Bài 3: Xử lý khủng hoảng truyền thông từ cơ sở

GD&TĐ - Những thông tin tiêu cực liên quan tới GD rất dễ bị thổi phồng theo chiều hướng xấu và lan truyền rất nhanh. Chính vì vậy, xử lý khủng hoảng truyền thông trong GD là cả một nghệ thuật, đòi hỏi cán bộ quản lý GD các cấp phải có bản lĩnh, dám đối diện với sự thật, chủ động tiếp cận thông tin. Nếu xử lý khủng hoảng truyền thông không khéo, sự việc có thể gây tác hại khôn lường tới uy tín ngành GD, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động dạy và học trong nhà trường.

Truyền thông đúng hướng góp phần quan trọng trong phát triển giáo dục.	Ảnh: Hữu Cường
Truyền thông đúng hướng góp phần quan trọng trong phát triển giáo dục. Ảnh: Hữu Cường

Ông Cao Xuân Hùng (Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định): “Không tránh né, giấu giếm thông tin”

Những ngày cuối tháng 11/2018, mạng xã hội tràn ngập thông tin về sự việc cháu bé bị buộc dây vào người treo lên cửa sổ ở Trường Mẫu giáo B Trực Đại, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Sở GD&ĐT đã lập tức vào cuộc, nắm rõ thông tin, khẳng định việc cô giáo buộc dây vào áo cháu bé và cột vào cửa sổ là có thật. Tuy nhiên, đằng sau sự việc đó lại là những giá trị nhân văn khác chứ hoàn toàn không chỉ như thông tin mạng xã hội và báo chí đưa. Nhìn thẳng vào sự thật, bình tĩnh xử lý thông tin có bài bản, định hướng để dư luận có cái nhìn thấu đáo hơn về sự việc hiện tượng để người dân, phụ huynh và xã hội hiểu đúng bản chất của vấn đề mà đưa ra cái nhìn khách quan là điều mà Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định đã rất thành công trong xử lý thông tin về vụ việc này. “Khi nhận được thông tin về việc trên, tôi đã lập tức chỉ đạo anh em tìm hiểu sự việc, không tránh né và giấu giếm thông tin vì nếu có thì đây là sự việc hết sức nghiêm trọng. Chiều 29/11/2018, Sở GD&ĐT Nam Định, Phòng GD&ĐT Trực Ninh và chủ tịch UBND huyện Trực Ninh đã xuống trường làm rõ các nội dung mà báo chí và mạng xã hội đưa ra. Sau khi tìm hiểu thì thấy thông tin về việc cô giáo buộc dây vào áo cháu bé và cột vào cửa sổ là có thật. Nhưng với trường hợp này, cháu bé bị bệnh tự kỷ thể tăng động, gia đình cháu bé có hoàn cảnh khó khăn và là người cùng xã với cô giáo, thông cảm với hoàn cảnh của cháu bị bệnh như vậy nên nhà trường vẫn nhận cháu vào lớp bởi tình làng, nghĩa xóm. Theo báo cáo của Phòng GD&ĐT huyện Trực Ninh, cháu nhỏ bị câm, điếc, tăng động – có chứng nhận của Bệnh viện Nhi Trung ương về bệnh này – nên thường xuyên chạy nhảy lung tung, đánh bạn. Đây cũng là lý do vì sao cô giáo phải buộc dây vào áo như vậy, vừa để an toàn cho cháu, vừa để an toàn cho các bạn vào những lúc cháu tăng động quá”.

