Tiếp tục giảm điểm trường
Năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh Bắc Kạn có 280 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và 9 trung tâm giáo dục (trong đó có Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh và 7 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện).
Sau khi tiến hành rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, hệ thống trường lớp tỉnh Bắc Kạn được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả, giảm số trường lẻ. Theo thống kê, trong năm học 2024-2025, toàn tỉnh giảm 2 trường so với năm học 2023 - 2024 do sáp nhập, số trung tâm giáo dục không thay đổi; dự kiến còn 399 điểm trường, giảm dự kiến 25 điểm so với năm học 2023 - 2024.
Nhờ sắp xếp mạng lưới khoa học, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, thư viện, phòng bộ môn tại các trường được cải thiện rõ rệt và từng bước được đầu tư, phát triển theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.
Nhiều trường học được xây dựng khang trang, sạch đẹp vừa phục vụ cho việc dạy học, vừa phục vụ cho an sinh xã hội, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học của các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn huyện.
Đây là tiền đề giúp cho công tác quản lý cũng như duy trì, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục ở mỗi nhà trường, giảm đầu mối quản lý, tăng hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.
Đối với những trường, điểm trường đủ điều kiện thực hiện dồn ghép, học sinh được đưa ra trường chính, nhất là học sinh từ lớp 3 trở lên để đảm bảo thuận tiện cho việc học tập của học sinh và công tác quản lý của nhà trường, những xã có địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, địa hình cách trở, học sinh không thể ra trường chính để học thì vẫn duy trì những điểm trường lẻ.
Trường Tiểu học Xuất Hóa và trường THCS Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn thực hiện sáp nhập thành trường TH&THCS Xuất Hóa từ tháng 8/2024. Năm học 2024 - 2025, toàn trường có 15 lớp học với 477 học sinh. Trong đó, cấp THCS 5 lớp, tiểu học 10 lớp. Sau khi sáp nhập, nhà trường kiện toàn bộ máy tổ chức, sắp xếp đội ngũ giáo viên và triển khai nhiệm vụ năm học phù hợp với từng cấp học.
Ông Phan Thế Việt - Hiệu trưởng trường TH&THCS Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn cho biết: Ngay sau khi có quyết định sáp nhập, chúng tôi đã tham mưu với cấp trên kiện toàn hội đồng trường, kịp thời đưa nhà trường vào hoạt động ngay từ đầu năm học. Trường cũng bố trí cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên theo đúng quy định, điều lệ của trường TH&THCS, đảm bảo cho năm học mới.
Đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục
Ông Hoàng Văn Duy - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) chia sẻ: Năm học 2024 - 2025, phòng GD&ĐT quản lý 31 trường, trong đó có 11 trường mầm non, 9 trường tiểu học, 3 trường Tiểu học và THCS, 8 trường THCS. So với năm học 2023 - 2024, giảm được 8 điểm trường, trong đó mầm non giảm 1, tiểu học giảm 7 điểm trường.
"Thực hiện chỉ đạo về việc sắp xếp trường, lớp và dồn ghép điểm trường lẻ, thời gian qua, phòng Giáo dục và Đào tạo đã triển khai, hướng dẫn các đơn vị trường học xây dựng, dự báo kế hoạch phát triển giáo dục. Các trường căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dồn ghép các điểm trường lẻ, các đơn vị trường học còn gặp khó khăn, vướng mắc như địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, dân cư không tập trung, nhận thức của một số người dân còn hạn chế, cơ sở vật chất cho học sinh bán trú tại điểm trường chính không đáp ứng...
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo nguyên tắc tạo thuận lợi cho việc học tập của học sinh gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông; khắc phục tình trạng nhiều điểm trường lẻ, trường học có quy mô nhỏ, chất lượng giáo dục chưa cao" - ông Duy cho biết thêm.
Trong các năm học tới, ngành Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động trẻ ra lớp, đưa trẻ, học sinh về học tại trường chính hoặc các điểm trường trung tâm nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc, giáo dục.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện sắp xếp hợp lý, tinh gọn mạng lưới trường, lớp; quan tâm đầu tư xây dựng nhà bán trú cho các trường ở vùng sâu, vùng xa để huy động học sinh từ điểm trường ra trường chính; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, từng bước thay thế các phòng học có diện tích nhỏ, phòng học xuống cấp...