Nước Nga nổi tiếng với tàn tích pháo đài cổ thuộc thời đại đồ Đồng (3300 - 1200 TCN), Arkaim. Nó là kiến trúc định cư kiêm quân sự của người Sintashta, cha đẻ của chiến xa, dân tộc được ghi nhớ như “bậc thầy chiến tranh của thảo nguyên Á - Âu”.
Pháo đài hình tròn
Arkaim nằm trong vùng thảo nguyên Nam Ural, huyện Bredinsky, tỉnh Chelyabinsk, gồm 2 pháo đài đồng tâm khổng lồ được bao quanh bởi các bức tường gạch nung, gạch không nung và gỗ cao 5,5m, dày 3 - 5m. Pháo đài vòng ngoài có đường kính rộng 160m, pháo đài vòng trong có đường kính rộng 85m và tổng diện tích lên tới 20 nghìn m2. Dưới chân bức tường vòng ngoài là hào sâu khoảng 2m.
Nhà cửa bên trong Arkaim có lưng tựa vào tường bao, mặt hướng vào trung tâm và tường sát nhau. Trước mặt lớp nhà cửa vòng ngoài là con đường rộng, bao quanh theo bức tường vòng trong, còn trước mặt lớp nhà cửa vòng trong là quảng trường hình tròn, có thể đã được sử dụng như sân tổ chức các nghi thức, nghi lễ quan trọng.
Có 4 lối vào Arkaim phân theo 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc và lối chính nằm ở hướng Tây. Số lượng nhà cửa vòng trong 25 căn, vòng ngoài 35 căn, ước tính đủ để cho khoảng 1.500 - 2.500 người sinh sống.
Bên ngoài hào là khu vực trồng trọt, có hệ thống mương rãnh dẫn nước tưới, cây trồng chủ yếu là kê và lúa mạch. Cách Arkaim tầm 1,5km về phía Tây Nam là khu nghĩa trang, hình thức mai táng địa táng.
Nhìn toàn cảnh, Arkaim là khu định cư có tính năng phòng thủ mạnh. Nhờ các bức tường cao vừa cho phép quan sát xung quanh vừa ngăn chặn sự tấn công từ bên ngoài, nó bảo vệ an toàn cho các cư dân bên trong. Ở thời đại đồ đồng, đây có thể xem là pháo đài bất khả xâm phạm.
Pháo đài Arkaim phục dựng. Ảnh: Ancient-origins.net |
Chiến binh ưu tú và thợ rèn bậc thầy
Chủ nhân của Arkaim là người Sintashta. Qua nhiều lần xác định niên đại, Viện Hàn lâm Khoa học Nga kết luận họ sống trong khoảng năm 2050 - 1750 TCN. Trong khi nhiều dân tộc khác thuộc khu vực Á - Âu vẫn còn đang sử dụng đồ đá, dân tộc này đã có những phát triển đồ đồng mang tính đột phá. Một trong những sáng kiến tuyệt đỉnh nhất của họ là chiến xa.
Chiến xa của người Sintashta là những cỗ xe 2 bánh, được kéo bằng ngựa. Mỗi cỗ chiến xa có 1 - 2 ngựa kéo và chỉ chở tối đa 2 chiến binh. Theo các học giả Nga, sự xuất hiện của chiến xa chính là bước ngoặt quân sự mang tính chất quyết định trong lịch sử cổ đại. Sự cơ động và linh hoạt của nó đem đến lợi thế lớn, đến mức bất cứ dân tộc nào làm chủ được nó trước cũng nhanh chóng trở thành người chiến thắng trên các chiến trường.
Khai quật nghĩa trang của Arkaim chỉ ra có nhiều đãi ngộ chôn cất khác nhau. Một số ngôi mộ chỉ có 1 bộ xương, một số lại tập trung rất nhiều bộ xương. Đàn ông Sintashta được mai táng cùng với một con ngựa (có khả năng là động vật bị hiến tế), phụ nữ và trẻ em thì cùng động vật có sừng kích thước nhỏ, ví dụ như con dê (cũng có khả năng là động vật bị hiến tế).