Nhiều nhà giáo dục đã có lời khen cho Nam Định trong việc xử lý truyền thông vụ việc này, từ một sự việc có thật nhưng Nam Định đã bình tĩnh làm rõ thông tin để đi đến cội nguồn của sự thật, giúp xã hội, công luận hiểu rõ hơn bản chất của sự việc, chứ hoàn toàn không chỉ là thông tin báo chí và mạng xã hội thông tin: “Về phía ngành Giáo dục, chúng tôi thừa nhận đây là sự việc rất đáng buồn, làm ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy, niềm tin của nhân dân. Tuy vậy, xét trong hoàn cảnh cụ thể để đánh giá bản chất sự việc, hành vi của cô giáo là sai nhưng cô giáo không có ác ý với trẻ mà là hành vi thiếu kinh nghiệm trong việc ứng xử. Như vậy có thể chia sẻ phần nào với khó khăn của cô giáo. Chúng tôi đưa ra tất cả thông tin để xã hội người dân cùng nhìn nhận, đánh giá khách quan. Thật đáng mừng là sau khi thông tin được đưa ra, mọi người cùng hiểu về bản chất của sự việc và có sự cảm thông, chia sẻ, đồng thời có cái nhìn khách quan hơn”, ông Cao Xuân Hùng chia sẻ.

Bà Trần Hồng Thắm - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ: “Xử lý nhanh, dứt điểm những vướng mắc”

Trong giai đoạn hiện nay, công tác truyền thông về GD&ĐT là hết sức quan trọng và cần thiết. Bên cạnh đó, việc ứng phó với vấn đề khủng hoảng truyền thông giáo dục cũng phải chủ động, xử lý kịp thời.

Công tác truyền thông của ngành GD-ĐT TP Cần Thơ được Bộ GD&ĐT đánh giá cao và đã chủ động giải quyết, xử lý dứt điểm một số vấn đề phụ huynh, giáo viên, dư luận còn vướng mắc. Qua đó, ngành cũng cầu thị, tiếp thu góp ý của xã hội, điều chỉnh kịp thời các vấn đề còn tồn tại để phù hợp với thực tiễn.

Ngành GD-ĐT TP Cần Thơ có bước chuẩn bị từ rất sớm và được tổ chức thường xuyên. Đó là các khóa tập huấn về truyền thông ngành, về phát ngôn, sử dụng mạng xã hội, quan hệ công chúng… cho đội ngũ cán bộ quản lý các đơn vị và cán bộ phụ trách nắm bắt dư luận. Sở đã tiến hành mời chuyên gia truyền thông tập huấn về những nội dung nêu trên. Sau tập huấn, đội ngũ cán bộ quản lý sẽ triển khai đến cán bộ, giáo viên, nhân viên từng đơn vị. Qua các đơn vị thấy được tầm quan trọng và vận dụng tốt sức mạnh của truyền thông trong lĩnh vực giáo dục.

Sở cũng phân công cán bộ thuộc Phòng Chính trị - Tư tưởng phối hợp với cán bộ các Phòng GD&ĐT, trường học nắm bắt dư luận xã hội một cách chặt chẽ. Đây là kênh tham mưu, tổng hợp về dư luận xã hội cũng như tin tức trong ngành để tham mưu lãnh đạo Sở có hướng giải quyết, xử lý nhanh, kịp thời.

Trong khi mạng xã hội phát triển rầm rộ, nếu chúng ta không chủ động sẽ rất khó khăn, đặc biệt là xử lý vấn đề truyền thông, dư luận “ăn theo” mạng xã hội, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cá nhân và tập thể trong ngành giáo dục. Do đó, ngành GD-ĐT thành phố Cần Thơ đã thực hiện truyền thông chủ động, phối hợp cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho các cơ quan thông tấn báo chí, đồng thời tăng cường phản biện… góp phần định hướng, tạo niềm tin của xã hội; giúp xã hội hiểu, chia sẻ, đồng thuận và ủng hộ các chủ trương đổi mới của ngành, nhất là các hoạt động đổi mới GD-ĐT, biểu dương người tốt - việc tốt, các điển hình tiên tiến trong dạy và học… Các vấn đề nổi cộm trong dư luận xã hội cũng được thông tin nhanh chóng, rộng rãi và chính xác theo hướng chủ động cung cấp, xử lý thông tin.

