'Nữ hoàng nấm' kể chuyện làm khoa học

GD&TĐ -PGS.TS Nguyễn Thị Chính, nguyên Phó Chủ nhiệm bộ môn Vi sinh, khoa Sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội) có đến 50 năm nghiên cứu về nấm.

PGS.TS Nguyễn Thị Chính tại phòng nghiên cứu.
PGS.TS Nguyễn Thị Chính tại phòng nghiên cứu.

Danh hiệu 'nữ hoàng nấm'

“Nữ hoàng nấm” hay “bà chúa nấm” là tên mà những người thân quen, các thế hệ sinh viên, đồng nghiệp… đặt cho PGS.TS Nguyễn Thị Chính (75 tuổi). Đến nay, trên Facebook cá nhân, bà cũng “mạnh dạn” ghi rõ “nữ hoàng nấm” để đồng nghiệp dễ nhận diện.

Danh hiệu này đến với bà như một lẽ tự nhiên bởi cả cuộc đời bà dành cho nghiên cứu nấm. PGS.TS Nguyễn Thị Chính là người mang các chủng nấm năng suất nhất ở châu Âu về trồng ở Việt Nam (1973), từng được Tiệp Khắc (cũ) cấp “Bằng sáng chế” về Công nghệ sản xuất nấm sò trên rơm không cần khử trùng nguyên liệu cho năng suất cao.

Năm 1972 - 1973, bà hoàn thành khóa học Thạc sĩ tại Viện vi sinh vật Praha (Tiệp Khắc) và về nước làm việc tại Bộ môn Vi sinh, Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội). Thời gian học tập ở Tiệp Khắc, TS Chính nhận thấy người dân sử dụng nấm thực phẩm rất thông dụng, nhưng ở Việt Nam lúc này, nấm còn khá lạ lẫm.

Vì vậy, năm 1975, bà bắt đầu trồng thử nấm và thành công với các loại nấm sò, nấm rơm, nấm mỡ. Sau đó, bà chuyển giao công nghệ cho Công ty thực phẩm Hà Nội, rồi cùng trồng và cung cấp cho các chợ tại Hà Nội. Tuy nhiên, số người biết để ăn nấm không nhiều.

“Tôi nhớ hồi những năm 1980, đời sống người dân cả nước vẫn còn muôn vàn khó khăn, thực phẩm, rau xanh không đủ. Giá trị dinh dưỡng trong bữa ăn của các gia đình rất nghèo nàn, nhưng người Việt ở thành phố cũng như nông thôn chưa có thói quen ăn nấm thay rau, trong khi nấm ăn có giá trị dinh dưỡng cao hơn.

Tôi cùng các đồng nghiệp bỏ nhiều công sức để nghiên cứu, thử nghiệm nuôi và thu hoạch được nhiều giống nấm có giá trị dinh dưỡng cao nhưng đem biếu người ta cũng không lấy, có hôm phải bỏ đi tiếc đứt ruột, nhưng bây giờ câu chuyện đã khác”, TS Chính chia sẻ.

Quá trình nuôi trồng, nghiên cứu về nấm, TS Chính càng thấy có nhiều hoạt chất tốt, phù hợp làm thực phẩm và cả chữa bệnh, nên càng say mê nghiên cứu hơn.

Năm 2001, bà cùng chồng thành lập Công ty TNHH Nấm linh chi, trở thành một trong những công ty đầu tiên nuôi trồng nấm linh chi tại Việt Nam. Đến giờ, thị trường nấm ở Việt Nam rất phong phú, cả nấm thực phẩm và dược liệu. Bà tự hào trong đó có sự đóng góp của bản thân và Công ty TNHH Nấm linh chi.

Hiện nay, trong số 20 loại nấm dược liệu quý đã được khẳng định có khả năng góp phần phòng, chống ung thư, bà chọn nuôi trồng các loại nấm linh chi, vân chi, đầu khỉ, đông trùng hạ thảo, thượng hoàng… TS Chính cũng tích lũy, đổi mới công nghệ nhân giống, nuôi trồng, chế biến để cho ra các sản phẩm phong phú, ưu việt hơn.

Biến nhà thành phòng thí nghiệm

PGS.TS Nguyễn Thị Chính có trên 50 năm nghiên cứu về các loại nấm ăn, nấm dược liệu.