Những người có địa vị hoặc giàu có trong Arkaim được chôn cùng nhiều đồ vật giá trị như đồ gốm, đồ trang sức và đặc biệt là rất nhiều vũ khí như mũi giáo, rìu, dao, dao găm, đầu mũi tên…
Trong các ngôi mộ của Arkaim, nổi bật nhất là mộ của chiến binh. Nó đặc trưng bởi 2 vật gắn liền với chiến tranh là chiến xa và miếng bảo vệ mặt được làm bằng gạc động vật.
Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, các nhà khảo cổ Nga đã tái tạo được hình dáng tổng thể của chiến xa Sintashta. Nó khá nhỏ nhưng vô cùng nhanh nhẹn nhờ 2 bánh xe mà mỗi bánh có từ 10 – 12 nan hoa, khoảng cách giữa các nan hoa từ 130 – 160cm.
Ấn tượng nhất là trong các vũ khí, người ta phát hiện những mũi giáo nặng có chuôi được thiết kế để cắm vào gậy gỗ. Hình dáng ngọn giáo đầy đủ có lẽ giống với kiểu giáo lớn, có tay cầm dài, uy lực cả lúc cầm trên tay lẫn phóng xa. Khi kết hợp với chiến xa, loại giáo này đích thực là vũ khí nguy hiểm nhất, lấy mạng địch thủ ngay tức thì.
Đầu mũi tên của người Sintashta cũng khác biệt so với các dân tộc khác. Nó khá ngắn, có vẻ được sử dụng với cung nhỏ, tấn công tầm gần, phụ trách bảo vệ chiến xa khi bị đuổi sát nút.
Khai quật tàn tích Arkaim cho thấy rất nhiều dấu vết luyện kim như các loại khuôn đúc, xỉ, vòi phun, búa và đe. Gần như, toàn bộ cư dân của nó đều là những thợ rèn điêu luyện, thiện nghệ từ khâu khai thác đến chế tác kim loại đồng thành mọi kiểu vật dụng, vũ khí cần thiết.
Mỏ đồng gắn liền với Arkaim có lẽ là Vorovskaya Yama. Nó được người Sintashta khai thác trên quy mô lớn và mang đến cho dân tộc này sức mạnh quân sự vượt trội. Không dừng lại ở đây, nó còn giúp Sintashta khai mở và phát triển giao thương. Nhiều bằng chứng từ các khu định cư thuộc vùng Trung Á cho thấy đã nhập khẩu vũ khí, đồ đạc bằng đồng từ Arkaim.
Giao thương là cửa ngõ đưa đến những vùng đất mới. Bậc thầy chiến tranh Sintashta nhiều khả năng đã mở rộng xâm lược, chinh phục và làm chủ thêm nhiều vùng đất. Tuyến đường thương mại nối đến Bactria Margiana (khu định cư ở miền Nam khu vực Trung Á) cho phép họ tỏa khắp vùng Cận Đông, đi vào lục địa Ấn Độ, rẽ tới Anatolia và Iran.
Trong lĩnh vực thương mại, chiến xa đảm trách thêm vai trò xe chở hàng hóa. Nhờ nó, người Sintashta vừa thuận tiện đi xa vừa đánh nhanh thắng gọn trên bất cứ mặt trận nào.
Về mặt di truyền, người Sintashta được ghi nhận là người da trắng, gốc gác Trung Âu. Vào thời kỳ đồ đá, họ di cư dần về phía Đông, hướng tới vùng thảo nguyên Á - Âu bát ngát.
Với kỹ thuật luyện kim tân tiến, phát minh chiến xa, khu định cư kiên cố và văn hóa quân phiệt, họ nổi lên như bậc thầy chiến tranh. Trong thời đại đồ đồng, đây chính là ưu thế quyết định kẻ sống người chết, dân tộc tồn tại và bộ lạc bại vong.
Ngày nay, các học giả Nga đồng thuận, người Sintashta chính là dân tộc khai sinh ra ngôn ngữ Ấn - Iran nguyên thủy, tiền thân của ngữ hệ Ấn - Iran, một nhánh của ngữ hệ Ấn - Âu.