Để tránh khủng hoảng truyền thông giáo dục, trước tiên ngành đã chủ động nắm bắt thông tin, cung cấp thông tin kịp thời. Trên cơ sở được tập huấn, các đơn vị khi có dấu hiệu khủng hoảng truyền thông sẽ chủ động giải quyết dứt điểm theo thẩm quyền, không để lan rộng. Khi nắm chắc vấn đề, chủ động ứng phó, các đơn vị sẽ kết hợp cùng các ngành chức năng có hướng giải quyết phù hợp. Quan trọng nhất là cần chủ động lên tiếng, phản hồi thông tin liên quan đến ngành hay nhân sự trong ngành, để có tiếng nói trước khi có dư luận; tránh trường hợp mạng xã hội thông tin một chiều hoặc thông tin không chính xác, sai sự thật… gây bất lợi cho ngành.

Tiến sĩ Trần Đình Lý - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TPHCM: “Mạnh dạn đối diện với thực tiễn”

Theo Tiến sĩ Trần Đình Lý, sự bùng nổ của công nghệ và thiết bị đa phương tiện đã và đang mang đến cho xã hội sự tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng.

Vì lẽ đó, những vấn đề nảy sinh trong ngành Giáo dục được dư luận quan tâm nếu cán bộ quản lý đơn vị không nhanh chóng có thông tin chính thống, đối diện với những vấn để nảy sinh sẽ rất dễ dẫn đến một cuộc khủng hoảng truyền thông thật sự khi vấn đề bị dư luận và mạng xã hội “bẻ lái” sang chiều hướng tiêu cực.

Với kinh nghiệm làm công tác truyền thông lâu năm của mình, tiến sĩ Trần Đình Lý cho rằng, những đợt tập huấn thường niên về công tác truyền thông trong ngành có ý nghĩa rất quan trọng. Nó không chỉ đóng vai trò cầu nối, tạo sân chơi cho những người làm công tác truyền thông tại các đơn vị, cơ sở giáo dục có điều kiện ngồi lại với nhau, chia sẻ kinh ngiệm xử lý vụ việc, mà còn giúp họ hiểu hơn về phong cách truyền tải thông điệp trong xử lý vụ việc.

Thực tế, thời gian qua không quá khó để chúng ta thấy được nhiều vụ việc xảy ra trong ngành ở mức độ rất bé, phạm vi rất hẹp và bình thường. Tuy nhiên do cách xử lý vụ việc, công tác truyền tải thông điệp giữa người chịu trách nhiệm với phụ huynh, xã hội chưa tốt dẫn đến hiệu ứng không hay, khiến vấn đề bị thổi bùng lên quá mức.

Chưa kể nhiều cán bộ quản lý đơn vị khi có sự vụ xảy ra thì hoảng sợ do thiếu kinh nghiệm, rồi tìm cách né tránh, thậm chí có thái độ không tích cực khiến báo chí phải tự mò mẫm tìm thông tin theo chiều hướng ngược lại, không chính thống... Đó đều là những giải pháp xử lý sai lầm trong thời đại bùng nổ của công nghệ hiện nay.

“Xử lý khủng hoảng truyền thông rất cần 3 chuẩn mực. Đó là Kiến thức - Kỹ năng và Thái độ. Người làm công tác truyền thông chỉ cần nhuần nhuyễn ba yếu tố trên cộng vơi thái độ cầu thị, thẳng thắn đối diện với vấn để nảy sinh, chắc chắn sẽ rất khó để phát sinh những luồng ý kiến tiêu cực, mang hơi hướng chỉ trích bài xích hơn là xây dựng. Khi sự chủ động luôn ở phía đơn vị xảy ra vụ việc, thông tin chính thống dẫn dắt sự vụ, tư duy và suy nghĩ tiêu cực từ xã hội tất yếu sẽ bị triệt tiêu, sự thông cảm, chia sẻ sẽ là giải pháp được chọn lựa thay vì công kích, đả phá” - TS Trần Đình Lý chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