Bài 2: Người phụ nữ công đức và đạo hạnh

GD&TĐ - Như bài viết trước chúng tôi đã kể: Bà Phạm Thị Hằng là con gái trưởng của quan Thượng thư Phạm Đăng Hưng. Là người con gái mà ngay khi mới được sinh ra trời đất ở Gò Công đã báo những điềm lành.

Hoàng Thái hậu Từ Dũ
Hoàng Thái hậu Từ Dũ

Sử cũ chép lại rằng: Từ khi còn nhỏ, bà là người rất ham đọc sách, thông hiểu kinh sử, có tính hiền đức và có nết đạo hạnh. Đặc biệt, bà là người rất thương và có hiếu với mẹ…

Người con trí hiếu

Sử sách nhà Nguyễn đã chép lại rằng: Ngay từ khi còn rất nhỏ chừng 12, 13 tuổi, bà đã tỏ ra là một người con gái chí hiếu, thờ mẹ hết đạo. Lúc bấy giờ, mẹ bà lâm trọng bệnh nên suốt một thời gian dài phải nằm liệt giường, ăn uống rất khó khăn. Ấy vậy mà, bà một mình sớm khuya bên mẹ để chăm sóc từng li, từng tí, nhất định là không để cho gia nhân chăm sóc vì bà sợ người ăn kẻ ở chăm mẹ không kỹ càng. Cho đến khi thân mẫu bà qua đời, bà ngày đêm kêu khóc và dốc toàn tâm lực của mình cho việc tang chế, đến nỗi cơ thể gầy rộc đi trông rất đáng thương. Nghe chuyện một người con gái mới mười mấy tuổi đầu chăm sóc mẹ lúc đau yếu vô cùng tận tụy cho đến lúc lâm chung, người xa, kẻ gần ai nấy đều tấm tắc ngợi khen và lấy làm rất lạ.

Đối chiếu từ nhiều nguồn tài liệu của các nhà nghiên cứu cũng như tài liệu của Nguyễn phước tộc thế phả đều ghi rất rõ ràng rằng: Năm 14 tuổi, bà được Thuận Thiên Cao Hoàng hậu nghe tiếng là người hiền đức nên tuyển vào cung cho hầu hạ Hoàng trưởng tử Miên Tông (vua Thiệu Trị sau này). Cùng được tiến cung một lần với bà còn có bà Lệnh phi Nguyễn Thị Nhiệm con gái của Kinh môn quận công NguyễnVăn Nhân. Vì tước của cha bà là ông Phạm Đăng Hưng lúc bấy giờ thấp hơn tước của ông NguyễnVăn Nhân nên bà phải xếp sau Lệnh phi Nguyễn Thị Nhiệm.

Tương truyền rằng, một hôm Thánh tổ Nhân hoàng đế Minh Mạng ban cho bà với bà Lệnh phi mỗi người một chiếc áo bâu dệt bằng kim hoa sa. Đến lúc bái từ, hai bà còn được Thuận Thiên Cao Hoàng hậu mang tặng hai chiếc nút áo bằng vàng được gói kín (Một hột chạm hình con chim phụng, một hột chạm hình bông hoa) với lời nguyện chúc “Người nào nhận được hột nút có hình con chim phụng thì người đó sẽ sinh con trước. Nữ quan sẽ bưng chiếc khay vàng có đựng hai hột nút ra cho hai bà, để mỗi bà tự chọn lấy một hột rồi gói kín như thế dâng lên. Hôm ấy, bà Phạm Thị Hằng đã nhường để cho bà Nguyễn Thị Nhiệm chọn trước. Khi được dâng lên và mở ra thì nút áo của bà Lệnh phi lại có hình bông hoa.

Quý phi vẹn toàn đoan trang

Năm lên 15 tuổi, bà hạ sinh Diên Phúc trưởng Công chúa Tĩnh Hảo. Năm sau bà hạ sinh thứ trưởng Công chúa Uyên Ý. Từ đó, bà ngày càng được Thái tử Miên Tông yêu quý hơn và ngôi thứ của bà cũng cao hơn ngôi thứ của bà Lệnh phi Nguyễn Thị Nhiệm. Tuy là thế, nhưng đối với bà Lệnh phi, bà vẫn vô cùng thân mến, đối với các cơ thiếp khác trong cung bà cũng luôn luôn lấy lòng thành mà tiến dẫn. Bà luôn che chở và yêu quý các hầu thiếp dưới mình mà không hề gợn một chút lòng đố kị ghen tuông nào…

