Chính ý chí của họ tiếp thêm động lực để các bác sỹ tìm tòi, cố gắng hết mọi khả năng để có thêm một tia hy vọng cho sự sống của họ”.
Đó là lời chia sẻ từ sâu thẳm tâm can của PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước - Trưởng khoa Tim mạch lồng ngực Bệnh viện Việt Đức, người đã 25 năm gắn bó với chuyên ngành ngoại khoa và đã trực tiếp mổ cho hàng nghìn bệnh nhân nhi mắc tim bẩm sinh. Và thật kỳ lạ, những ca phẫu thuật tim “cải tử hoàn sinh” đều có ít nhiều bí ẩn số phận...
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước |
|
Những số phận “cải tử hoàn sinh”
Tôi vẫn luôn tự cho mình là người có cơ duyên với những người làm trong ngành y bởi một lẽ rất giản dị - chuyên viết về các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo và được tiếp xúc với nhiều bác sỹ đầu ngành của Việt Nam.
Mỗi một cơ hội tiếp xúc là một câu chuyện nằm lòng, là một mảng ghép mà tôi đã chắp nối lại về những con người đầy nghị lực vượt qua số phận để sống và những thầy thuốc “ươm mầm” sự sống cho bệnh nhân bằng “nghệ thuật chữa bệnh”. Và, trong cái gọi là cơ duyên ấy, tôi thật sự bị ám ảnh bởi những câu chuyện mà PGS.TS Nguyễn Hữu Ước đã chia sẻ.
Trong số hàng nghìn bệnh nhân mà PGS. Nguyễn Hữu Ước từng trực tiếp làm trưởng kíp mổ, có lẽ với ông, ca ghép tim cho cô gái tên Phan Thị T. (27 tuổi, quê ở TP Yên Bái) là ca ghép đặc biệt nhất mà ông đã thực hiện. Lần đầu tiên ở Việt Nam, đã có một ca ghép tim cho người bị tim bẩm sinh nằm bên phải thành công.
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước trong một lần tham gia chuyển giao kỹ thuật mổ tim tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định. |
|
Vị PGS cho hay, đây không phải là ca bệnh khó nhất mà các bác sỹ bệnh viện Việt Đức thực hiện nhưng lại là ca bệnh rất đặc biệt. Người được chỉ định ghép có quả tim lạc chỗ nằm bên phải, lại còn “hội tụ” tất cả dị tật nặng nhất: “Thất phải hai đường ra thể đảo gốc động mạch, thông sàn nhĩ thất toàn bộ, tĩnh mạch phổi lạc chỗ hoàn toàn, hẹp rất khít động mạch phổi”.
Thêm vào đó, trong quá trình nằm chờ ghép tim, bệnh nhân còn bị biến chứng nhồi máu não, nằm bất động một chỗ, teo cơ và suy kiệt nặng... Hy vọng sống mong manh chỉ có thể tính bằng một phần nghìn.
Để thực hiện ca ghép tạng này, gần 30 người tham gia trực tiếp kíp mổ đã trải qua hơn 10 tiếng đồng hồ “cân não” căng thẳng (bình thường một ca ghép tim kéo dài khoảng 4-5 tiếng đồng hồ). 12 tuần ròng rã sau mổ, bệnh viện phải cắt cử bác sỹ, điều dưỡng túc trực riêng bên cạnh bệnh nhân.
Tổng lực gần 100 con người dồn sức trong 3 tháng cho ca ghép tim đặc biệt có một không hai này để rồi “trời đã không phụ lòng người”, với những nỗ lực không mệt mỏi của các y bác sỹ , của gia đình và của chính người bệnh, quả tim mới đã thực sự hồi sinh, mang lại cuộc sống mới cho cô gái.
Trò chuyện với chúng tôi, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước hết mực khen ngợi về ý chí quyết tâm chiến thắng bệnh tật của cô gái vùng sơn cước này. T. bị bệnh tim từ khi mới ra đời. 26 năm sống chung với trái tim bệnh tật, các dị tật tim của T. không thể sửa chữa bằng mổ thông thường vì quá nặng. T. chỉ còn cách sống chung với bệnh, được ngày nào hay ngày đó.
Điều khiến các bác sỹ bệnh viện Việt Đức khâm phục T. chính là nghị lực sống và tinh thần lạc quan. Dù bệnh tật nhưng 12 năm học phổ thông, cô luôn là học sinh giỏi và có mặt trong đội tuyển của trường.
Năm thứ hai đại học, trải qua nhiều lần “thập tử nhất sinh”, T. buộc lòng phải nghỉ học. Nhưng ngay cả khi phải nằm một chỗ, cô vẫn không chịu khuất phục số phận- cô nhận dạy gia sư cho các em sắp thi đại học tại nhà.
Ngày T. nhận tin 6 “học trò” của mình đỗ đại học cũng là ngày cô bị tai biến mạch máu não phải nhập viện để hồi sức. Khi cô được đưa đến trung tâm Phẫu thuật tim mạch của bệnh viện Việt Đức, các bác sỹ đã chỉ định ghép tim - đây là cách duy nhất để cứu sống cô.
Trong cuộc trò chuyện với PV, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước nhắc nhiều đến chuyện đời của cô gái Phan Thị T., tôi chợt nghĩ số phận “được gieo” từ sự hiến tạng của những tấm lòng hảo tâm thì câu chuyện viết tiếp về cuộc sống của họ lại phụ thuộc vào “nghệ thuật chữa bệnh” của người thầy thuốc. Đã hai lần, T. bỏ lỡ cơ hội được ghép tạng do người hiến tạng không phù hợp.
