Bài 2: Các cơ sở GDĐH phải được sắp xếp trật tự và phân loại rõ ràng

GD&TĐ - Một hệ thống tối ưu phải có tính đa dạng nhưng phải có cơ cấu hợp lý có trường lớn, trường nhỏ, có các trường định hướng khác nhau, trường công, trường tư… nhưng các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) phải được sắp xếp trật tự và phân loại rõ ràng. Đó là một trong những đề xuất, kiến nghị của nhóm nghiên cứu về “Cơ sở khoa học quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025, tầm nhìn 2035” do PGS.TS. Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - làm chủ nhiệm đề tài.  

Quy hoạch mạng lưới GD ĐH phải tuân thủ theo quy luật và nâng cao chất lượng đào tạo
Quy hoạch mạng lưới GD ĐH phải tuân thủ theo quy luật và nâng cao chất lượng đào tạo

Quy hoạch mạng lưới phải có trong chiến lược tổng thể về hệ thống GDĐH

Chia sẻ giải pháp của nhóm nghiên cứu, PGS Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh việc phải rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở GDĐH, trong đó có mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên bằng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, cần nghiên cứu triển khai xây dựng chiến lược phát triển tổng thể hệ thống GDĐH Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế và trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Trong chiến lược tổng thể này, có quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH trên cơ sở Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở GDĐH và đào tạo giáo viên.

Theo PGS Hoàng Minh Sơn, CMCN 4.0 sẽ đặt các trường ĐH đứng trước thách thức rất lớn, cạnh tranh nguồn lực chất lượng cao không chỉ trong nước mà nó còn mang tính toàn cầu. Người lao động lúc này phải có tư duy sáng tạo, có khả năng thích nghi với các thách thức và yêu cầu công việc thay đổi liên tục trong thị trường lao động trong nước, khu vực và quốc tế, tránh nguy cơ bị mất việc làm.

Ảnh minh hoạ/Internet
 Ảnh minh hoạ/Internet

 Mô hình phát triển, chương trình giáo dục, hình thức tổ chức dạy học ở bậc ĐH phải được cải tiến cập nhật thường để phù hợp với đối tượng, đáp ứng được mục tiêu đào tạo. Các yêu cầu về kiến thức cũng phải được thay đổi theo các yêu cầu về kĩ năng đáp ứng được đòi hỏi của nền kinh tế, văn hóa, xã hội. Ngoài ra phải thay đổi cả tư duy quản lý, quản trị ĐH. Các cơ sở GDĐH cần xây dựng những công cụ thông minh, gồm cả công cụ quản lý ĐH phù hợp với thời đại số hóa và đẩy mạnh liên kết hợp tác với các doanh nghiệp, hợp tác quốc tế mới đáp ứng nhu cầu và tính cạnh tranh cao của nguồn nhân lực cho xã hội và đó mới là xu hướng của thời đại toàn cầu.

Ở nước ta, để đẩy mạnh mô hình ĐH 4.0, Bộ GD&ĐT đã thành lập ban soạn thảo, nghiên cứu về mô hình ĐH 4.0 và nhanh chóng triển khai để nâng cao chất lượng GDĐH, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp. Mặc dù đã bắt đầu có một số cơ sở GDĐH nghiên cứu triển khai mô hình này, tuy nhiên cần có quy hoạch, chiến lược thống nhất, đồng bộ trong toàn hệ thống. Đặc biệt cần phải đổi mới vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước trong tổ chức GDĐH trong điều kiện hội nhập quốc tế và cuộc CNMCN lần thứ 4 
PGS Hoàng Minh Sơn chia sẻ

Về mặt quản lý, các cơ sở GDĐH phải chuyển hướng sang tự chủ trong tổ chức và hoạt động, chủ động tìm kiếm các nguồn lực đầu tư bên ngoài, mở rộng các hoạt động đầu tư liên danh, liên kết trong và ngoài nước về đào tạo, nghiên cứu khoa học. Gỡ bỏ các rào cản để hướng sự đầu tư của các thành phần kinh tế vào giáo dục đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển đất nước.

Trong xu thế phát triển mới, mô hình giáo dục thông minh đáp ứng yêu cầu mới của xã hội cũng đang được đặt ra. Trường không chỉ đóng khung trong các bức tường của giảng đường, lớp học hay phòng thí nghiệm, mà phải mở rộng kết hợp với các doanh nghiệp, với thị trường lao động để trở thành một hệ sinh thái giáo dục. Các chương trình đào tạo được xây dựng theo hướng đa ngành nên đã đáp ứng nhu cầu người lao động có thể làm việc trong môi trường đa ngành. Các cơ sở GDĐH cũng phải theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực.