Rõ ràng, bà là một người đàn bà vẹn toàn đoan trang, đức hạnh. Người xưa kể rằng: Một hôm bà nằm mộng thấy một thần nhân, mặt hồng mắt sáng, râu tóc bạc phơ, mặc một chiếc áo dài rất rộng, đi đến vái bà một vái rồi trao cho bà một mảnh giấy vàng, bên trên có viết chữ đỏ và đóng triện cùng một xâu chuỗi ngọc rất sáng. Thần nhân từ tốn bảo với bà rằng hãy xem vào đó sẽ thấy hiệu nghiệm về sau. Quả nhiên sau đó, bà đã thọ thai lần thứ ba, năm Kỷ Sửu, bà đã hạ sinh Đức tôn Anh hoàng đế (Vua Tự Đức).

Ở trong cung, bà có tiếng là một con người cẩn thận nhàn nhã cung kính. Mọi cử chỉ đều có pháp độ. Bởi vậy, trong cung mỗi khi có lễ triều khánh, bao giờ Thái tử Miên Tông cũng bảo bà đi theo hầu lạy. Mỗi lần như thế, không có điều gì của bà mà không hợp với lễ nghi triều đình. Với những đức tính hiếm có đó, cho nên càng ngày bà càng được Thái hậu và Hiến tổ yêu mến…

Khi chồng bà là Thái tử Miên Tông được nối ngôi cha lấy niên hiệu là Thiệu Trị, bà được phong là cung tần. Khi vua đi tuần đất Bắc đến Hà Nội để cho sứ nhà Thanh là Bảo Thanh sang sách phong. Bà đã được đi theo Hoàng đế Thiệu Trị để hầu hạ. Trong suốt hành trình, bà sớm tối luôn ở bên cạnh Vua. Tin tưởng bà, tất cả ngọc tỷ, ấn tín đều giao cho bà cất giữ.

Cho đến lúc Vua hồi loan về cung, cung nhân thấy bà bị rụng nhiều tóc, mặt mày gầy nám hốc hác đều lấy làm lạ hỏi thăm thì được biết chỉ vì lòng kính cẩn ưu lo của bà đã nên nỗi như thế. Lúc bấy giờ, bà làm chức Thường nghị coi sóc Lục thường. Đó là 6 công việc hầu hạ Vua ở trong cung gồm: Thường quan (mão), thường y (áo), thường thực (ăn), thường mộc (tắm), thường tịch (chiếu), thường thư (sách).

Sử Triều Nguyễn cũng chép rằng, có nhiều khi Vua Thiệu Trị ngồi đọc sách đến nửa đêm mà vẫn chưa đi ngủ, bà vẫn bên cạnh Vua để hầu hạ mà không biết đến mệt nhọc là gì, có nhiều khi phải đến canh ba bà mới bắt đầu ăn tối. Bà cũng là người thường xuyên khuyên nhủ các cung nữ trong cung hãy siêng cần công việc. Lúc được ân huệ gì của Vua ban, bà không bao giờ tranh giành chọn lựa. Ngược lại ở trong cung có ai đó làm điều sai trái bị Vua hay hoàng thân quở trách thì bà sẵn sàng chịu tội thay cho. Bà là người rất thông minh, chịu khó học hỏi và là người có trí nhớ rất khác lạ hơn người nên bà luôn được Vua yêu quý ban ân.

Tháng 4 năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), Vua sách phong cho bà chức Thành phi. Đến tháng Giêng năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) Vua tấn phong cho bà chức Quý phi, sai quan đại thần Vũ Xuân Cẩn và Tạ Quang Cử bưng ban kim sách tuyên phong.

Nhân đây, cũng xin được nói lại một cách rõ hơn về thứ bậc của các bà vợ Vua ở trong cung cấm. Sách “Những câu chuyện về cuộc đời Nam Phương hoàng hậu cuối cùng Triều Nguyễn” của tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang, do Nhà xuất bản Văn Nghệ, ấn hành năm 2008 viết như sau: Ở nước ta, kể từ Triều Nguyễn Gia Long (1802) các vua vì theo phong tục của Trung Hoa nên vua nào cũng có một bà vợ chính thức được gọi là Nhất giai phi, chỉ khi chết mới được tôn là Hoàng hậu, ngoài ra còn chọn nhiều phi tần, cung nữ tuyển vào cung để làm vợ thứ.

