Nhìn dáng người nhanh nhẹn, khỏe khoắn, đặc biệt nụ cười luôn nở trên môi của chị Thu (33 tuổi, quê Hoài Đức, Hà Nội) không ai có thể ngờ chị đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ.
Chị bảo: “Các cô ở chỗ làm ai cũng thắc mắc tại sao không lúc nào thấy tôi buồn mà chỉ thấy tôi vui vẻ, trêu đùa mọi người. Họ đâu biết nỗi buồn ẩn sau những tiếng cười ấy”.
Năm 2003 có lẽ là thời gian hạnh phúc nhất của chị Thu với người chồng hơn một tuổi làng kế bên khi đám cưới như mơ diễn ra sau 5 năm yêu đương mặn nồng và cùng nhau chắt chiu tiền bạc để đủ tiền làm đám cưới.
Ngay sau đó 2 bé trai lần lượt ra đời trong sự chúc phúc của mọi người. Cũng vì cảnh mưu sinh, khi đứa con đầu 3 tuổi, đứa sau 2 tuổi, hai vợ chồng để con lại cho bà nội, cùng nhau khăn gói vào TP HCM kiếm sống.
Hàng ngày, anh đi xây, chị đi phụ. Người phụ nữ rắn rỏi, khỏe mạnh luôn sát cánh cùng chồng. Cuộc sống trôi qua êm đềm, chưa bao giờ chị cảm thấy vất vả.
Thấy mình may mắn và hạnh phúc hơn nhiều người, đều đặn mỗi chủ nhật, anh chị lại tham gia đội tình nguyện của nhà thờ đi khắp nơi để giúp đỡ mọi người.
Khi thì sang trại trẻ mồ côi dọn dẹp, chăm sóc các em, khi thì vào các bệnh viện thay quần áo, chăm sóc những người bị tai nạn, không nơi nương tự.
Nhưng không ngờ chính những lần đi tình nguyện đó đã vô tình khiến chị mang căn bệnh thế kỷ từ lúc nào ngay bản thân chị cũng không hay. Đau đớn hơn, người chồng cũng đã lây căn bệnh từ chị.
Chị bảo dù hai vợ chồng không học hành nhiều nhưng luôn tu chí làm ăn, phấn đấu, cuối cùng cũng mua được mảnh đất nhỏ. Những tưởng hai vợ chồng sẽ cùng nhau xây dựng ngôi nhà hạnh phúc trên mảnh đất đó nhưng bỗng một ngày, hy vọng đó bị dập tắt một cách phũ phàng.
Chị nhớ lại: “Đó là vào năm 2010, thời gian đó, từ một người khỏe mạnh, tôi trở nên mệt mỏi, sụt cân nhanh chóng, bụng quặn đau. Sau khi đi làm về, tôi vẫn cố nấu cơm cho chồng rồi lên giường nằm nghỉ, không ngờ thiếp đi luôn”.
Kết quả tại Bệnh viện Thủ Đức cho kết quả AIDS giai đoạn cuối khiến chị bàng hoàng, đau đớn bởi lúc này chị đã rơi vào cảnh hôn mê, chỉ số CD4 của cơ thể đã ở mức thấp nhất (chỉ còn 1 con), virus đã ăn lên tận não.
Tại Bệnh viện Thủ Đức, giám đốc bệnh viện lúc đó đã nhận ra vợ chồng chị Thu là những người hay làm tình nguyện tại viện nên đã ra sức giúp đỡ.
Mảnh đất mới mua cũng được anh Đông - chồng chị bán để lấy tiền chạy chữa cho vợ. Thế nhưng, cuối cùng chị Thu cũng không thể qua khỏi - đó là lần đầu tiên chị bị chuyển xuống nhà xác.
Người phụ nữ vui vẻ kể, để có ngày hôm nay ngồi đây, chị đã trải qua 4 tháng giành giật với tử thần, trong đó 3 lần ngừng thở, chuyển xuống nhà xác.
“Không hiểu sao, mỗi lần nằm dưới nhà xác, sau khi được xơ vuốt mặt, tim tôi lại đập trở lại. Tôi không nghĩ có yếu tố ly kỳ trong chuyện này mà bởi vì số mạng tôi không thể kết thúc tại đây, tôi còn muốn sống và lo cho các con tôi. Thế nên tôi không thể ra đi như vậy”.
Tôi phải sống!
Sau lần thứ 3 quay về từ cõi chết, chị muốn trở về quê hương và được điều trị tại Bệnh viện 09. Sau đó, không những không chết, chị Thu được phục hồi hoàn toàn, thậm chí còn khỏe mạnh hơn xưa.
