyết định với nguồn ngân sách đã được giao. Điều này dẫn đến thực tế là: Nguồn lực dành cho giáo dục vốn đã hạn chế lại không được đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm nên hiệu quả không cao.

Vấn đề nữa, đặc thù của ngành Y tế và Giáo dục phải được đào tạo chuyên ngành và có trình độ chuyên môn mới am hiểu quản lý được; nhưng trên thực tế có những địa phương, người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực giáo dục lại không được đào tạo qua sư phạm và làm chuyên môn nhưng vẫn được bổ nhiệm làm cán bộ quản lý ngành Giáo dục.

5 nhóm giải pháp cần được thực hiện

Từ những bất cập nêu trên, cần phải có những giải pháp căn bản để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho ngành Giáo dục. 5 nhóm giải pháp được đại biểu Quốc hội Đinh Thị Bình đề xuất như sau:

Trước hết, cần quán triệt sâu sắc và thể chế hóa những quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Các nhóm giải pháp được nêu tại Nghị quyết 29/NQ-TW cần được thực hiện đồng bộ, quyết liệt. Trong đó, đặc biệt quan tâm giải quyết hai vấn đề liên quan đến quản lý GD-ĐT, đó là quản lý nhân sự và tài chính.

Cần phải quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật về phân cấp cho cơ quan quản lý giáo dục các cấp được chủ động về nhân sự, tài chính giáo dục ở các địa phương. Theo đó, các cơ quan quản lý giáo dục sẽ là đầu mối chịu trách nhiệm toàn bộ về công tác nhân sự, tài chính gắn với các nhiệm vụ chuyên môn.

Các cơ quan chuyên môn khác sẽ có thẩm quyền kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ trên của ngành Giáo dục để bảo đảm tính công khai, minh bạch, hiệu quả. Quy định như vậy sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm, tạo điều kiện để các cơ quan quản lý giáo dục chủ động trong bố trí nguồn nhân lực, tài chính cho sự nghiệp GD-ĐT của từng địa phương.

Thứ hai, cần có quy định về tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ quản lý của các lĩnh vực đặc thù như y tế, giáo dục... Không để việc quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ quản lý, đứng đầu ngành GD địa phương mà không am hiểu, không có chuyên môn về giáo dục.

Thứ ba, tinh giản biên chế với đội ngũ nhà giáo cần phải được nghiên cứu kĩ lưỡng, tránh tình trạng giảm cơ học hay bình quân, cào bằng. Cần thực hiện tinh giản biên chế đúng thực chất; đồng thời tăng cường đội ngũ cán bộ, giáo viên đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời, đối với các địa phương thiếu trầm trọng giáo viên phải cho tuyển dụng, nhất là từ năm học 2020 - 2021 bắt đầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thứ tư, tiếp tục cải cách chế độ tiền lương, trong đó dành những ưu tiên xứng đáng cho đội ngũ nhà giáo để họ yên tâm công tác, tạo động lực để nhà giáo cống hiến hết mình cho sự nghiệp GD-ĐT.

Thứ năm, Bộ GD&ĐT, cơ quan quản lý giáo dục các cấp cần nâng cao hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo; chú trọng cả bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ với đạo đức nghề nghiệp để hạn chế tối đa những sự việc như đã xảy ra trong thời gian qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.