Bác coi đầu tư cho GD tạo nên sự phát triển bền vững

Bác coi đầu tư cho GD tạo nên sự phát triển bền vững
TS Chu Đức Tính
TS Chu Đức Tính

PV: Nghiên cứu nhiều tư liệu về Hồ Chủ tịch, ông có nhận xét như thế nào về tình cảm, sự quan tâm của Bác dành cho sự nghiệp giáo dục – đào tạo?

TS Chu Đức Tính: Thay cho câu trả lời, tôi xin kể câu chuyện này: Vào những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm 1969, Bác bị ốm nặng và phải nằm liệt giường nhưng trong những ngày cuối đời này, Người vẫn thể hiện trách nhiệm trước Đảng, trước dân, vẫn quan tâm sâu sát đến vận mệnh đất nước, đời sống nhân dân. Khi tỉnh dậy, thấy một cô gái ở trong phòng, Bác hỏi đồng chí Vũ Kỳ sao lại có cháu gái này ở đây, lỡ lộ bí mật thì sao (vì Bác sợ tin Bác ốm lan ra khiến đồng bào cả nước lo lắng), đồng chí Vũ Kỳ - thư ký riêng của Bác thưa: Thưa Bác, đó là các cháu y tá ở Viện 108, đã được tuyển chọn và huấn luyện nên biết cách giữ bí mật. Khi biết như vậy, Bác hỏi sao có cháu gái ở đây mà không có hoa. Đồng chí Vũ Kỳ bèn ra ngắt những bông hoa hồng ngoài vườn cắm vào trong lọ khiến không khí ốm đau, bệnh tật trong phòng như được xua đi.

Những ngày đó, mưa to suốt ngày nên các đồng chí định đưa Bác đi sơ tán nhưng Bác không chịu, Bác nói nhất định Bác không bỏ dân mà đi sơ tán một mình, chú Đồng (cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng – PV) phải trực tiếp đi phân lũ. Rồi Bác lại hỏi việc chuẩn bị lễ Quốc khánh đến đâu rồi, nếu hôm đó Bác khỏe lại, Bác sẽ ra nơi tổ chức buổi lễ một lúc cho nhân dân đỡ lo…

Và trong rất nhiều việc Bác đề cập đến trước lúc đi xa, Người đã nhắc đến ngành GD bằng sự quan tâm đặc biệt. Bác nói: Sắp khai giảng rồi, chú Kỳ thử hỏi bên ngành GD đã lo được nhiều sách giáo khoa cho các cháu chưa chứ Bác đi kiểm tra, Bác thấy sách giáo khoa hiếm quá! Các chú nên phát động phong trào sử dụng sách của người trước dành lại cho các đàn em phía sau. Và cố gắng in thêm sách giáo khoa để các cháu có điều kiện học tập.

Như vậy, ngay cả lúc đã sắp đi vào cõi vĩnh hằng, Người vẫn nhớ tới các cháu HS, bày tỏ sự quan tâm lo lắng trước những khó khăn của ngành GD và chỉ đạo những người có trách nhiệm lo cho sự nghiệp GD-ĐT.

Một câu chuyện nữa cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Bác dành cho ngành GD. Đó là đọc trên báo thấy bài viết nào về các tấm gương “người tốt, việc tốt” trong ngành GD, Bác phê vào đó dòng chữ “Gửi tặng một huy hiệu”. Sau đó, các đồng chí ở Phủ Chủ tịch phải đi kiểm tra lại, nếu thấy đúng người, đúng việc thì sẽ tặng huy hiệu. Cách làm này của Bác đã động viên rất kịp thời những tấm gương sáng trong ngành GD, khiến các thầy cô giáo và các em HS càng cố gắng phấn đấu dạy tốt và học tốt. 

Thế hệ trẻ hôm nay học được từ Bác rất nhiều, trong đó có ý chí và tinh thần tự học
Thế hệ trẻ hôm nay học được từ Bác rất nhiều, trong đó có ý chí và tinh thần tự học

PV: Thưa ông, Bác Hồ luôn dành sự ưu ái, quan tâm đặc biệt cho GD, cho đội ngũ GV và HS, vậy ngược lại, việc đề cao vai trò của GD đã giúp ích gì cho Bác – với cương vị đứng đầu Nhà nước - trong quá trình lãnh đạo đất nước?

TS Chu Đức Tính: Có thể nói, việc đề cao vai trò của GD đã giúp cho Hồ Chủ tịch rất nhiều khi phải giải quyết nhiều vấn đề khó khăn của đất nước trong những ngày đầu Cách mạng mới thành công. Ngay sau ngày đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Bác đã nêu lên 6 nhiệm vụ cấp bách của đất nước, trong đó có 3 nhiệm vụ hàng đầu là diệt giặc đói – giặc dốt – giặc ngoại xâm. Hồi đó chưa có khái niệm “GD là quốc sách hàng đầu” nhưng Bác đã ý thức được sức mạnh của tri thức và coi “giặc dốt” nguy hiểm không kém “giặc đói” và “giặc ngoại xâm”. Bác quan niệm muốn giải phóng đất nước và vực dậy nền kinh tế, người dân phải biết chữ, nên đã phát động phong trào Bình dân học vụ.

Nhưng tầm nhìn xa trông rộng của Bác còn thể hiện ở nhiều vấn đề khác, trong đó có vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai. Ngay trong những ngày chiến tranh, Bác đã hoạch định chiến lược gửi cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài, thậm chí học một số ngành mà thời bấy giờ nghĩ là không thực tế, như Vật lý hạt nhân bởi Bác cho rằng đầu tư cho GD chính là tạo nên sự phát triển bền vững. Nhờ đó, sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, nước ta mới có một đội ngũ cán bộ giỏi ở nhiều chuyên ngành, lĩnh vực, là hạt nhân xây dựng thắng lợi CNXH trong tương lai, như lời chỉ dạy của Hồ Chủ tịch lúc Người còn sống.

