Nhiều người không ngại nói bà bị điên nhưng chính hành động “điên” của bà đã góp phần giải tỏa “điểm đen” về ùn tắc tại khu vực này.
Lo việc bao đồng
Những ai sống hoặc làm việc tại Hà Nội có lẽ đã quá quen với món “đặc sản” tắc đường mỗi khi tham gia giao thông. Những nơi có lực lượng chức năng đứng ra phân luồng thì tình hình còn có chút thuyên giảm.
Nhưng không phải bất cứ ở đâu, lúc nào cũng có người đứng ra túc trực để giải quyết ùn tắc. Chính những nơi như vậy lại cần đến những “chiến sĩ công an không công” sẵn sàng đứng ra phân luồng, giúp giao thông bớt ùn tắc.
Hà Nội một ngày tháng ba, cơn mưa xuân lạnh kéo đến khiến cho khu vực ngã tư Cầu Mọc – Quan Nhân (phường Nhân Chính, quận Thanh, Hà Nội) vốn đã tắc lại càng thêm tắc.
Giữa dòng người đang cố nhích từng bước, có một người phụ nữ đang đứng ra phân luồng, điều tiết giao thông đó là là Nguyễn Thị Tiến (62 tuổi), bán hàng nước ở gần đó.
“Đoạn đường này nhỏ, lại là ngã tư nên rất hay xảy ra ùn tắc. Đặc biệt, vào những giờ cao điểm như buổi sáng từ lúc 7 giờ 30 - 8 giờ 30, buổi chiều từ 17 giờ 30 - 19 giờ 30, xe bị dồn lại cả trăm mét.
Khổ nhất là những ngày trời nắng nóng hay mỗi khi mưa giông thấy người đi đường phải chờ đợi cả tiếng đồng hồ, nhích từng bước mới thoát khu vực này nên tôi đứng ra phân luồng cho họ đỡ vất vả. Nếu như mỗi người nhường nhau một tí, tuân thủ luật lệ thì cũng đâu xảy ra ùn tắc”, bà Tiến cho hay.
Không còi, không gậy, công cụ của bà Tiến chỉ là chiếc gậy sắt và một giọng nói dõng dạc, đanh thép “Đi nào”, “Dừng lại”... Cứ mỗi khi thấy đường ùn tắc, chẳng quản trời nắng hay mưa bà lại vội vàng cầm cây gậy sắt chạy ra điều khiển các phương tiện, có những khi vội quá quên cả cầm gậy thì bà lại điều khiển bằng tay không. Hành động này của bà đã góp phần giải tỏa “điểm đen” về ùn tắc giao thông tại khu vực này.
Bà bảo, ở khu vực này cũng có trật tự phường tham giả nhưng họ chỉ làm 2 buổi trong ngày, sáng từ 7 giờ đến 7 giờ 30, chiều từ 16 giờ 30 đến 18 giờ 30.
Trong khi khu vực này lại thường xuyên xảy ra tắc. Do vậy những khi lúc không có trật tự phường, giao thông ùn tắc là bà lại bỏ cả quán chạy ra điều khiển giao thông.
Mỗi ngày bà cứ 5,6 lần chạy ra, vào những ngày chủ nhật khi trật tự phường nghỉ thì đến cả chục lần chạy ra. Tính ra, việc điều tiết giao thông tiêu tốn của bà 3 – 4 tiếng mỗi ngày.
Đang chia sẻ với tôi, nhận thấy có ùn tắc giao thông, bà lại bỏ quán chạy ra. Dù chẳng được đào tạo qua một trường lớp nào nhưng bà Tiến nhanh thoăn thoắt chỉ đường rẽ trái, rẽ phải, đứng yên với những động tác dứt khoát, thành thạo như một chiến sĩ cảnh sát giao thông thực thụ.
Chẳng quản nắng mưa, cứ khi nào tắc bà lại ra dẹp đường.
Bà bảo: “Hàng quán thì bán lúc nào chả được, mà vứt đây cũng có ai thèm lấy trộm, lấy cắp của mình thứ gì đâu mà lo. Còn tắc đường mà không dẹp ngay thì nó càng tắc ghê hơn. Những động tác phân luồng ấy là tôi học mót được từ mấy anh trật tự phường đấy. Thấy họ làm vậy nên tôi cũng làm theo”, bà nở nụ cười đôn hậu.
“Thời gian đầu khi tôi làm công việc này có người nói tôi bị điên, bị khùng. Hay có những cậu thanh niên bướng bỉnh khi bị tôi ngăn lại không cho qua cũng có những lời lẽ không hay.