Chồng chị được điều trị ARV sau đó, mặc dù thuốc đôi khi làm anh mệt mỏi và gây ra những phản ứng phụ khác song sức khỏe hai vợ chồng hiện rất tốt.
Hiện tại, vợ chồng chị vẫn uống thuốc hàng ngày theo phác đồ tại Bệnh viện 09. Hằng ngày, chị làm tại một cơ sở sản xuất nhựa từ 7h sáng tới 22h đều đặn với đồng lương 150.000 đồng/ngày.
Chồng chị cũng đi làm tại một xưởng cơ khí. Trước khi tìm được công việc ổn định như bây giờ, hai anh chị đã bươn chải đủ nghề để có tiền thuê nhà, thế nhưng ngay khi phát hiện mang bệnh, họ bị xua đuổi.
Thời điểm khó khăn nhất, hai vợ chồng phải chui trong gầm cầu để sống qua ngày. Ngay chính những người thân là bố mẹ và anh chị em ruột cũng không cho phép đôi vợ chồng trở về nhà, thậm chí còn đuổi đánh mỗi khi thấy chị.
“Tôi xót xa lắm, có nhà có cửa mà chúng tôi không được về, mặc dù cả hai thề thốt rằng mình mắc bệnh là do vô tình chứ không phải do chơi bời, họ vẫn xem chúng tôi là những con bệnh bẩn thỉu.
Ngay chị và em ruột tôi còn nói: “Mày chết luôn đi, tao mua tặng mày cỗ quan tài”. Đến hai đứa con, chúng tôi cũng không được lại gần, bà nội chúng không cho chúng gặp bố mẹ. Ngày giỗ, tết trong gia đình, họ cũng không nhận quà từ chúng tôi”, chị Thu đau đớn kể.
Hai đứa con của anh chị giờ đã vào lớp 6 và lớp 5 nhưng cũng chừng ấy thời gian chúng bị cách ly với bố mẹ. Hiếm hoi lắm, anh chị mới được phép về thăm con khi trời đã tối muộn và lủi thủi ra đi ngay sau đó, tuyệt nhiên không được ôm hôn con của mình bởi sự kiểm soát nhẫn tâm của mẹ chồng. Ngay cả việc muốn nấu cho con bữa cơm cũng khó khăn.
Quá nhớ con, khao khát được gặp con, ngay sau khi sức khỏe bình phục, anh chị quyết định sinh thêm. May mắn, đứa con thứ 3 không mang bệnh từ bố mẹ.
“Chồng tôi thương con lắm, bao nhiêu tình cảm chất chứa bấy lâu nay dồn hết vào cháu thứ 3 này. May mắn, số phận đã mỉm cười với chúng tôi” - Chị Thu nói.
Mong muốn của anh chị là được sống khỏe mạnh và lo cho 3 con đến ngày chúng xây dựng gia đình. Chị bảo: “Nhiều người nghĩ điều đó là khó khăn đối với một bệnh nhân AIDS như chúng tôi nhưng chị thấy đó, tôi sẽ sống và sẽ làm được”.
Theo chị Thu, điều quan trọng nhất đối với một bệnh nhân HIV/AIDS là sự vui vẻ, lạc quan, chấp nhận cuộc sống. Bí quyết để chị có được sức khỏe và cuộc sống như bây giờ chính là nụ cười luôn thường trực trên môi. Dù hàng ngày hai anh chị vẫn phải lo ăn từng ngày song chưa bao giờ niềm tin ấy vụt tắt.
“Tôi chỉ mong muốn xã hội bớt kỳ thị đối với những con người như chúng tôi. Từng ánh mặt, sự dè bỉu của hàng xóm và ngay đến cả những người ruột rà khiến chúng tôi đau đớn lắm. Giờ chúng tôi không có quê hương, không có gia đình, có con mà không được gặp. Chỉ có hai vợ chồng đùm bọc lẫn nhau.
Bị bệnh thì đã sao chứ. Hơn ai hết chúng tôi biết những con người như chúng tôi khổ sở như thế nào, nên sẽ không bao giờ chúng tôi cho phép mình lây bệnh sang cho bất cứ ai. Chúng tôi chỉ muốn sống như những người bình thường, được lao động để nuôi sống bản thân và gia đình. Thế nhưng điều đó, không hề dễ dàng,….” - Chị Thu nói.
* Tên nhân vật đã được thay đổi