Bác sĩ BVĐK Bình Định nghiên cứu công nghệ điều trị nhồi máu não cấp

GD&TĐ - Dùng stent phối hợp với ống hút huyết khối có thể đưa cục máu đông khỏi mạch máu ra ngoài, điều trị nhồi máu não cấp do tắc động mạch máu não lớn.

Ê-kíp thực hiện can thiệp lấy huyết khối tại phòng can thiệp mạch.
Ê-kíp thực hiện can thiệp lấy huyết khối tại phòng can thiệp mạch.

Dùng stent kết hợp ống hút

Các nhà khoa học Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định vừa thực hiện đề tài “Ứng dụng can thiệp nội mạch, lấy huyết khối bằng stent phối hợp với ống thông hút huyết khối, điều trị nhồi máu não cấp do tắc động mạch não lớn”.

Nhóm đã áp dụng thành công kỹ thuật lấy huyết khối bằng stent, phối hợp với ống thông hút huyết khối để điều trị nhồi máu não cấp do tắc động mạch não lớn. Kỹ thuật mới này có tỷ lệ cứu sống bệnh nhân bị đột quỵ nặng lên tới 87,7% và hạn chế tối đa di chứng.

Nhồi máu não là nguyên nhân gây ra hơn 80% các trường hợp đột quỵ. Theo thống kê của WHO, hàng năm thế giới có khoảng 15 triệu người bị đột quỵ, trong đó có 5 triệu người tử vong và 5 triệu người bị tàn tật vĩnh viễn.

Đột quỵ nhồi máu não xảy ra do sự gián đoạn đột ngột dòng máu cung cấp lên não. Động mạch não bị tắc nghẽn khiến lưu lượng tuần hoàn tại vùng não đó giảm trầm trọng.

Nhồi máu não được phân làm 2 thể, dựa trên vị trí động mạch bị tắc nghẽn: Động mạch não nhỏ và động mạch não lớn. Đột quỵ nhồi máu não do tắc động mạch não lớn chiếm khoảng 24 - 46% bệnh nhân nhồi máu não cấp, thường do các cục huyết khối rất lớn và cứng, hầu như không đáp ứng với các thuốc làm tiêu huyết khối, khiến tỷ lệ tử vong rất cao.

Khi bị tắc mạch máu nhỏ, nếu bệnh nhân được phát hiện trong vòng 4 - 5 giờ (kể từ lúc khởi phát các triệu chứng đột quỵ) có thể điều trị hiệu quả bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch.

Trong khi đó, bệnh nhân bị nhồi máu não do tắc động mạch lớn gây ra thương tổn não lan rộng và lâm sàng rất nặng nề, tỷ lệ tử vong rất cao. Tắc động mạch lớn thường do cục huyết khối quá lớn nên dùng thuốc tiêu sợi huyết mang lại hiệu quả thấp, vì vậy phải sử dụng kỹ thuật can thiệp nội mạch.

Thời gian “vàng” để áp dụng kỹ thuật này là trong vòng 6 giờ, từ lúc khởi phát các triệu chứng đột quỵ đến lúc châm kim vào mạch máu để can thiệp đối với vị trí tắc nghẽn ở vòng tuần hoàn trước, và trong vòng 8 giờ đối với vòng tuần hoàn sau.

Trong 2 năm triển khai đề tài nêu trên, các bác sĩ đã tiến hành nghiên cứu đối với 65 bệnh nhân điều trị tại Khoa Thần kinh Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định.

Các bệnh nhân này có độ tuổi 30 - 88, được chẩn đoán nhồi máu não cấp do tắc động mạch não lớn, với các dấu hiệu thiếu sót về thần kinh rõ ràng, liệt nửa người, rung nhĩ…

Theo quy trình điều trị, bệnh nhân khi phát hiện bị đột quỵ sẽ được chụp CT không thuốc cản quang và chuyển nhanh tới Khoa Thần kinh Đột quỵ. Trường hợp bệnh nhân bị tắc mạch máu lớn sẽ được chuyển tới phòng DSA (phòng can thiệp mạch) để thực hiện lấy huyết khối bằng phương pháp mới kết hợp stent và ống thông hút huyết khối.

Tỉ lệ thành công cao, thời gian thực hiện ngắn

Hiện nay, phương pháp can thiệp, lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học qua đường động mạch đã thể hiện được hiệu quả vượt trội so với cách điều trị không đặc hiệu.

Khác với các phương pháp trước đây: Dùng stent lấy huyết khối hoặc dùng ống hút để hút huyết khối một cách riêng rẽ, các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định đã kết hợp cả 2 phương pháp trên trong cùng một lần can thiệp.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ thành công của kỹ thuật là 87,7%. Thời gian can thiệp trung bình 48 phút. Tỷ lệ biến chứng thấp, xuất huyết não nhẹ là 32,2% và nặng 7,6%.

Trong số các bệnh nhân được điều trị theo phương pháp mới của đề tài, có anh Đ.V.V sống ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định. Các bác sĩ chẩn đoán anh bị nhồi máu não cấp do tắc động mạch cảnh trong (mạch não chính).

Ê-kíp sử dụng stent lấy huyết khối, ống thông hút huyết khối đi từ động mạch đùi, dưới hệ thống máy chụp mạch DSA dẫn đường, đưa dụng cụ đi trong lòng động mạch lên đến động mạch cảnh, động mạch đốt sống để tiếp cận các vị trí tắc nghẽn.

Dụng cụ bám chặt lấy huyết khối, khi đó các bác sĩ sẽ kéo dụng cụ để đưa huyết khối ra ngoài, tái thông lòng mạch. Sau can thiệp, bệnh nhân cải thiện sức khỏe nhanh chóng, đi lại được sau 2 ngày.

Tại Việt Nam, hiện chưa có nghiên cứu chi tiết về phương pháp kết hợp stent và ống hút huyết khối trong cùng một lần can thiệp, cũng như đánh giá một cách đầy đủ kết quả.

Việc nghiên cứu, ứng dụng thành công kỹ thuật lấy huyết khối bằng stent phối hợp với ống thông hút huyết khối được xem là bước tiến lớn trong việc điều trị nhồi máu não cấp do tắc động mạch não lớn, nâng cao hiệu quả, chất lượng điều trị và giảm tai biến cho bệnh nhân.

Kết quả nghiên cứu của đề tài có thể chuyển giao cho các bệnh viện trong tỉnh Bình Định, nhất là vùng sâu, vùng xa, di chuyển khó khăn, cũng như các bệnh viện ở các tỉnh lân cận, qua đó góp phần hạn chế tối đa di chứng và tử vong do nhồi máu não cho người bệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