Bác Hồ ở Boston (Mỹ): Dấu chân của tự do và kiêu hãnh

Bác Hồ ở Boston (Mỹ): Dấu chân của tự do và kiêu hãnh

(GD&TĐ) - Đã từ lâu, tôi có ý nguyện muốn lần theo dấu chân Bác, tìm đến những nơi Bác đã từng đặt chân trên con đường bôn ba hải ngoại cứu nước, đặc biệt là nước Mỹ. 

Thế rồi, một người bạn thân - Tiến sỹ Ngô Như Bình - Giáo sư dạy Đại học Harvard biết tâm nguyện đó của tôi, liền tài trợ cho tôi một chuyến đi thỏa ước nguyện: Theo dấu chân Bác Hồ tại Boston (bang Massachusetts, Mỹ) - nơi Bác Hồ từng lưu lại kiếm sống, trang bị cho mình những kiến thức đầu tiên trên bước đường hoạt động cách mạng đầy gian truân hồi đầu thế kỷ 20. 

Cuộc viễn du tìm hình bóng của Người

Sau 30 giờ bay với hai lần quá cảnh ở In cheon và Atlanta, tôi đã đến Boston - Thủ phủ bang Masachuset - Nơi được mệnh danh là “Tinh thần của nước Mỹ”. Thiên nhiên ở đây ngày tôi đến đẹp như mơ. Cỏ non xanh rợn chân trời. Hai bên đường rừng cây ngút ngàn chạy dài hàng trăm cây số không hết. Những ngôi biệt thự trắng xây theo kiểu Anh lấp ló dưới tán lá rừng.

Hoa oải hương tím ngắt ngập tràn các lối đi. Hoa tử đinh hương nở từng bụi trước hiên nhà. Không gian ngào ngạt hương, đẫm vào vai áo người qua đường, đến khi mở cửa còn mang theo cả mùi hoa vào nhà. Bầu trời xanh trong vắt không mây, thoảng lại có đàn vịt giời hay ngỗng bay ngang lấp loáng trong cái nắng vàng như kén tằm…

Bác chọn Boston chứ không chọn New York là sự tình cờ hay có chủ đích? Tất nhiên, đối với các vĩ nhân thì lời nói và hành đông của họ đều có mục đích sâu xa cả. New York thể hiện sự hùng cường của nước Mỹ nhưng Boston lại là tinh thần của nước Mỹ, nơi mỗi bước đi lại thấy sự hiện diện của lịch sử giải phóng đất nước này và đó mới chính là cái đích của Bác.  

Tác giả bên bức ảnh Hồ Chủ tịch ở khách sạn Omni Parker House
Tác giả bên bức ảnh Hồ Chủ tịch ở khách sạn Omni Parker House
 

Con đường hào hùng và kiêu hãnh

Tôi đến khách sạn Omni Parker House, nơi duy nhất trên đất Mỹ còn lưu giữ được những kỷ niệm về Bác Hồ. Vị giám đốc điều hành thấy tôi là người Việt Nam đến đây muốn tìm hiểu về Bác nên bắt tay tôi ân cần và thân chinh dẫn tôi lên tầng hai, nơi có phòng truyền thống của khách sạn. Trong một khung kính trang trọng có tấm ảnh Bác lúc còn là Nguyễn Ái Quốc bôn ba tìm đường cứu nước. Bức hình bên cạnh là cái bàn mà Bác làm bánh và những dòng giới thiệu sau đây: “Nguyễn Ái Quốc, danh nhân văn hóa thế giới, ngài đã từng làm thợ bánh ở đây vào năm 1912 - 1913. Sau đó, ngài lãnh đạo cuộc cách mạng mùa thu 1945 và trở thành Hồ Chí Minh, Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

Ông giám đốc chỉ tấm ảnh chụp cái bàn làm bánh của Bác, lấy làm tiếc vì nó không còn nữa. Ông bảo sẽ cho phục chế nếu Chính phủ Việt Nam yêu cầu, để phục vụ truyền thống và du lịch. Cũng theo ông giám đốc giới thiệu, nhờ có Bác từng làm việc ở đây mà khách sạn Omni Parker House của ông vào danh sách “Những khách sạn nổi tiếng có liên quan đến lịch sử nước Mỹ”. 

Ông tặng tôi cuốn sách đó. Tôi đọc mục Omni Parker House và thấy ghi: Năm 1933, Tổng thống Roosevelt viết thư yêu cầu ông chủ khách sạn cho Tổng thống công thức loại bánh mỳ tròn nổi tiếng riêng của Omni Parker House để Tổng thống thết khách tại Nhà Trắng.

Tôi hỏi ông chủ khách sạn:

- Đây có phải loại bánh mà Nguyễn Ái Quốc đã làm không?

Ông chủ khách sạn trả lời:

- Chính nó đấy.

Omni Parker House còn là nơi nhà văn Anh Charles Dickens sống trong thời gian lưu lại Mỹ năm 1868 và cho ra mắt tại đây tác phẩm nổi tiếng Khúc thánh ca Noel. 

Tại đây năm 1947, John Kennedy họp báo tuyên bố ra tranh cử nghị sỹ, mở đầu sự nghiệp chính trị của ông sau này. Năm 1955, ông làm lễ đính hôn và cưới Jacqueline cũng tại Omni Parker House.

Ông giám đốc còn nói với tôi:

- Từ khi biết đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam đã từng làm việc, có rất nhiều khách quốc tế đến nghỉ để thưởng thức món bánh mà Hồ Chí Minh đã làm. Nhờ thế khách sạn của chú́ng tôi ngày càng có tiếng hơn. Giá thuê khách sạn một ngày đêm hiện nay là 200 đô la, còn hồi Nguyễn Ái Quốc làm chỉ có 5 đô la thôi.

Cũng theo lời ông chủ khách sạn, tương truyền rằng, hồi Bác đến làm việc, khi người ta hỏi Bác là người nước nào, Bác cười bảo: “Tôi là người Việt Nam”. Lúc đó không ai biết Việt Nam ở đâu. Thấy vậy, Bác bèn kéo mọi người đến chỗ bản đồ treo trên tường chỉ cho họ. Mọi người gật gù bảo đó là thuộc địa Pháp. 

Bác nghỉ ở khu China town và thường tham gia câu lạc bộ Saturday (Thứ bảy). Đó là câu lạc bộ của những nhà dân chủ, nhà lập hiến, lập pháp cổ súy cho các dân tộc thuộc địa đứng dậy giành tự do…

Tôi mua ly cà phê trong khách sạn 12 đô và ngồi uống một mình tại Omni Parker House để suy nghĩ về Bác. Tôi tưởng tượng ra con đường Bác đi mỗi ngày sau giờ làm việc: Qua nghĩa trang Giải Phóng - nơi 7 dân binh đầu tiên Mỹ đã ngã xuống mở đầu cuộc chiến tranh giải phóng; Qua con đường Tự Do in dấu vó ngựa Washington và ước mơ “Tự do cho giấc mơ Mỹ” của ông; Rồi đến đài tưởng niệm Jefferson với Tuyên ngôn nhân quyền lừng danh, là tiêu chí của loài người “Mọi người sinh ra đều bình đẳng, tạo hóa ban cho họ những quyền mà không ai có thể chối cãi được, đó là quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”; Với câu lạc bộ Saturday và tam quyền phân lập Mỹ, cổ súy cho các dân tộc thuộc địa đứng dậy giành tự do. Tôi nghĩ đến cả những nguyên cớ mà Bác đã đưa dân tộc ta theo con đường của hạnh phúc, tự do và độc lập.

Mai Vũ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