PGS.TS Nguyễn Thị Chính có trên 50 năm nghiên cứu về các loại nấm ăn, nấm dược liệu.

Từ phòng thí nghiệm vẻn vẹn 15m2 đầu tiên ở ngay tại nhà, PGS.TS Nguyễn Thị Chính đã trở thành người đầu tiên sản xuất thành công sinh khối linh chi dạng sợi có khả năng làm tan u tới 87,06%, khả năng khử gốc tự do đạt 59,9% với liều 217 µg/ml, nấm búp đạt 76,7% (Đề tài hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc theo nghị định thư Chính phủ, 2003).

Đồng thời, PGS.TS Nguyễn Thị Chính cũng là người đưa ra công nghệ thu bào tử nấm linh chi đạt cao nhất 2 kg quả thể linh chi khô thu 1 kg bào tử nấm linh chi, loại bào tử này tốt gấp 75 lần so với quả thể linh chi. Bà cũng chế biến thương mại hóa được nhiều sản phẩm bảo vệ sức khỏe rất có giá trị.

Nói về tác dụng của các loại nấm đó, bà cho biết, hoạt chất sinh học có ở trong nấm dược liệu vô cùng quý. Nấm dược liệu cung cấp những yếu tố cần thiết cho cơ thể, phục hồi chức năng trí tuệ của các cơ quan, tăng khả năng miễn dịch, hỗ trợ điều trị bệnh. Ví dụ ở nấm linh chi chứa 119 chất và các dẫn xuất.

Năm 1987, sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại CH Czech trở về Việt Nam, bà Nguyễn Thị Chính càng nung nấu quyết tâm chuyển giao công nghệ, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm nuôi trồng nấm ăn cho nông dân.

Không quản khó khăn vất vả, dấu chân của nhà nữ khoa học đã in trên các tỉnh miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long. Càng đi, bà càng đam mê với những đề tài nghiên cứu về nấm. Bà nhận thấy điều kiện tự nhiên, khí hậu của nước ta rất phù hợp để phát triển nghề trồng nấm ăn, nấm quý.

Hơn nữa, nếu người nông dân được khuyến khích, tạo điều kiến áp dụng kỹ thuật nuôi trồng nấm theo công nghệ sinh học thì không có gì khó.

Từ thực tiễn giảng dạy, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu các cấp, dự án quốc tế, rồi hướng dẫn sinh viên, thạc sĩ, nghiên cứu sinh liên quan đến vi sinh vật, bà càng có thêm tài liệu khẳng định các loài nấm có thể góp phần phòng, chống virus viêm gan B, tiểu đường, khối u… Tuy nhiên, công dụng đến đâu sẽ còn phụ thuộc vào từng loại, công nghệ nuôi trồng, môi trường sinh thái…

“Ví dụ với virus viêm gan B, sau khi nghiên cứu nấm linh chi dược liệu trồng theo công nghệ riêng trên mùn cưa thuần chủng, tôi xác định nấm này có hoạt chất sinh học cao góp phần phòng, chống bệnh gan và sản xuất sản phẩm Sinh linh.

Những người đã bị virus hoặc có khối u, trước khi sử dụng sản phẩm, tôi đều cho đo nồng độ virus trong máu và kích thước khối u, men gan… để theo dõi và cho kết quả tốt. Đề tài này, năm 2019, tôi đã báo cáo tại một hội nghị khoa học quốc tế”, TS Nguyễn Thị Chính kể.

Ở tuổi 75, bà vẫn miệt mài với công việc nghiên cứu. Phòng thí nghiệm tại căn nhà nhỏ ở phường Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân – Hà Nội) lúc nào cũng sáng đèn. Năm 2021, con phố nhà bà có trường hợp bị dương tính với Covid-19, cả khu phố phải lên Hòa Lạc cách ly tập trung. Bà xin ở lại tự cách ly nhưng không được.

“Khi ấy lòng tôi như lửa đốt. Phòng thí nghiệm cần có người vận hành, bao công việc nghiên cứu còn dở dang, đi cách ly thì lấy ai làm. Nhưng quy định của Nhà nước, mình buộc phải tuân thủ. May mắn là khi trở về, phòng thí nghiệm vẫn an toàn”, bà kể.

Hồi phục sức khỏe cho bệnh nhân ung thư

PGS.TS Nguyễn Thị Chính.

PGS.TS Nguyễn Thị Chính.