Đến lần thứ ba, khi biết đã chắc chắn có người cho tim phù hợp để ghép cho bệnh nhân T., PGS.TS Nguyễn Hữu Ước đã suy nghĩ phải ghép quả tim bên trái của người bình thường ra sao để có thể ăn khớp vào vị trí quả tim của bệnh nhân nằm bên phải và có quá nhiều bất thường. Vị PGS còn đưa ra hình ảnh ghép bàn tay phải sang tay trái làm sao không vẹo vọ để cho chúng tôi liên tưởng về sự phức tạp trong ca ghép tim đặc biệt này.
Bởi, cô gái thì có trái tim bên phải nhưng người cho tạng lại có trái tim bên trái. Không những vậy, quả tim của người cho lại “quá khổ” so với lồng ngực của cô (to hơn 20%).
Mà trên thực tế, với những trường hợp này được hạn chế chỉ định ghép tim. Thế nên, những phát sinh đó khiến ông và kíp mổ đã phải trăn trở rất nhiều, hàng chục bản vẽ phác thảo được xây dựng để có thể tìm ra một phương án ghép tối ưu.
Sự khó khăn của ca ghép không làm chùn lòng nhà phẫu thuật tim hàng đầu này. Ông không thể thấy một cơ hội có thể cứu người mà lại buông tay, dù biết cô gái này thậm chí chỉ có một phần nghìn hy vọng.
Cuối cùng, vị PGS này vẫn quyết định ghép tạng cho T. bằng kỹ thuật đảo ngược cuống mạch tim về bên trái cho đúng với cấu tạo của quả tim được ghép, sau đó tạo chân đế để hạ quả tim mới.
Quả tim mới đã đập và bơm được máu trong cơ thể người được ghép ngay sau ca mổ. Thế nhưng quả thận, lá phổi vẫn không hoạt động. Mọi phương tiện hiện đại nhất trong khoa đã được huy động hỗ trợ cho bệnh nhân.
Sau 3 tháng ròng, cô gái yếu ớt đã cai được máy thở. Giờ, sức khỏe của T. đã dần ổn định và cô đều đặn đi khám định kỳ, sử dụng thuốc chống thải ghép để trái tim mỗi ngày một khỏe hơn.
Niềm vui sau phút “ngàn cân treo sợi tóc”
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, PGS. Nguyễn Hữu Ước chia sẻ rằng, ông không thể nhớ rõ chính xác đã mổ bao nhiêu ca bệnh. Và, trong hàng ngàn ca phẫu thuật cho các bệnh nhân nhi mắc tim bẩm sinh, món quà lớn nhất mà ông nhận được chính là niềm khát khao sống của các em đã thành hiện thực và với các bác sỹ mỗi ca bệnh thành công là điều kỳ diệu mang tên nụ cười... “nhịp đập trái tim”.
Trong quá trình điều trị, PGS Nguyễn Hữu Ước không thể quên hình ảnh những bệnh nhân mắc bệnh tim bẩm sinh là con của các chiến sỹ biên phòng, con của chiến sỹ đang đóng quân ở Trường Sa.
Thậm chí, có những trường hợp con của đồng bào thiểu số ở miền núi, vùng sâu vùng xa còn chưa một lần ra Thủ đô. Bữa cơm mỗi ngày của bố mẹ các cháu cũng phải do các y, bác sỹ tại khoa lo giúp.
“Những ca bệnh đó, họ trao hoàn toàn tính mạng con em của họ cho chúng tôi. Chính điều đó khiến chúng tôi nhận thức rõ trách nhiệm của người thầy thuốc. Và món quà lớn nhất đối với chúng tôi chính là nụ cười của bệnh nhân khi họ được ra viện”, vị PGS trầm tư chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước vui vẻ kể lại câu chuyện của một gia đình ở miền núi tỉnh Bắc Kạn. Gia đình họ đưa con xuống viện để mổ tim bẩm sinh, đang trong quá trình điều trị, người cha bỗng dưng xin về quê hai ngày. Bất ngờ, khi xuống viện, người cha mang theo một lô bánh khảo vào biếu các bác sỹ, nhân viên làm việc tại khoa.
“Tôi cũng thành thật bảo, gia đình anh không có tiền mua cơm lấy đâu ra tiền mà mua bánh khảo. Tôi xin nhận và gửi lại anh với lời nhắn nhủ:
Gia đình cứ giữ lấy để ăn, khi nào ra viện, nếu còn thừa thì cho tôi xin lại. Đúng ngày ra viện, người cha mang đến nửa túi bánh khảo cho chúng tôi kèm theo nụ cười vui vẻ vì con họ đã có trái tim khỏe” - PGS. TS Hữu Ước không giấu được niềm vui khi nhớ lại câu chuyện.
“Sự sống nảy mầm từ cái chết” “Sau khi ghép tạng thành công, trong 3 tháng “sống đi chết lại” T. đã hơn 10 lần níu lấy tay bác sỹ xin được về nhà và buông xuôi tất cả. Bởi cô lo bố mẹ cô không thể lo được chi phí điều trị. Thế rồi, với sự động viên của các bác sỹ, người thân trong gia đình, sức mạnh nội lực trong T. trỗi dậy giúp cô từng phút, từng giây “níu” thời gian sống” - PGS.TS Nguyễn Hữu Ước nói. |
Theo doisongphapluat.com