Sau này, mọi người cũng đã thay đổi cái nhìn, họ còn ủng hộ công việc tôi làm. Có những hôm tắc đường quá, người dân gần đây cũng ra giúp đỡ tôi điều khiển giao thông. Còn với người thường xuyên đi qua đây, thì đã quá quen với tôi rồi, thấy tôi ra họ bảo “may quá bà ấy ra rồi”, bà Tiến tâm sự.
Mong tích đức cho con cháu
Ít người biết, ẩn sâu trong nụ cười đôn hậu của người bà lão ấy lại chất chứa một nỗi buồn. Đáng lẽ ra ở tuổi này, người ta đã được nghỉ dưỡng, vui vầy bên con bên cháu thì bà vẫn quần quật ngoài đường đêm ngày vì gánh nặng mưu sinh.
16 tuổi cất bước theo chồng, bà cũng mơ ước về một gia đình hạnh phúc nhưng người chồng với bản tính vũ phu đã trở thành ác mộng của người phụ nữ trẻ. Bà bỏ quê hương, lên thành phố kiếm sống và đi thêm bước nữa và có được 2 cô con gái.
Cuộc sống với gia đình mới cũng vấp phải nhiều khó khăn, gian truân khi người chồng thứ 2 đau ốm liên miên, chẳng giúp đỡ được gì nhiều.
Vậy là bao nhiêu gánh nặng đổ dồn lên vai bà. Mọi chi tiêu, sinh hoạt trong gia đình chỉ trông vào gánh hàng nước. Vậy nên tuổi đã già, sức đã yếu nhưng bà vẫn quần quật làm việc từ sáng sớm cho đến tận tối muộn.
“Cháu lớn đi lấy chồng rồi nên tôi cũng bớt vất vả hơn. Tiền bán nước cũng chỉ đủ ăn và nuôi cháu thứ 2 đang học đại học. Thời gian gần đây, bệnh phổi của ông nhà tôi nặng hơn, phải nằm viện suốt, tiền bán nước chẳng đủ tiền chữa trị nên tôi cũng phải đi vay mượn, cầm cố thêm” - Bà Tiến tâm sự.
Cách đây vài năm khi đi khám bà bàng hoàng khi bác sĩ thông báo trong đầu bà có một khối u, cần phải phẫu thuật ngay nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Bà không định chạy chữa gì vì tiền bán nước cũng chỉ đủ cho con ăn học và lo chữa bệnh cho chồng, số tiền chữa trị lớn như vậy bà lấy đâu ra. Nhưng sau được sự động viên của chồng con, bên phường cũng đến động viên nên bà mới dám vào viện chữa trị.
Ngày bà nằm viện, những tài sản quý giá trong gia đình, thậm chí cả ngôi nhà hơn chục mét vuông cũng được đem đi cầm cố. “Bây giờ tôi đâu dám nghỉ làm ngày nào, vì nghỉ làm một ngày đồng nghĩa với việc con tôi thiếu tiền đi học, chồng tôi không có tiền chữa bệnh và còn cả một khoản nợ nần người ta” - Ánh mắt bà Tiến thoáng buồn.
Thời gian gần đây, thành phố ra quân chỉnh trang văn minh đô thị. Gánh hàng nước của bà Tiến cũng bị dẹp theo. Nhưng may mắn thay, ông chủ của một nhà hàng gần đó đã cho bà mượn một góc nhỏ để kinh doanh.
“Mọi người ở đây đối xử tốt với tôi lắm. Nhiều người hiểu được hoàn cảnh của gia đình tôi khó khăn cũng ngỏ ý muốn giúp đỡ nhưng tôi đều từ chối”.
Mùa hè năm trước, thấy bà vất vả dẹp đường, có một chị bước từ chiếc ô tô xuống dúi chiếc phong bì bên trong có tiền ngỏ ý muốn giúp đỡ bà nhưng bà đều từ chối.
Cuộc sống của bà vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả.
Bà bảo: “Tôi làm việc làm không mong nhận được sự đền đáp của mọi người. Chỉ là tôi cũng có con có cháu, nghĩ đến cảnh chúng nó ra ngoài đường, vất vả len lỏi giữa dòng người ùn tắc như vậy sẽ rất khổ nên tôi giúp đỡ mọi người một chút thôi. Tôi cũng chỉ muốn làm việc thiện để tích đức cho con cho cháu về sau...” - Bà Tiến chia sẻ về lý do 10 năm trời làm công việc không công.
“Ngày nào tôi còn bán hàng ở đây, ngày nào vẫn còn tắc đường thì tôi sẽ vẫn tiếp tục làm công việc phân luồng giao thông này. Mọi người có nói tôi điên, tôi khùng cũng chẳng sao...”. Câu nói của bà khiến cho tôi tin rằng trên đời này vẫn còn rất nhiều người biết sống vì mọi người.