Thân nhân Bạc Hy Lai xác nhận cựu chính trị gia này chống án và “không loại trừ việc ông sẽ công bố một số tài liệu đen” liên quan tới một số quan chức cấp cao tại phiên tòa phúc thẩm”. Điều này làm dấy lên những lời đồn đoán về những cái tên có thể bị Bạc Hy Lai nêu ra tại tòa khi quyết định “lật tung chăn” vì “không còn gì để mất”.
Bạc Hy Lai tại tòa án |
Cấp trên nào bao che Bạc Hy Lai?
Tờ Minh Báo nhắc lại lời tự biện hộ của Bạc Hy Lai trước tòa được công bố sau phiên xử, trong đó có đoạn khi nói về mối quan hệ với Chủ tịch tập đoàn Thực Đức Từ Minh: “Những người có quan hệ mật thiết với tôi kiểu như ông ta, tôi có thể kể ra cả trăm cái tên” và đã ngầm ám chỉ mình có trong tay những “tài liệu đen” về các quan chức cấp cao.
Minh Báo còn viết: Trước khi khai mạc phiên tòa, gia đình họ Bạc đã nhắn nhe: Nếu bị xử quá nặng sẽ không loại bỏ việc công bố “những tài liệu khủng”, được hiểu là Bạc đang nắm giữ những “tài liệu đen” về nhiều quan chức cao cấp.
Trong phiên xử sơ thẩm, Bạc Hy Lai đã nói ông ta làm theo “Chỉ thị 6 điểm” của cấp trên nên mới bịa ra chuyện “Vương Lập Quân bị trầm cảm nghiêm trọng” để áp dụng biện pháp “nghỉ hưu chữa bệnh”. Cấp trên ấy được cho là Chu Vĩnh Khang.
GS Đàm Thiên Lượng - Nhà phân tích thời sự - nhận xét: Lời khai khi đó của Bạc Hy Lai thể hiện nỗ lực muốn kéo Chu Vĩnh Khang vào cuộc. Nay ông ta chống án, rất có khả năng người bị “kéo xuống nước” là Chu Vĩnh Khang.
Nhà báo Kim Chung - Chủ biên tạp chí Mở cửa cho rằng, vòng vây quanh Chu Vĩnh Khang đang ngày càng thu hẹp, đầu tiên là loại bỏ thân tín, thuộc hạ, mục tiêu đã rất rõ. Còn tờ Minh Báo phán đoán, cái tên mà Bạc Hy Lai đưa ra khi đã ở vào thế cùng với ý định “cùng chết” không phải Chu Vĩnh Khang mà là người khác, to hơn nhiều…
Một điều khác lạ là trong khi báo chí hải ngoại đều đưa tin Bạc Hy Lai chống án thì báo chí trong nước không hề đưa tin xác nhận hay phủ nhận. Tuy nhiên, trang web của Tân Hoa xã hôm 26/9 đã đăng lại bài báo của Nhật báo Pháp chế nhan đề Thử phân tích vấn đề định tội lượng hình vụ án Bạc Hy Lai với hàm ý chuẩn bị dư luận để bác bỏ đơn kháng án của Bạc Hy Lai.
Tờ Trung Quốc nhật báo, bản tiếng Anh là China Daily đăng bình luận: “Sự phán quyết đối với Bạc Hy Lai thể hiện: Không có phần tử tham nhũng nào có thể lẩn tránh được cuộc chiến đấu này”.
Bạc Hy Lai mất cơ hội chống án tại tòa
"Việc Bạc Hy Lai chống án không lạ, nhưng khả năng thành công rất nhỏ. Cơ hội tòa án thay đổi phán quyết là vô cùng nhỏ" GS luật Hạ Vệ Phương của Đại học Bắc Kinh |
Trước phiên tòa tuyên án hôm 22/9, dư luận đồn đoán Bạc Hy Lai sẽ tuyên bố chống án ngay tại tòa, nhưng thực tế đã không xảy ra.
Tờ Minh Báo phân tích: Theo lời kể của những người được dự thính, sau khi nghe quan tòa tuyên đọc mức án chung thân, Bạc Hy Lai đùng đùng nổi giận, gào lớn: “Phán quyết không công bằng! Sai trái nghiêm trọng! Đã không công khai, cũng không công bằng!”.
Hai cảnh sát phiên tòa lập tức còng tay ông ta lại. Qua hình ảnh được trích phát trên truyền hình sau đó, người ta có thể thấy khi đó Bạc Hy Lai tỏ ra rất kích động. Khi ông ta bị hai cảnh sát giữ tay, bóp vai, kẹp chân, cưỡng bức đưa đi, rõ ràng là ông muốn nói thêm.
Thông thường, sau khi tuyên án, bao giờ Chánh án cũng sẽ hỏi: “Bị cáo có chống án không?”. Nhưng do chánh án chưa đọc dứt câu, Bạc Hy Lai đã gào lên nên ông ta bị còng tay, kẹp nách lôi đi ngay nên không thể tuyên bố chống án tại tòa được.
Ngày 23/9, chỉ một ngày sau khi Tòa án trung cấp Tế Nam tuyên phạt cựu Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh mức án chung thân, tịch thu gia sản; các hãng thông tin nước ngoài như Reuters, AFP và báo chí Hongkong (tờ Văn Hối) đều đưa tin Bạc Hy Lai đã ủy quyền cho luật sư liên hệ với Tòa án cao cấp tỉnh Sơn Đông, tuyên bố chống án, không chấp nhận phán quyết của tòa.
Cơ hội chống án thành công rất nhỏ
Theo quy định của Luật Tố tụng hình sự Trung Quốc, Tòa án cao cấp tỉnh Sơn Đông sẽ chuyển đơn chống án cho Tòa án trung cấp Tế Nam, trong vòng 3 ngày Tòa án Tế Nam phải chuyển hồ sơ, chứng cứ vụ án lên Tòa án Sơn Đông.
Phiên tòa phúc thẩm đồng thời là chung thẩm sẽ diễn ra trong vòng 2 tháng sau đó và bị cáo sẽ không được chống án nữa. Dư luận cho rằng: Khả năng Bạc Hy Lai chống án thành công rất nhỏ. GS luật Hạ Vệ Phương của Đại học Bắc Kinh nói, Bạc Hy Lai phải nộp đơn kháng cáo trước ngày 8/10, Tòa án Sơn Đông cần phải xem xét và xét xử trong vòng 2 tháng, “nhưng có thể không xử công khai mà chỉ trên giấy tờ”.
Trước đây, năm 2008, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư, Thị trưởng Thượng Hải Trần Lương Vũ bị kết án 18 năm tù vì tội tham nhũng, ông ta đã quyết định không chống án. Năm 1998, Cựu Ủy viên BCT, Thị trưởng Bắc Kinh bị phạt 16 năm tù vì tội tham nhũng đã kháng cáo, nhưng bị bác bỏ, giữ nguyên mức án.