Phạt cho tồn tại
3 đơn vị bị xử phạt gồm: Công ty TNHH Kỹ thuật Tam Hòa, Công ty Cổ phần Đầu tư NCS Bắc Ninh và Công ty TNHH Fore Shot Việt Nam.
Theo Quyết định số 516/QĐ-XPHC ngày 2/6/2022, Công ty TNHH Tam Hòa, địa chỉ tại phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh đã xây dựng phần móng cọc BTCT, khung cột BTCT Nhà văn phòng, nhà xưởng diện tích khoảng 3.737 mét vuông và toàn bộ tường rào nhà máy, tại lô V-2.2, Đường N1 KCN Quế Võ 2, xã Ngọc Xá, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
Đối với Công ty Cổ phần Đầu tư NCS Bắc Ninh, Quyết định xử phạt số 515/QĐ-XPHC ngày 2/6/2022 của UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ rõ: Công ty này đã xây dựng 3 hạng mục nhà xưởng số 1, 2, 3 có kết cấu móng cọc BTCT, khung cột BTCT, kèo thép tiền chế, mái lợp tôn và các công trình phụ trợ với diện tích khoảng 22.810 mét vuông tại Lô CN-53, KCN Thuận Thành II, xã An Bình, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Tương tự 2 đơn vị trên, Công ty TNHH Fore Shot Việt Nam cũng xây dựng công trình Nhà xưởng sản xuất, văn phòng số 1 và các hạng mục phụ trợ trên khu đất CN-41 - KCN Thuận Thành II, xã Mão Điền và xã An Bình, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh mà không có giấy phép của cơ quan chức năng. Nội dung này được nêu tại Quyết định số 514/QĐ-XPHC ngày 2/6/2022 của UBND tỉnh Bắc Ninh.
Hành vi xây dựng không phép của 3 công ty nêu trên vi phạm Điểm c, Khoản 7, Điều 16 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.
Qua đó, UBND tỉnh Bắc Ninh đã xử phạt mỗi công ty 130.000.000 đồng. Buộc làm thủ tục xin cấp phép trong thời gian 90 ngày. Quá hạn trên, nếu các công ty không xuất trình được Giấy phép xây dựng sẽ bị buộc phá dỡ công trình vi phạm.
Chân tướng 3 công ty xây dựng không phép
3 công ty bị xử phạt kể trên có 2 đơn vị liên quan đến các doanh nhân Trung Quốc, hiện đang làm ăn tại Việt Nam. Doanh nghiệp còn lại thuộc hệ sinh thái của doanh nhân khá kín tiếng tên Chu Quốc Đạt.
Theo tìm hiểu của Báo Giáo dục và Thời đại, Công ty TNHH Kỹ thuật Tam Hòa có thể hiểu là công ty con của Công ty Kỹ thuật Tam Hòa Đông Quản, trụ sở chính tại Trung Quốc. Các đầu mối làm ăn của Tam Hòa Đông Quản hiện đã lan ra nhiều quốc gia như Malaysia, Philippines, Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan.
Năm 2015, Tam Hòa Đông Quản cho mở chi nhánh tại Việt Nam với tên là Công ty TNHH Kỹ thuật Tam Hòa do bà Đào Thị Chi, sinh năm 1990 tại xã Song Khê, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang làm đại diện pháp luật. Đến nay, người đại diện pháp luật được thay đổi là bà Đặng Thị Huyền, sinh năm 1993 tại xã Bằng An, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
Ngày 27/5/2022 Công ty TNHH Kỹ thuật Tam Hòa nâng vốn điều lệ từ 9 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng, bằng nguồn vốn tư nhân.
Theo giới thiệu, Công ty Tam Hòa chuyên nghiên cứu phát triển các thiết bị laser và ứng dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất.
Năng lực sản xuất của Công ty TNHH Kỹ thuật Tam Hòa đạt 1.000 bộ thiết bị, bao gồm gần 100 model của 3 dòng máy là máy hàn laser, máy khắc laser, máy cắt laser. Các thiết bị này áp dụng rộng rãi trong hơn 200 ngành nghề, lĩnh vực như ngũ kim, điện tử, lam ngọc, thiết bị y tế, trang sức, ô tô, viễn thông, in ấn, sản phẩm từ nhựa…
Các sản phẩm của Tam Hòa được hợp tác với các đơn vị nghiên cứu khoa học và các học viện, đại học như Sở Nghiên cứu Quang điện Bắc Kinh, Sở Cơ khí Quang học An Huy, Đại học Khoa học Kỹ thuật Trung Hoa, Học viện Khoa học Đông Quản…
Đối với Công ty TNHH Fore Shot Việt Nam, theo thông tin đăng ký doanh nghiệp, công ty này được thành lập ngày 14/5/2021, trụ sở chính tại CN-41, Khu công nghiệp Thuận Thành II, xã Mao Điền và xã An Bình, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh với vốn điều lệ là 69 tỷ đồng.
