6 năm trước nam bệnh nhân ở Điện Biên phát hiện vùng cổ của mình to lên bất thường. Anh khám ở bệnh viện tỉnh, bác sĩ chẩn đoán mắc bướu cổ, uống thuốc điều trị tại nhà. Bệnh không đỡ, vùng cổ ngày càng sưng to. Gần đây anh luôn trong tình trạng khó chịu, ăn uống khó khăn, nuốt nghẹn, mệt mỏi, đau nhức vùng sau gáy, khó thở vào ban đêm.
Bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương khám xác định bệnh nhân bị nang giáp, kích thước nhân lớn. Bác sĩ xử trí bằng cách hút dịch và tiêm Ethanol tuyệt đối qua da dưới hướng dẫn của siêu âm. Các kỹ thuật viên hút sạch dịch trong khoang khối u, sau đó tiêm cồn vào. Tuyến giáp sẽ hoàn toàn xẹp lại mà không cần phẫu thuật, giảm chảy máu, giảm chi phí điều trị.
Bác sĩ thực hiện phương pháp tiêm cồn để điều trị cho bệnh nhân tuyến giáp. |
Sau 3 tháng điều trị bằng phương pháp tiêm cồn, hiện khối nang giáp của bệnh nhân đã giảm từ 60 mm xuống còn 28 mm. Bệnh nhân không còn cảm giác tức vướng, nuốt nghẹn, cơn đau đầu cũng giảm, hết mệt mỏi.
Theo bác sĩ Lê Thị Việt Hà, Trưởng khoa Bệnh lý Tuyến giáp, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, từ đầu năm đến nay khoa tiếp nhận khoảng 200 bệnh nhân bướu giáp. Số lượng bệnh nhân mắc u nang giáp, bướu nhân tuyến giáp hiện có xu hướng gia tăng. Nhiều trường hợp nhập viện khi khối u đã quá lớn, bắt buộc phải tiến hành thủ thuật hút dịch kèm điều trị hỗ trợ để giảm sự phát triển của khối u nang.
Hiện chưa rõ nguyên nhân gây nang giáp. Nhóm nguy cơ cao mắc bệnh là người trên 60 tuổi, phụ nữ, người bị viêm giáp mạn tính gây suy giáp, người thiếu iốt, người sử dụng thuốc trầm cảm, người mắc bệnh lý tuyến yên...
Bác sĩ khuyên để phát hiện sớm nang giáp và kịp thời điều trị, nên khám sàng lọc sớm, đặc biệt khi gia đình có người mắc bệnh.