Tiếp tục đẩy mạnh tiêm vắc xin
Văn bản nêu rõ, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Dự báo trong những ngày tới số ca mắc có thể còn tăng cao do nhiều ca bệnh không có triệu chứng, nguồn lây tiềm ẩn trong cộng đồng, tần suất di chuyển và mức độ giao lưu của người dân sau nghỉ Tết vẫn rất cao.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu Các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm, chủ động thực hiện các biện pháp PCD trong cộng đồng, trong các cơ quan, đơn vị, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở giáo dục,… Tuyệt đối không được chủ quan lơ là, tự giác khai báo y tế, tuân thủ 5K; khuyến khích người dân tự làm xét nghiệm SARS-CoV-2 khi thấy có dấu hiệu nghi ngờ mắc Covid-19.
Tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú, chợ, siêu thị,…
Các huyện, thành phố chủ động nắm chắc tình hình, rà soát bổ sung, điều chỉnh kịp thời kịch bản, phương án đáp ứng phòng, chống dịch phù hợp với diễn biến cụ thể trên địa bàn, đặc biệt trước khả năng gia tăng đột biến các ca bệnh sau dịp Tết.
Khẩn trương tổ chức rà soát, lập danh sách, thống kê, hoàn thiện Kế hoạch bảo vệ đối tượng thuộc nhóm nguy cơ, hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ cao, tình trạng bệnh nền đang điều trị, tình trạng sức khỏe và nhu cầu hỗ trợ, để được theo dõi. Bên cạnh đó, tiếp cận với các cơ sở y tế sớm nhất khi nhiễm hoặc nghi nhiễm, tránh tình trạng chuyển nặng và tử vong, thời gian xong trước ngày 1/3.
Bắc Ninh đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng mùa xuân, khẩn trương hoàn thành việc tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại theo kế hoạch, đảm bảo tiêm chủng an toàn theo các quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tiếp tục, khẩn trương “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” và lập danh sách toàn bộ người dân trong diện tiêm phòng vắc xin Covid-19.
Đồng thời, thành lập ngay các Đoàn tiêm lưu động để tiêm vắc xin ngay tại nhà cho người không di chuyển được đến điểm tiêm, đảm bảo không để sót ai thuộc nhóm nguy cơ không được tiêm vắc xin theo hướng dẫn của Ngành Y tế.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu trên địa bàn còn đối tượng nguy cơ chưa được quản lý và chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Tăng cường công tác truyền thông, dưới nhiều hình thức, đa phương tiện nhằm nâng cao ý thức của người dân không chủ quan, không hoang mang, hiểu đúng về tác dụng của các loại vắc xin; xây dựng kế hoạch tiêm chủng cho trẻ từ 5-11 tuổi và tổ chức tiêm khi có hướng dẫn của Bộ Y tế.
Kiểm tra công tác phòng chống dịch
Sở Y tế thường xuyên nắm chắc tình hình dịch bệnh, chủ động, kịp thời tham mưu điều chỉnh linh hoạt và hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch trong mọi tình huống dịch bệnh. Cùng với đó, chuẩn bị, bảo đảm nguồn thuốc điều trị Covid-19, phân bổ kịp thời cho các cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 và tại nhà.
Tăng cường phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục và trong các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
Các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của học sinh, phụ huynh và người lao động.
Tất cả các trường hợp nghi mắc, hoặc có các triệu chứng của bệnh phải tự giác ở nhà và khai báo y tế ngay với các cơ quan, đơn vị và y tế địa phương, tuyệt đối không được đi học, đi làm để giảm thiểu tối đa các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất trong doanh nghiệp và hạn chế thấp nhất việc nghỉ học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục.
Các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra đối với công tác phòng, chống dịch của các cơ sở giáo dục và các doanh nghiệp, đảm bảo “trường học an toàn”, “doanh nghiệp an toàn sản xuất và sản xuất phải an toàn”.