“Bác còn sống mãi” trong từng câu chuyện, bài giảng

“Bác còn sống mãi” trong từng câu chuyện, bài giảng

Dù thời gian năm học không còn nhiều nhưng các nhà trường tại Nghệ An vẫn có hoạt động thiết thực, linh hoạt ý nghĩa cho sự kiện đặc biệt này. Qua đó bồi đắp tình yêu quê hương đất nước, góp phần hình thành nhân cách, tư tưởng, giá trị sống cho mỗi thế hệ học sinh. 

Từ trang viết đến hành động

“Được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương Bác, em càng tự hào, yêu quý, luôn học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đoàn trường THPT Kim Liên đã giúp chúng em có cơ hội được tham gia vào công tác tiếp khách du lịch và tìm hiểu thêm về Bác. Ngoài ra, còn tổ chức dâng hương, dâng hoa để báo công cũng như tri ân công lao to lớn của Bác. Chính những hoạt động đầy ý nghĩa ấy, đã truyền cho em thêm động lực để không ngừng học tập và rèn luyện mình…”, đó là một đoạn trong bài dự thi “Bác Hồ trong trái tim thanh thiếu niên Nghệ An” của em Trần Thị Anh Chi (học sinh lớp 10C1, Trường THPT Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An). 

Cuộc thi do Đoàn trường tổ chức nhằm hướng đến kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chỉ một thời gian ngắn phát động, nhiều bài viết hay, xúc động của học sinh đã gửi về. Trong đó, các em đều thể hiện sự yêu kính, biết ơn công lao của Bác Hồ và thế hệ cha ông đi trước cho hòa bình độc lập hôm nay. Đồng thời, không quên tự hào là những người con được sinh ra trên quê hương của Người.

Ngoài phát động cuộc thi “Bác Hồ trong trái tim thanh thiếu niên Nghệ An”, trường còn tổ chức cuộc thi kể chuyện về Người với hình thức trực tuyến. Theo đó, học sinh sẽ kể chuyện, tự quay clip chuyển cho Ban Chấp hành Đoàn trường. Các clip này được chấm sơ khảo, sàng lọc và đăng trên trang Facebook của Trường THPT Kim Liên. Thầy Trần Văn Huy – Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh – Trường THPT Kim Liên cho biết: Đây là sự linh hoạt của nhà trường trong điều kiện thời gian học ở trường của học sinh không còn nhiều. Các em có thể tập trung làm việc nhóm, kể chuyện, quay clip tại nhà, hay tại quê nội, quê ngoại của Bác… Qua đó, học sinh tự tìm hiểu nhiều thông tin, tăng cường kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin…

Thầy Dương Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên cho biết thêm: Nhà trường cũng phối hợp với Ban Quản lý Khu Di tích Kim Liên triển khai kế hoạch “Giáo dục đạo đức và kỹ năng sống cho học sinh thông qua tổ chức các hoạt động trải nghiệm”. “Thời gian qua, học sinh nhà trường được đến tham quan, dâng hương, dâng hoa báo công với Bác. Đồng thời có trách nhiệm vệ sinh môi trường, giữ cảnh quan xanh - sạch - đẹp, hỗ trợ công tác giữ an toàn giao thông. Mỗi học sinh là một hướng dẫn viên cung cấp thông tin hữu ích cho du khách về tham quan quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh”, thầy Sơn nói.

Học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh bằng hoạt động thiết thực

Trường Tiểu học Làng Sen (xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An) cũng có nhiều hoạt động hướng đến kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cô Đoàn Thị Dung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Làng Sen cho hay: Hoạt động giáo dục truyền thống được nhà trường xây dựng thành các chủ đề xuyên suốt trong năm học. Năm nay, do thời gian năm học bị gián đoạn, vì thế, nhiều chủ đề hoạt động được linh hoạt, tinh giản cho phù hợp. Mỗi ngày, nhà trường sẽ phát thanh các bài hát về Bác, quê hương Kim Liên, Nam Đàn, hoặc các câu chuyện xúc động về cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Đồng thời tổ chức thi kể chuyện về Bác Hồ trong phạm vi lớp học.

Ngoài hoạt động trải nghiệm, các trường cũng thông qua việc tích hợp liên môn để giáo dục học sinh học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Sáng kiến kinh nghiệm “Tích hợp kiến thức liên môn và tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh vào dạy học Lịch sử Việt Nam giai đoạn 1945 – 1954” của cô Lê Thị Thành (GV Trường THPT Nghi Lộc 4) vừa được công nhận đoạt loại A cấp tỉnh. Cô Thành chia sẻ: Để học sinh yêu lịch sử, hiểu và học tập tấm gương đạo đức, tư tưởng của Bác không dễ. Vì lâu nay tâm lý các em đều ngại lý luận, lý thuyết, sợ phải ghi nhớ con số, sự kiện. Việc tích hợp kiến thức nhiều môn học sẽ khiến các em hứng thú, chủ động và tiếp thu hiệu quả hơn.

Ví dụ, khi giáo dục học sinh về tình thương người bao la của Bác, sẽ học qua hình thức sân khấu hóa, diễn kịch Bác Hồ đi thăm chiến sĩ, bộ đội theo bối cảnh bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ” và lồng vào thời điểm lịch sử là chiến dịch Biên giới Thu Đông. “Có em đóng Bác Hồ, em đóng bộ đội, có em lại đóng vai phóng viên chiến trường để ghi lại sự việc. Vở kịch được ghi lại clip, sau đó chiếu cho cả lớp xem và đưa ra các chủ đề, câu hỏi cho học sinh thảo luận”, cô Thành nói.

Cũng theo cô Thành, bằng việc đóng vai, các em sẽ thấy được tình thương của Bác thể hiện thế nào? Sự gian khổ trong cuộc kháng chiến chống Pháp ra sao? Chiến dịch diễn ra vào thời gian nào, địa điểm ở đâu? Từ đó, học sinh vừa có kiến thức lịch sử, văn học, địa lý và cả giáo dục quốc phòng… “Chọn cách dạy học này, tôi biết sẽ khó khăn để lên kế hoạch, chuẩn bị, đặc biệt tư tưởng Hồ Chí Minh rất rộng lớn. Nhưng sau đó, học sinh sẽ chủ động, những tiết học khô khan, cứng nhắc trở nên sôi nổi, hào hứng. Việc học tập đạo đức, tư tưởng của Bác Hồ cũng trở nên cụ thể, dễ tiếp thu và thiết thực trong cảm xúc và đời sống của học sinh”, cô Lê Thị Thành nói.

80 học sinh tham gia chương trình cầu truyền hình trực tiếp tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/5. Dù chỉ đóng vai trò nhỏ, nhưng qua chương trình là dịp để lắng nghe thêm nhiều câu chuyện, gặp gỡ nuôi dưỡng cho các em lòng tự hào được sinh ra trên quê hương là cái nôi cách mạng. - Cô Đoàn Thị Dung 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