PGS.TS Nguyễn Thị Chính sinh năm 1947 tại Nam Định. Bà học đại học rồi thạc sĩ và tiến sĩ tại Tiệp Khắc. Năm 1997, bà được phòng hàm Phó Giáo sư.

Bà là tác giả của 6 cuốn sách, giáo trình về vi sinh vật, tác giả của 23 bài viết, báo cáo khoa học và nhiều nghiên cứu nổi bật. Bà vinh dự nhận Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo (1997); Huy chương Vì sự nghiệp Khoa học công nghệ (1998); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2004); Danh hiệu Phụ nữ giỏi việc trường, đảm việc nhà (từ 2000 - 2004); Huy chương Vàng về Sản phẩm bột sinh khối nấm linh chi dạng thực phẩm chức năng và chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao phù hợp tiêu chuẩn do Bộ Công nghiệp, Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cấp....

Hiện nay, ở tuổi 75, bà là CEO tại Công ty TNHH Nấm Linh Chi.

Với suy nghĩ khoa học phải mang lại những giá trị thực tiễn, giúp được nhiều người, PGS.TS Nguyễn Thị Chính sẵn sàng chia sẻ, chuyển giao những kết quả nghiên cứu của mình, giúp nông dân có một công việc ổn định, làm giàu trên chính quê hương. Bà tâm niệm, cuộc sống là phải biết cho đi, những giá trị của tri thức sẽ không ngừng được nhân lên khi lan toả đến nhiều người...

Hướng nghiên cứu của bà là sử dụng nấm hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân ung thư cũng như bảo vệ sức khỏe”. Những sản phẩm này đã được minh chứng bằng những nghiên cứu khoa học nhiều năm được công bố và thử nghiệm trên động vật và lâm sàng”, TS Chính cho biết.

Lý do thôi thúc bà quan tâm và nghiên cứu về các loại nấm dược liệu vì Việt Nam vẫn còn khó khăn nhất định về điều kiện kinh tế, tỉ lệ các bệnh nan y đang có chiều hướng gia tăng.

Cuối năm 2021 và đầu năm 2022, PGS.TS Nguyễn Thị Chính liên tiếp nhận được hai tin vui. Ngày 27/12/2021, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - Bộ Y tế đã có “Kết quả đánh giá khả năng ức chế virus SARS-CoV-2 của chế phẩm Beta-1,3-D-Glucan và Beta-Glucan”.

Đến ngày 17/1/2022, Trung tâm nghiên cứu, sản xuất Vaccine và Sinh phẩm Y tế cũng có “Kết quả đánh giá khả năng ức chế tế bào ung thư của chế phẩm Bate Gluacan (Gold) và Beta Gluacn (Plus1)”.

Nhận được tài liệu do hai cơ quan chuyên môn nói trên gửi đến, nhà nữ khoa học vội vàng mở ra xem và mừng đến trào nước mắt. “Kết luận của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất Vaccine và Sinh phẩm Y tế có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với quá trình nghiên cứu của tôi nhằm chứng minh tác dụng của hoạt chất Beta glucan trong các loài nấm dược liệu có khả năng ức chế hiệu quả tế bào ung thư và kháng virus SARS-CoV-2.

Bà nhớ lại, có một bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp từ năm 2012, đến 2016 thì mổ ung thư phổi, tìm đến bà với mong muốn sử dụng sản phẩm hỗ trợ sức khỏe từ nấm dược liệu. Sau 5 tháng sử dụng sản phẩm, đến tháng 7 vừa rồi, người này đi kiểm tra sức khỏe thì các chỉ số đều cải thiện rõ rệt, người bệnh tăng cân, tinh thần thoải mái, da đẹp hơn.

“Thậm chí có cả những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, khi dùng sản phẩm cũng có sự hồi phục rõ nét. Đó thực sự là những phần thưởng vô giá cho người làm khoa học như tôi”, bà tự hào.

“Những tin vui này đã làm tôi rất vui và hạnh phúc, chúc mừng bệnh nhân. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân ung thư vẫn còn nhiều khó khăn ở các giai đoạn khác nhau và tính chất của từng loại ung thư nên hãy lạc quan, yêu đời, chăm lo sức khỏe trong ăn uống luyện tập và thường xuyên liên lạc với các bác sĩ bệnh viện để kiểm tra sức khỏe định kì”, TS Chính khuyên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.