Nhưng kể từ khi Gia Long lên ngôi Hoàng đế thì chức Hoàng hậu bị bãi bỏ vì nhà vua sợ các bà Hoàng hậu lộng quyền tiếm đoạt ngôi vua. Vì lẽ đó, Gia Long đã đặt ra “Tứ bất lập”, theo thứ tự như sau: Bất lập Hoàng hậu (không lập Hoàng hậu); Bất lập Đông cung (không lập Thái tử); Bất lập Tể tướng (Không đặt chức Tể tướng) và Bất lập Trạng nguyên (không lấy ai đậu Trạng nguyên).

Các bà vợ thì chia ra làm “Cửu giai” và theo thứ tự các bà vợ từ đầu đến cuối như sau: Nhất giai phi; Nhị giai phi; Tam giai tân; Tứ giai tân; Ngũ giai tiệp dư; Lục giai tiệp dư; Thất giai thục nhân; Bát giai mỹ nhân và Cửu giai tài nhân. Việc sắp xếp này cũng giống như các cấp bậc quan lại được chia ra làm thứ tự gồm “Cửu phẩm”. Như vậy, bà nào đứng đầu trong “Cửu giai” thì được gọi là Quý phi. Lệ này được duy trì cho tới 12 đời vua Triều Nguyễn, đến vị vua thứ 13 là Bảo Đại mới cho lập lại chức Hoàng hậu.

Cũng vì sợ phi tần, cung nữ trong Hoàng cung quá đông nên nhà Vua đã cho xây dựng nên “Tam cung” và “Lục viện” cho các bà sinh sống. Ở tam cung lại chia ra làm 3 cung gồm: Cung Diên Thọ là nơi dành cho các bà Hoàng Thái hậu, Thái Thái hậu là các bà vợ của các vua đã băng hà (tạ thế), cùng một số thái giám ở để phục dịch các bà.

Cung Trường Sanh là nơi dành cho các bà vợ vua đang tại ngôi, như các bà Lệ Thiên (vợ vua Tự Đức), bà Từ Minh (vợ vua Dục Đức) đã từng ở cung này. Cung Khôn Thái được thiết lập ở gần với Điện Cần Thánh (nơi vua ở). Cung này dành riêng cho các bà Hoàng Quý phi. Trong cung này còn có một điện tên là Cao Minh Trung Chính, điện này lập vào năm Gia Long thứ 3. Ở phía Đông của điện Cao Minh Trung Chính có một nhà hát để nội cung hát riêng cho vua xem gọi đó là Viện Tịnh Quang.

Lục viện thì gồm có 6 viện sau: Viện Thuận Huy, nằm ở giữa điện Cần Thánh và điện Cao Minh Trung Chính. Ở phía Tây của Viện Thuận Huy thì có các viện sau đây: Viện Đoan Thuận; Viện Đoan Hòa; Viện Đoan Huy; Viện Đoan Trường và Viện Đoan Trang. Ngoài Cung Diên Thọ ra thì những Cung và Viện kể trên là chỗ dành cho các cung phi, mỹ nữ vợ của các ông vua đang trị vì. Tất cả các Cung và Viện này đều nằm trong Tử Cấm Thành. Nơi này, ngoài vua ra, chỉ có các thái giám mới được lui tới, còn tất cả đàn ông khác đều tuyệt đối không được bén mảng tới.

Vị Hoàng Thái hậu luôn lo cho vận nước

Trong những tháng ngày Vua Thiệu Trị ngồi trên ngai vàng để trị vì đất nước, bà Quý phi Phạm Thị Hằng luôn là người được Vua cho phép ngồi sau bức rèm để nghe Vua và các quan đại thần bàn việc nước những lúc thiết triều. Vua Thiệu Trị yêu quý bà đến mức mà không bao giờ Vua gọi tên mà chỉ gọi bà là “Phi” và bắt mọi người khi xưng với bà cũng chỉ dùng chữ “Phi” mà thôi.

