Carlos Mariotti - một người công nhân 42 tuổi ở Brazil không may bị tai nạn lao động nghiêm trọng - kẹt tay trong khi đang vận hành máy tại xưởng sản xuất. Nhờ những người đồng nghiệp kịp thời đến cứu, phần cẳng tay của anh được rút ra nguyên vẹn, nhưng lòng bàn tay bị kẹt trong máy đã bị nghiền nát.
Sau khi rút ra được, bàn tay trái của Carlos đã bị tổn thương nghiêm trọng chỉ còn lại phần lòng bàn tay và lộ hoàn toàn xương, thịt ra bên ngoài.
Bàn tay của Carlos bị thương nặng sau tai nạn lao động
“Tôi nhớ chiếc máy đó có một chút vấn đề, chúng tôi đã phải tắt nó và khởi động lại. Sau khi bật lại, nó bắt đầu kéo tay tôi vào. Tôi đã hét lên trong đau đớn và cố hết sức để rút tay ra”, Carlos kể lại.
Sau đó, Carlos lập tức được đưa vào phòng cấp cứu. Bác sĩ cho biết, vết thương quá nặng khiến bàn tay anh bị nhiễm trùng và phải cắt bỏ nếu không muốn nguy hiểm đến tính mạng. Sau khi nghe tin này, Carlos đã vô cùng suy sụp.
Tuy nhiên, trong quá trình cấp cứu các bác sĩ đã nghĩ ra một cách để giữ lại bàn tay Carlos là… nuôi nó trong dạ dày. Các bác sĩ đã tiến hành khoét một lỗ thủng ở bụng rồi cho bàn tay bị thương vào đó và khâu lại, đồng thời sử dụng da nhân tạo để bịt kín.
Việc này có tác dụng “nuôi” các mô mới trên bàn tay bên trong bụng, nhằm thuận lợi cho quá trình ghép da sau đó.
Tay của Carlos đã được khâu vào bụng như một cách điều trị đột phá mới
Cuộc phẫu thuật kết thúc, khi tỉnh lại Carlos đã rất ngạc nhiên bàn tay của mình đang được khâu liền vào trong bụng. Thậm chí bác sĩ yêu cầu anh phải thường xuyên cử động nhẹ bàn tay để tránh phần cơ bị cứng.
Chia sẻ với báo chí, Carlos cho biết, quá trình này đã khiến anh trải qua đau đớn khủng khiếp và cảm giác khó chịu với một bàn tay cắm trong bụng sẽ khiến anh cả đời không thể quên.
Carlos liên tục được bác sĩ yêu cầu phải cử động tay
“Tôi không thể nào quên được cảm giác đó khi bàn tay vặn vẹo trong bụng, đau đớn và không thể nào chịu nổi. Tôi không thể nào nằm nghiêng người hay nằm sấp xuống được”, Carlos chia sẻ.
Phương pháp này tuy kỳ dị nhưng lại rất có hiệu quả. Chỉ hơn một tháng sau, các bác sĩ đã hoàn tất trong việc nuôi bàn tay. Sau đó Carlos được lấy da, thịt và mạch máu ở phần bụng để tiến hành cho cuộc cấy ghép.
Bàn tay Carlos trông giống như một đôi găng đấm bốc với ngón cái nhỏ xíu, nơi đáng nhẽ là bốn ngón tay còn lại.
Dù cuộc phẫu thuật cấy ghép diễn ra hết sức thành công nhưng vì bàn tay bị tổn thương nặng nên Carlos đã tốn hàng tháng trời để tập cầm thìa ăn, đánh răng, nghe điện thoại... Những điều này được coi là một thành tích quan trọng trong sự phục hồi của người đàn ông 42 tuổi.
Carlos với bàn tay sau khi cấy ghép ở hiện tại
Mặc dù bàn tay trái sẽ không thể linh hoạt được như bình thường nhưng Carlos cho rằng, sau tai nạn nghiêm trọng đó, việc giữ được bàn tay trái với anh đã là một điều vô cùng hạnh phúc.
Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết đây chưa phải là kết quả cuối cùng. Các chuyên gia đang bàn bạc để tiến hành một cuộc phẫu thuật đột phá khác trong tương lai, đó là xây dựng lại bàn tay của Carlot với những ngón tay riêng biệt.