Tối ưu hệ thống nhằm nâng cao chất lượng

Để làm tốt công tác quy hoạch, chia sẻ các đề xuất, kiến nghị của nhóm nghiên cứu, PGS Hoàng Minh Sơn cho rằng, nhiệm vụ quy hoạch hệ thống là bài toán tối ưu (động) hệ thống, mạng lưới các cơ sở GDĐH Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo đó, tối ưu hóa cấu trúc hệ thống (số lượng, cơ cấu, phân bổ, kết nối hệ thống nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả của hệ thống); tối ưu hóa các phần tử (các cơ sở GDĐH) trong hệ thống (chuẩn hóa, xếp loại, phân hạng để nâng cao năng lực của từng cơ sở GDĐH). Giải pháp tối ưu hóa thông qua can thiệp của Nhà nước qua các chính sách (tái cấu trúc, sắp xếp, đầu tư, kiểm định chất lượng…) và từ xã hội, từ các cơ sở GDĐH (tạo động lực, định hướng, điều kiện, tiêu chuẩn để xã hội có thể tác động, tham gia và để bản thân các cơ sở GDĐH phát triển).

Ảnh minh hoạ/ Internet
 Ảnh minh hoạ/ Internet

Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, một hệ thống tối ưu phải có tính đa dạng, phải có cơ cấu hợp lý, có trường lớn, trường nhỏ, có các trường định hướng khác nhau, trường công, trường tư… nhưng các cơ sở GDĐH phải được sắp xếp trật tự và phân loại rõ ràng. Nghiên cứu thực tế, phân tích hệ thống GDĐH trên thế giới, của các nước phát triển đều như vậy. Nhưng ở Việt Nam, khi phân tích số liệu nhóm nghiên cứu thấy rằng, việc phân loại, định hướng các cơ sở GDĐH chưa rõ ràng, số lượng các trường đơn lĩnh vực, quy mô nhỏ quá nhiều.

Cụ thể: Có 1 ĐH đa lĩnh vực lớn đầy đủ 7 nhóm ngành (ĐH Huế); 8 cơ sở GDĐH đa lĩnh vực có từ 5 - 6 nhóm ngành (ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TPHCM, ĐH Thái Nguyên, ĐH Tây Nguyên, ĐH Quy Nhơn, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Trà Vinh, ĐH Cần Thơ); 39 trường ĐH đa lĩnh vực hẹp có từ 3 - 4 nhóm ngành; 27 trường ĐH chuyên ngành có 2 nhóm ngành; 49 trường ĐH chuyên ngành có 2 nhóm ngành. Có 63 cơ sở GDĐH quy mô sinh viên dưới 5.000. Tỷ lệ các trường tư chiếm 27%, quy mô sinh viên trường tư chiếm 13% trong khi của các nước trong khu vực như Malaysia, Hàn Quốc, tỉ lệ này lên tới 52% và 80%.

“Về số lượng cụ thể là bao nhiêu, quy hoạch của các nước trên thế giới cũng không đưa ra vì sự phát triển kinh tế, xã hội, thực tiễn thay đổi quá nhanh đặc biệt trong thời đại CMCN lần thứ 4. Nhưng, định hướng số lượng các trường công sẽ giảm nhằm tăng hiệu quả quản lý Nhà nước và hiệu quả đầu tư trong điều kiện ngân sách hạn hẹp” - PGS Hoàng Minh Sơn chia sẻ.

Quy mô đào tạo ĐH phải tăng thông qua tăng chất lượng

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu kiến nghị một hệ thống GDĐH đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội với quy mô đào tạo ĐH phải tăng thông qua tăng chất lượng. Quy hoạch không đặt mục tiêu cụ thể về số mà đặt mục tiêu về chất lượng để thông qua đó tăng số lượng, tăng tiếp cận người học (đào tạo online). Quy hoạch về chất lượng, không nên để 2 mức đạt hay không đạt mà phải để nhiều mức, trong đó có ngưỡng tối thiểu.

“Ở đây nhóm nghiên cứu đề xuất 3 mức. Mức 1 - mức chuẩn tối thiểu (mức sàn các cơ sở GDĐH phải đáp ứng); Mức 2 - mức khá, tương đương với mức chuẩn quốc gia; Mức 3 - tốt, tương tương với mức chuẩn các cơ sở GDĐH đẳng cấp khu vực, quốc tế. Vì vậy phải có bộ tiêu chuẩn tiếp cận 3 mức, kỳ vọng có thể thay thế, kết hợp “Nghị định quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở GDĐH (73/2015/NĐ-CP) và Thông tư 24 /2015/TT-BGDĐT quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở GDĐH” - PGS Hoàng Minh Sơn cho biết.

Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất, kiến nghị quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH cần phân theo không gian vùng miền một cách hợp lý. Theo luật quy hoạch, “Quy hoạch là việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động KT-XH, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên lãnh thổ xác định để sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước phục vụ mục tiêu phát triển bền vững cho thời kỳ xác định”.

Quy hoạch ở đây phân theo không gian nhưng không theo địa phương như Quy hoạch 37 mà theo vùng miền, vùng kinh tế. Ngoài ra, kinh nghiệm trên thế giới phải có kết nối trường ĐH, viện nghiên cứu và doanh nghiệp tạo thành hệ sinh thái ĐH, hỗ trợ phát triển các vùng kinh tế trọng điểm. Đồng thời, không quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH theo ngành nghề (trừ đối với ngành sư phạm) vì nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, thực tiễn thay đổi quá nhanh, quy hoạch không có ý nghĩa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.