Bắc Ninh: Hỏa tốc chỉ đạo phòng, chống dịch trong các khu công nghiệp

GD&TĐ - Bắc Ninh nâng mức cảnh báo chống dịch cao nhất, sẵn sàng ứng phó khi có ca xâm nhập vào các cơ sở y tế, khu công nghiệp…

Bắc Ninh triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Bắc Ninh triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có văn bản hỏa tốc số 2561 về việc tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch trong các Khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn.

Nâng mức cảnh báo chống dịch cao nhất

Văn bản nêu rõ, hiện nay, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh vẫn đang tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp. Đặc biệt, liên quan đến chùm ca bệnh liên quan đến Chi nhánh Viettel Post Lương Tài đã xuất hiện tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh (phường Vân Dương, thành phố Bắc Ninh).

Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn nguồn lây lan dịch bệnh, hạn chế tối đa số người nhiễm SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, đặc biệt là triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch, duy trì sản xuất kinh doanh trong các KCN, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo tỉnh phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, nâng mức cảnh báo chống dịch cao nhất, sẵn sàng ứng phó khi có ca xâm nhập vào các cơ sở y tế, khu công nghiệp,…

Đối với các doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn tỉnh, tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch của Bộ Y tế, tỉnh Bắc Ninh và các quy định có liên quan. Tiếp tục duy trì xét nghiệm (test nhanh hoặc PCR) hàng tuần tối thiểu 20% số lao động đi làm (khuyến khích xét nghiệm tỷ lệ nhiều hơn 20%).

Triển khai các biện pháp PCD trong các khu công nghiệp.
Triển khai các biện pháp PCD trong các khu công nghiệp.

Các doanh nghiệp đã được tập huấn có thể tự xét nghiệm test nhanh gửi kết quả về Sở Y tế/CDC như đã hướng dẫn.

Tại văn bản, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cũng giao Sở Y tế chủ trì, hướng dẫn việc xét nghiệm mẫu gộp bằng phương pháp RT-PCR với số lượng người nhiều nhất trong phạm vi cho phép để tiết kiệm chi phí xét nghiệm. Cùng với đó, tiếp tục triển khai các lớp tập huấn tự lấy mẫu xét nghiệm cho các doanh nghiệp và các huyện, thị xã, thành phố.

Đồng thời, làm việc với các cơ sở y tế đang thực hiện lấy mẫu xét nghiệm cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để có biện pháp hỗ trợ giảm giá chi phí xét nghiệm cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Ban quản lý các KCN Bắc Ninh chủ trì, yêu cầu các doanh nghiệp không được tính chi phí xét nghiệm, tiền ăn và các chi phí chống dịch khác vào tiền lương, thưởng và tiền tăng ca của người lao động.

Cũng theo văn bản, việc đi lại giữa các tỉnh, thành phố khác với tỉnh Bắc Ninh, người lao động phải sử dụng xe ô tô đưa đón tập trung người lao động đi lại hàng ngày giữa các tỉnh khác/thành phố khác (không áp dụng chỉ thị 16/CT-TTg) với tỉnh Bắc Ninh (không sử dụng xe máy; hàng tuần xét nghiệm 100% số lao động đi lại hàng ngày về các tỉnh/thành khác).

Đối với người lao động đi/về từ Hà Nội: Không thực hiện việc đưa đón người lao động đi lại hàng ngày giữa thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh.

Các doanh nghiệp bố trí chỗ ở cho người lao động ở lại Bắc Ninh làm việc cho đến khi thành phố Hà Nội không còn áp dụng chỉ thị 16/CT-TTg.

Bố trí nhân viên y tế (hoặc người đã được tập huấn) để lấy thêm mẫu test nhanh ngay tại cổng nhà máy đối với những người có nguy cơ cao (lái xe, nhân viên giao hàng, khách hàng từ tỉnh/thành khác,…)

Theo văn bản, người lao động được xác định là các công nhân, nhân viên văn phòng, chuyên gia, người nước ngoài, lãnh đạo công ty.

Thực hiện nghiêm túc “2 địa điểm, 1 cung đường”

UBND tỉnh cũng chỉ đạo Ban quản lý các KCN Bắc Ninh căn cứ vào tình hình thực tế, bố trí các Tổ kiểm tra theo Quyết định số 634/QĐ-UBND để đôn đốc, kiểm tra những nhà máy có nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh. Cùng với đó, yêu cầu các doanh nghiệp không tuyển lao động thời vụ.

Đồng thời, tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp bố trí cho công nhân ăn đủ 3 bữa tại công ty, những trường hợp ca làm không thể bố trí ăn bữa thứ 3 tại nhà máy thì xem xét việc bố trí suất ăn cho công nhân mang về trên tinh thần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các công ty bố trí sắp xếp thời gian làm việc, ăn ca hợp lý để công nhân khi về phòng trọ/nơi ở không phải nấu ăn/đi chợ. Các doanh nghiệp yêu cầu công nhân ký cam kết thực hiện nghiêm túc “2 địa điểm, 1 cung đường”.

Yêu cầu các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch chi tiết, chuẩn bị sẵn sàng phương án 3 tại chỗ để triển khai thực hiện nếu tình hình dịch bệnh có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.

Giao Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất các trường học để các Công ty đưa công nhân vào ở khi có yêu cầu.

Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố: Tăng cường hơn nữa các biện pháp quản lý công nhân tại các khu nhà trọ, yêu cầu chủ phòng trọ quản lý công nhân không ra khỏi nơi ở sau 21 giờ (trừ trường hợp đi làm và có lý do đặc biệt).

Đối với các doanh nghiệp ngoài KCN sẽ căn cứ tình hình thực tế và điều kiện sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp.

Các sở gồm Công Thương, Lao động – TB&XH và UBND các huyện, thị xã, thành phố lựa chọn các biện pháp cụ thể để hướng dẫn người lao động thực hiện theo các Quyết định, văn bản quy định đã ban hành đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, duy trì sản xuất kinh doanh.

Trước đó, ngày 16/8 (trong 24 giờ), tỉnh Bắc Ninh ghi nhận thêm 20 ca dương tính với SARS-CoV-2 mới liên quan đến chùm ca bệnh Viettel Post chi nhánh huyện Lương Tài. Trong đó 2 ca phát hiện qua sàng lọc cộng đồng là shipper của chi nhánh này và 18 ca là F1 của các F0 trong chùm ca Viettel Post được lấy mẫu lần 1. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.