Ba năm học chữ Nôm và nền tảng trí tuệ của vị Tướng

GD&TĐ - Nhiều người biết Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu là một vị tướng tài trận mạc, từng là vị tướng trẻ nhất trong quân đội, nhưng ít ai biết, ông đã từng học 3 năm chữ Nôm.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu

Và đây chính là điều bí mật góp phần làm nên một tâm hồn thi sỹ lấp lánh trong ông. Ẩn sau khối di sản đồ sộ ông trao tặng cho các thế hệ hiện tại và mai sau với những pho sách nghệ thuật quân sự, khoa học chiến tranh, nghệ thuật sống… là chất thơ trong lối sống, tư duy, trong những vần thơ, điệu nhạc bột phát khi tinh thần thăng hoa.

Khi 7 tuổi, tướng Hiệu được cha mẹ cho đi học chữ Nôm tại Hải Hậu (Nam Định). Trong làng hồi ấy có ông giáo Luật và ông giáo Khá dạy chữ Nôm giỏi có tiếng, rất kén học trò, nên cha tướng Hiệu đã dẫn con trai mình đến cậy nhờ thầy dạy chữ. Vì thế, tướng Hiệu đã được nhận vào lớp học (Tam tự) gồm 6 trò khác sàn sàn nhau.

Lớp học tại nhà thầy Luật được trải chiếu cho các trò ngồi. Thầy đồ Nguyễn Văn Luật ngồi trước một cái bàn con con, hoặc đôi lúc thong dong đi lại. Phần lớn thời gian, thầy đồ Luật rèn trò viết chữ và phân tích nghĩa. Thầy mặc áo the đen, đầu đội khăn xếp cất giọng sang sảng giảng chữ thánh hiền. Trong không gian tĩnh lặng, tinh khiết của vùng quê thanh bình, tiếng trò đọc, thầy giảng khoan thai, dõng dạc đã trở thành hồi ức sâu lắng trong tướng Hiệu cho đến mãi sau này.

Vậy việc học chữ Hán Nôm có ý nghĩa gì đối với ông? Trả lời cho câu hỏi của tôi, Tướng Hiệu khoát tay chỉ tủ sách bên ông, nơi có những tập sách dày về khoa học chiến tranh, nghệ thuật quân sự, môi trường… mà ông viết và đã xuất bản, đó chính là những công trình nghiên cứu khoa học, đúc kết kinh nghiệm thực tế giá trị. Ông nói rằng, tất cả những giá trị đó, đều có nền tảng từ việc học chữ Nôm thời ban đầu.

Chữ Nôm chính là trợ thủ bổ sung cho trí tuệ, tâm hồn. Tướng Hiệu cho biết, mỗi khi thầy đồ Luật, thầy đồ Khá dạy một chữ, thì đều cho ví dụ thật sinh động với chữ đó. Thậm chí, để trò dễ nhớ cách viết chữ Nôm, thầy đều có thơ mô tả cách viết. Vần điệu trong bài thơ khiến trò dễ thuộc, dễ hình dung và nhớ được cách viết chữ. Không những vậy, những câu thơ dù đơn giản, mà có vần, như những giai điệu thấm dần vào tâm hồn học trò, và ý nghĩa của câu thơ lại mang tính giáo dục rất cao, dạy cho trò lẽ sống, hệ giá trị truyền thống và những kinh nghiệm, chính là khoa học mà cha ông đúc rút ra qua nhiều đời.

Hơn nữa, chữ Nôm còn giúp phát triển tư duy, liên kết trí tuệ của con người hiện đại với truyền thống lịch sử và văn hóa cha ông. Chữ nôm là công cụ hiệu quả để thăm dò sâu gốc gác dân tộc, ý nghĩa lẽ sống ngàn đời, tư tưởng triết học của ông cha, cũng như khoa học và văn hóa cổ truyền.

Nhờ học xong lớp Tam tự của thầy đồ Luật và thầy đồ Khá tại Hải Hậu, mà tướng Hiệu đã được “cài đặt” mã gen văn hóa dân tộc truyền xuyên thời gian, tạo nên nền tảng văn hóa vững chắc trong ông, góp phần tạo nên một vị tướng tài trong chiến tranh, một nhà khoa học có đóng góp ý nghĩa cho nghệ thuật quân sự nước nhà.

Tướng Hiệu cho rằng, muốn nắm được tư tưởng gốc thì phải nắm được chữ viết, ngôn ngữ gốc của tổ tiên. Minh triết Việt Nam, đời sống tinh thần của cha ông một phần nằm trong chữ Nôm, những văn bản chữ Nôm. Để từ gốc đó, ông tiếp tục trải nghiệm sống, tích lũy thêm và đúc rút lại thành những quy luật mới mẻ, phục vụ hữu ích cho mục tiêu hiện tại và tương lai qua 8 cuốn sách ông đã xuất bản, trong đó cuốn quan trọng nhất là “Một số vấn đề nghệ thuật quân sự trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.