Người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Fore Shot Việt Nam là ông Tsai, Chiu Ming, sinh năm 1974, quốc tịch Trung Quốc.
TNHH Fore Shot Việt Nam đăng ký 2 mã ngành kinh doanh là: Mã 2220 - Sản xuất sản phẩm từ plastic: Sản xuất khuôn dập bằng nhựa vỏ máy tính, vỏ bộ định tuyến.
Sản xuất đúc ép nhựa vỏ máy tính, vỏ cục phát tín hiệu, vỏ máy chủ. Mã 2599 – Sản xuất sản phẩm khác bằng kim loại chưa được phân vào đâu: Sản xuất khuôn mẫu và khuôn dập bằng kim loại vỏ máy tính, vỏ bộ định tuyến. Sản xuất dập và tạo hình vỏ cục phát tín hiệu, máy chủ bằng kim loại.
Đối với Công ty Cổ phần Đầu tư NCS Bắc Ninh. Căn cứ vào nội dung văn bản xử phạt của UBND tỉnh Bắc Ninh có thể thấy, đây là doanh nghiệp có quy mô lớn khi chỉ tính diện tích xây dựng không phép đã lên đến 22.000 mét vuông. Để so sánh, với quy mô của một nhà máy sản xuất thiết bị y tế lớn, đạt tiêu chuẩn CE của châu Âu đặt tại Ninh Bình cũng chỉ 18.000 mét vông.
Theo tìm hiểu của Báo Giáo dục và Thời đại, trước tháng 7/2021, Công ty Cổ phần Đầu tư NCS Bắc Ninh có vốn điều lệ là 50 tỷ đồng với phần vốn góp của 3 pháp nhân gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Sơn Linh, trụ sở tại Lô H3-2, Khu công nghiệp Đại Đồng – Hoàn Sơn, xã Tri Sơn, huyện Tiên Du, Bắc Ninh góp 25 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 50% cổ phần.
Pháp nhân thứ 2 là Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Ngãi Cầu, địa chỉ tại thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội góp 22,5 tỷ đồng, tương đương 45% sở hữu tại công ty và pháp nhân cuối cùng là ông Chu Quốc Đạt, Tổng Giám đốc, địa chỉ thường trú tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội nắm 5% cổ phần tương đương 2,5 tỷ đồng.
Đến ngày 19/7/2021, Công ty Cổ phần Đầu tư NCS Bắc Ninh tăng vốn điều lệ lên 80 tỷ đồng bằng hình thức bán cổ phần. Mệnh giá mỗi cổ phần là 10.000 đồng. Tuy nhiên, cơ cấu về cổ đông sở hữu không thấy thay đổi.
Dấu ấn ông Chu Quốc Đạt cũng được thể hiện ở cổ đông lớn của Công ty Cổ phần Đầu tư NCS Bắc Ninh. Cụ thể, tại Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Sơn Linh, ông Chu Quốc Đạt đóng vai trò là thành viên sáng lập với phần vốn góp 3 tỷ đồng. Công ty Sơn Linh có đợt tăng vốn điều lệ gần nhất là tháng 9/2016 khi tăng từ 20 tỷ lên 40 tỷ đồng thông qua hoạt động bán cổ phần.
Thành viên lớn thứ 2 của NCS Bắc Ninh là Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Ngãi Cầu, thành viên này có người đại diện là ông Chu Hoàng Tùng, được cho là họ hàng với ông Chu Quốc Đạt.
Ngoài ra, ông Chu Quốc Đạt còn có tên tại nhiều công ty khác như: Công ty TNHH Thương mại và Hóa chất HD, Công ty Cổ phần Công nghiệp Đại Á, Chi nhánh Công ty Cổ phần Công nghiệp Đại Á – Chi nhánh TPHCM và Công ty Cổ phần Blue Star Bắc Ninh…
Với bề dày hoạt động, quy mô, hệ sinh thái của công ty lớn, đa dạng, nhiều người cho rằng, 3 công ty nêu trên đủ hiểu biết pháp luật về xây dựng nhưng vẫn “vượt rào”. Mức xử phạt 130 triệu đồng cho mỗi công ty là chưa đủ sức răn đe.