Bên cạnh ý thức đào tạo người tài cho đất nước, Bác còn luôn trọng dụng nhân tài. Trong cách dùng người, Bác luôn tin dùng những người có trình độ cao, những trí thức yêu nước như GS Nguyễn Văn Huyên, GS Tôn Thất Tùng, TS luật học Hồ Đắc Điềm, kỹ sư Phạm Quang Lễ… Bác trọng dụng nhân tài thực sự, trọng dụng lâu dài và có tính chiến lược, tạo điều kiện cho họ phát huy khả năng, cho họ được học tập, bồi dưỡng để nâng cao trình độ.

Bản thân Bác cũng luôn tự học để không ngừng nâng cao khả năng hiểu biết của mình.

PV: Bác Hồ nổi tiếng là người giỏi nhiều ngoại ngữ. Điều đáng nói là Bác học trong điều kiện rất khó khăn, thiếu thốn, trong khi hiện nay, nhiều bạn trẻ có đầy đủ điều kiện và phương tiện học tập nhưng học môn gì cũng chàng màng, không đến nơi đến chốn. Vậy, ông cho rằng động lực nào khiến Bác có ý chí và tinh thần tự học như vậy?

TS Chu Đức Tính: Nói đến Bác là nói đến tấm gương tự học. Hiện nay, không biết chính xác Bác biết bao nhiêu ngoại ngữ, nhưng theo Bộ trưởng Tạ Quang Bửu, Bác biết 13 ngoại ngữ, còn theo ông Giô-han-sơn (họa sĩ Thụy Điển đã từng sống cùng Bác ở Mátxcơva năm 1924 và vẽ chân dung Bác rất đẹp), Bác biết 24 ngoại ngữ. Bản thân Bác khai trong lý lịch tham dự Quốc tế Cộng sản lần thứ 7 là Bác biết 6 ngoại ngữ (Nga, Trung, Anh, Pháp, Đức, Ý) ở trình độ sử dụng thông thạo.

Tuy vậy, có những ngoại ngữ Bác sử dụng rất tốt, như tiếng Thái, nhưng Bác cũng không khai trong bản lý lịch này. Năm 1928, Bác về Thái Lan và thấy anh em yêu nước người Việt sống cùng nhau chỉ giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt. Bác giao nhiệm vụ cho anh em phải học tiếng Thái vì nếu không có ngôn ngữ làm cầu nối thì không thể hòa mình, đi sâu vào quần chúng nhân dân được. Bác đề ra mục tiêu sau mấy tháng các đồng chí này phải sử dụng được tiếng Thái trong đời sống hàng ngày, đọc được báo Thái, và mỗi ngày phải học 10 từ. Bản thân Bác đã thực hiện rất nghiêm khắc mục tiêu này. Bác học mọi lúc, mọi nơi có thể, viết từ mới lên hòn gạch, xuống đất, viết vào tay, buổi tối về nơi nghỉ thì viết chữ lên giấy. Bên cạnh đó, Bác còn mạnh dạn giao tiếp với những người Thái xung quanh. Sau 2 – 3 tháng, Bác đã có thể giao tiếp thành thạo bằng tiếng Thái, đọc được báo Thái. Như vậy, phong cách học ngoại ngữ của Bác là phải chuyên cần và mạnh dạn giao tiếp. Một điều rất quan trọng nữa là Bác đề ra mục tiêu nào thì phải tìm mọi biện pháp thực hiện bằng được, nhất là đối với việc tự học. Tuy nhiên, động lực thúc đẩy Bác tự học ngoại ngữ chính là do ngay từ thời kỳ đó, Bác đã ý thức được tầm quan trọng của ngoại ngữ - chiếc cầu nối để tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, từ đó có kiến thức phục vụ cho quá trình tìm đường cứu nước và xây dựng, phát triển đất nước sau này.

PV: Nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh về GD, theo ông, vấn đề nổi bật nhất là gì?

TS Chu Đức Tính: Ngành GD hiện nay kế thừa và học tập được rất nhiều những bài học, kinh nghiệm quý báu từ tư tưởng Hồ Chí Minh về GD, và theo tôi, nổi bật nhất là bài học dạy chữ - dạy người phải luôn đi đôi với nhau, trong đó dạy làm người là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Trong di sản đồ sộ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho ngành GD, một trong những công lao to lớn nhất của Người là trong những ngày đầu tiên sau Cách mạng tháng 8 thành công, với việc phát động phong trào Bình dân học vụ, phần lớn người dân Việt Nam đã biết chữ, từ đó có thể tiếp thu tri thức phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Bên cạnh đó, Bác đưa ra chế độ GD bắt buộc để mọi người dân đều phải ra sức học tập, xem đó vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của mình. Một bài học quý báu nữa mà Bác để lại cho ngành GD là đào tạo con người phải toàn diện, có cả kiến thức, đạo đức, và sức khỏe. Đến tận bây giờ, tư tưởng Hồ Chí Minh về GD vẫn còn nguyên vẹn giá trị và thể hiện tài năng kiệt xuất, cũng như tấm lòng bao la của vị lãnh tụ luôn lo cho dân, cho nước.

PV: Xin cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện rất bổ ích!

Ninh Kiều

(thực hiện)

Học sinh trường Mầm non Huổi Lếch chụp ảnh lưu niệm.

Điều giản dị

GD&TĐ - Nếu ai hỏi có điều nào tuyệt vời nhất, thì có lẽ với tôi và tất cả bạn bè đồng nghiệp, đó là nụ cười của trẻ thơ...