Sách “Truyện kể về các Vương phi Hoàng hậu nhà Nguyễn” của tác giả Thi Long, do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành năm 2010 viết rằng: Một trong những đức tính tuyệt vời nhất của bà Phi này là sống giản dị, cần kiệm, đơn sơ như dân dã. Tính cần kiệm của bà được sách “Đại Nam liệt truyện” chép lại như sau: Một hôm vua vào cung thấy nơi chỗ bà ngồi có cái quạt, vải sờn, nan gãy, còn nhiều thứ đồ dùng như chén bát có cái đã nứt rạn, sứt mẻ mới sai người đem đổi vật dụng mới hơn nhưng bà không cho, bà bảo còn dùng được thì dùng, vứt đi uổng, vả lại cái mới thì qua thời gian cũng phải cũ như thế, có gì mà phải thay đổi cho tốn kém.

Vua Thiệu Trị khi nói chuyện với các bà phi tần khác trong cung thường khen bà nhân hậu, cần kiệm là thế. Bà là chủ trong cung, dưới tay bà có biết bao nhiêu là cung nga thể nữ lo việc phục dịch nhưng việc gì bà cũng tự mình làm lấy. Ai có việc gì khó khăn, đau ốm là bà giúp đỡ tận tình nên ai ai cũng cảm mến bà, kính phục bà.

Người ta kể lại rằng, có năm vì thiên tai địch họa mà mùa màng thất bát, nhân dân khắp nơi lâm vào cảnh túng bấn, khốn cùng…bà đã đích thân xin nhà Vua cho dân được miễn thuế. Vì quá kính phục tấm lòng trắc ẩn của bà mà dân gian đã có một bài vè dài đến 700 câu ca ngợi tấm lòng và sự nhân từ độ lượng của bà…

Trong cung không phải chỉ có con bà mà còn có nhiều Hoàng tử, Công chúa là con của các bà phi tần khác. Tất cả đều được bà đối đãi và dạy dỗ giống như con ruột của bà mà không hề có một chút phân biệt tị hiềm nào cả. Tất cả đều được bà nuôi dạy cẩn thận, chu đáo với tất cả tình thương yêu trời bể của một bà mẹ. Vì vậy mà bất cứ Hoàng tử hay Công chúa nào có chuyện gì cũng tìm đến bà, nhờ bà chỉ dạy hơn cả mẹ đẻ của mình. Không những bà nhân từ thuần hậu mà bà còn là một trong những bà Hoàng hậu rất lo lắng cho vận mệnh của đất nước.

Năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), Vua se mình không vui, bà đã thường xuyên túc trực bên Vua để hầu hạ, đồng thời cầu đảo thần thánh ngày đêm mong Vua khỏe lại mà bà đã quên đi chuyện ăn uống chăm lo cho sức khỏe của mình. Trong cơn khốn cùng của sức khỏe, Vua Thiệu Trị vẫn gọi các quan đại thần đến để tận mặt dạy các quan rằng: Quý phi là nguyên phối (vợ đầu) của Trẫm, phúc đức hiển minh, đã giúp Trẫm việc nội chính trong 7 năm qua. Đến nay, ý Trẫm muốn sách lập Quý phi làm Hoàng hậu chính vị trong cung…Tiếc thay, Vua Thiệu Trị băng hà khi chưa kịp sách phong cho bà.

Ngày 23 năm Canh Thân (1848), Vua Tự Đức 19 tuổi, nối ngôi cha đã đem tôn nhân và các quan trong triều bưng kim sách, kim bảo (bảng sách vàng và ấn vàng) kính dâng tôn hiệu cho mẹ là Hoàng Thái hậu Từ Dũ…Tuy nhiên, bà đã khước từ tôn hiệu cao quý đó vì lý do Vua Thiệu Trị mới băng hà lòng còn buồn thương, Vua Tự Đức mới lên ngôi việc nước còn phải gắng sức nên bà chưa an lòng. Phải đến 2 năm sau, khi Vua Tự Đức và triều đình nhiều lần dâng sớ thỉnh tấn tôn mỹ hiệu, bà mới chịu làm lễ tấn tôn, nhưng chỉ tổ chức đơn giản không tốn kém…n

(Bài 3: Những câu chuyện để đời của bà Từ Dũ)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh tỉnh Điện Biên hào hứng với trải nghiệm đẩy xe đạp thồ. Ảnh: Báo Điện Biên.

Xây dựng những 'đại sứ' lịch sử

GD&TĐ - Nhiều địa phương, trường học tổ chức các hoạt động giáo dục hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Minh họa/INT

Truyền cảm hứng

GD&TĐ - Lịch sử là môn học góp phần giúp học sinh hình thành nhân cách, nhân sinh quan cũng như lòng yêu nước, ý thức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc...