Ba Lan cảnh giác cao trước 'mũi dao cắm trong lòng NATO'

GD&TĐ - Với vị trí chiến lược ở biển Baltic, giữa hàng loạt quốc gia NATO, Kaliningrad được mệnh danh là “mũi dao Nga cắm trong lòng NATO”

Ba Lan cảnh giác cao trước 'mũi dao cắm trong lòng NATO'

Ba Lan xây hàng rào điện tử trên biên giới với Kaliningrad

Theo giới chức Warszawa, Ba Lan đã dựng hàng rào “khủng chưa từng thấy” trên biên giới nước này với Nga, ở vùng lãnh thổ hải ngoại duy nhất của Nga tại vùng Baltic là Kaliningrad.

Theo thông báo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Hành chính Ba Lan là ông Mariusz Kaminski vào hôm 18/4, nước này đã bắt đầu phần việc đào đắp, trong công trình xây dựng hàng rào trên biên giới với Nga ở vùng Kaliningrad nhưng không phải là hàng rào thông thường, mà là hàng rào điện tử.

Theo lời vị quan chức Ba Lan ca ngợi, đây sẽ là công trình “chưa từng có về mức độ hiện đại”, bao gồm hệ thống camera quan sát suốt ngày đêm, các cảm biến chuyển động và những thiết bị khác, sẽ cung cấp “sự giám sát đầy đủ nhất cử nhất động diễn ra trên biên giới với Nga”.

Theo thông báo của Cơ quan Biên phòng Cộng hòa Ba Lan, hàng rào sẽ chạy dài gần 200 km, dự kiến ​​công việc sẽ hoàn thành vào mùa thu năm nay, sẽ nâng cao khả năng giám sát suốt ngày đêm ở khu vực biên giới với Nga nhằm ngăn chặn các nguy cơ về an ninh cho đất nước.

Trước đây, quân đội Ba Lan đã dựng một hàng rào gồm 3 lớp dây thép gai cao 2,5m, rộng 3m trên suốt chiều dài 200km biên giới vùng Kaliningrad, đồng thời triển khai thêm hàng loạt vũ khí, trang bị hiện đại đến khu vực giáp biên giới với Nga để tăng cường khả năng phòng thủ.

Đặc biệt là vào hồi tháng 3 vừa qua, Ba Lan tuyên bố sẽ sẽ triển khai các hệ thống pháo phản lực đa nòng Hệ thống Pháo phản lực Cơ động cao (HIMARS) M142 đầu tiên mà nước này đặt mua của Mỹ, đến khu vực gần biên giới với tỉnh Kaliningrad của Nga.

Theo giới chức Warszawa, sau khi được Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn đơn đặt hàng mua 500 bệ phóng Himars vào năm 2019, ngay trong năm nay, sư đoàn cơ giới số 16 được triển khai gần biên giới với tỉnh Kaliningrad sẽ nhận được các tổ hợp HIMARS đầu tiên của Mỹ.

Nguyên nhân khiến Ba Lan tăng cường cảnh giới ở khu vực giáp với Kaliningrad là do nước này có biên giới dài khoảng 200km với vùng lãnh thổ hải ngoại của Moscow, hiện đang tập trung một lượng lớn binh lực của Quân khu phía Tây và hạm đội Baltic - Nga.

Nga triển khai binh lực lớn bảo vệ Kaliningrad

Được biết, vùng lãnh thổ hải ngoại duy nhất của Nga ở nước ngoài là Kaliningrad có vị trí địa-chính trị vô cùng quan trọng, bởi nó nằm bên bờ biển Baltic, giữa hàng loạt quốc gia NATO như Ba Lan, Lithuania (Litva); cách không xa các quốc gia NATO khác như: Đức, Ukraine, Latvia… Do đó, nó được mệnh danh là “cái dằm Nga” cắm vào lòng NATO.

Với vai trò là một mũi dao nhọn của Nga cắm trong lòng NATO nên dĩ nhiên Kaliningrad cũng là mục tiêu trọng yếu của khối này, trở thành khu vực dễ bị tổn thương nhất nếu một khi xung đột Nga-NATO bùng phát. Do đó, Nga đã triển khai lực lượng rất hùng hậu đến bảo vệ vùng lãnh thổ hải ngoại này.

Về lục quân, Moscow triển khai ở Kaliningrad Quân đoàn 11 của Chiến khu phía Tây, biên chế các sư đoàn bộ binh cơ giới rất mạnh. Hạm đội Baltic của Nga ở Kaliningrad với nòng cốt là Lữ đoàn tàu đổ bộ 71, Lữ đoàn tàu mặt nước 128, Lữ đoàn tàu tên lửa 36, Lữ đoàn tàu ngầm 123, được trang bị cả các tàu mặt nước và tàu ngầm mang tên lửa hành trình Kalibr có tầm phóng xa hàng nghìn km.

Ngoài ra, Hạm đội Baltic cũng được biên chế các trung đoàn Hàng không Hải quân trang bị chiến đấu cơ hiện đại như Su-27, Su-30; cùng với các hệ thống phòng không tầm xa S-400 Triumph, đủ khả năng đối chọi với các máy bay chiến đấu của NATO triển khai trong khu vực.

Bên cạnh đó, Nga cũng triển khai các tên lửa đạn đạo chiến thuật siêu thanh Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, tạo ra mối uy hiếp lớn đến các quốc gia NATO xung quanh.

Bên cạnh đó, các tiêm kích MiG-31 và máy bay ném bom Tu-22M3 mang tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal cũng sẵn sàng từ các sân bay của Quân khu phía Tây chi viện cho Kaliningrad, biến vùng lãnh thổ hải ngoại này trở thành một “tàu sân bay không thể bị đánh chìm” của Nga ở trong lòng NATO.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.