Ba chị em lật đổ độc tài

GD&TĐ - 25/11 là Ngày Quốc tế Xóa bỏ Bạo lực với Phụ nữ và ngày này do 3 chị em nhà Mirabal, Patria, Minerva và María Teresa lập nên.

Tượng chân dung 3 chị em nhà Mirabal. Ảnh minh họa: Nationalgeographic.com
Tượng chân dung 3 chị em nhà Mirabal. Ảnh minh họa: Nationalgeographic.com

Nếu 8/3 là Ngày Quốc tế Phụ nữ thì 25/11 là Ngày Quốc tế Xóa bỏ Bạo lực với Phụ nữ và ngày này do 3 chị em nhà Mirabal, Patria, Minerva và María Teresa lập nên. Bằng tinh thần dũng cảm, họ dẫn đầu phong trào phản kháng chế độ độc tài tàn bạo của nhà quân phiệt Rafael Trujillo và trở thành các nữ anh hùng dân tộc Dominica.

Bông hoa bị nhà độc tài nhắm đến

Nhà Mirabal đến từ vùng Cibao, miền Trung Dominica, quốc đảo thuộc vùng Biển Caribe. Trong 3 chị em nhà Mirabal, Patria (1924 - 1960) là chị cả, Minerva (1926 - 1960) là em thứ 2 và María Teresa (1935 - 1960) là em thứ 4. Người em thứ 3, Bélgica (1925 - 2014) không tham gia hoạt động chính trị.

Kinh tế nhà Mirabal thuộc diện khá giả nên từ nhỏ, cả 4 chị em đã được cho ăn học tử tế và trải qua tuổi thơ yên bình. Tuy nhiên, như tất cả người cùng thời, họ cũng phải chịu ảnh hưởng trầm trọng từ chế độ thực dân và quân phiệt.

Năm 1916, Mỹ lấy lý do sợ Dominica liên minh với Đức trong Thế chiến I (1914 - 1918) mà chiếm đóng, duy trì sự hiện diện cho đến năm 1924 mới rút quân. Sau khi Mỹ rời đi, Tướng Horacio Vásquez (1860 - 1936) được bầu làm tổng thống nhưng Dominica vẫn trong tình trạng bất ổn. Năm 1930, Vásquez bị lật đổ và ngay sau đó, Tướng Rafael Trujillo (1891 - 1961) dùng mánh khóe gian lận bầu cử, trở thành nhà độc tài mới.

Tiền thân của Trujillo là đại ca băng đảng và khi dấn thân vào sự nghiệp chính trị, ông ta giữ nguyên bản chất tàn bạo, độc đoán. Ngoài thâu tóm quyền lực và kiểm soát chính phủ toàn diện, Trujillo còn điên cuồng thanh trừng các đối thủ, hướng tới một Cộng hòa Dominica không có bất cứ sự bất tuân nào. Năm 1937, khi Patria mới 13 tuổi, Trujillo kích động cuộc thảm sát giết chết tới 30 nghìn người Haiti và người Dominica gốc Haiti.

Từ nhỏ, chị em nhà Mirabal đã bị răn dạy phải phục tùng nhà độc tài Trujillo và bất cứ hành vi phản kháng nào cũng dẫn đến cái chết. Tuy nhiên, ở đâu có sự đàn áp, ở đó có sự vùng lên chống lại. Trujillo càng tàn bạo, phụ nữ Dominica càng phản kháng. Dù có bị đuổi ra khỏi đất nước, họ vẫn tiếp tục phản kháng từ nước ngoài.

Ban đầu, chị em nhà Mirabal không quá quan tâm tình hình chính trị nhưng tất cả đã đổi khác vì một sự việc xảy ra vào năm 1949. Năm này, nhà Mirabal được mời dự một bữa tiệc chỉ dành cho giới thượng lưu và Minerva, với diện mạo thanh tú đã lập tức lọt vào mắt xanh của Trujillo.

Trujillo say mê Minerva như điếu đổ nên đã mời riêng nhà Mirabal dự một bữa tiệc khác. Lợi dụng chức vụ tổng thống, ông ta cưỡng ép Minerva quan hệ tình dục và bị cô từ chối nên rắp tâm trả thù.

Sợ Minerva gặp rắc rối, nhà Mirabal bắt cô thôi học trường luật đang theo. Họ cũng cố gắng nhẫn nhịn trước sự quấy phá, đe dọa của Trujillo, chịu đựng bị họ hàng, láng giếng xa lánh nhưng nhà độc tài vẫn không chịu dừng lại.

Sau 6 năm, nhà Mirabal, vì không muốn Minerva cứ buồn khổ mãi nên cho phép cô đi học lại. Minerva vào Trường Đại học Santo Domingo, tốt nghiệp loại xuất sắc và là phụ nữ Dominica đầu tiên tốt nghiệp trường luật nhưng lại bị Trujillo tước bằng và cả giấy phép hành nghề.

ba-chi-em-lat-do-doc-tai-2.jpg
Ba chị em nhà Mirabal kiên cường chiến đấu với nhà độc tài Trujillo tới cùng. Ảnh minh họa: Nationalgeographic.com

Anh hùng dân tộc

Cũng trong trường đại học, Minerva gặp gỡ và kết hôn với Manolo Tavárez Justo (1931 - 1963), người chán ghét bản tính độc tài của Trujillo không thua gì mình. Điều này khiến Trujillo càng tức giận và nặng tay với nhà Mirabal.

Ông ta không chỉ quấy rối, bỏ tù Minerva mà còn bắt bớ cả cha mẹ cô. Không thể nhịn nhục nữa, Patria và María Teresa theo chân Minerva gia nhập thế lực chính trị đối lập, tích cực hoạt động chống Trujillo.

Ngày 14/6/1959, phe đối lập đảo chính Trujillo bất thành và bị đàn áp thảm khốc. Chị em nhà Mirabal cùng Justo cấp tốc tổ chức Phong trào 14/6, tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh.

Với mật danh Las Mariposas, họ thu thập vũ khí, vật tư, phân phát tờ rơi chống Trujillo và quy tụ các nhóm kháng chiến trên cả nước. Bị phát hiện, cả 3 đều bị bắt, bỏ tù, tra tấn và quấy rối nhưng họ không thay đổi lập trường.

“Không có gì hạnh phúc hơn là được làm gì đó cho đất nước và không có gì buồn hơn là khoanh tay đứng nhìn”, Minerva nêu cao tinh thần chiến đấu. Người dân Dominica đồng lòng về phía họ, giương cao biển cắt hình con bướm đại diện cho mật danh Las Mariposas của họ, biểu tình đòi xóa bỏ sự độc tài. Trujillo tức ách cùng cực và ngày 25/11/1960, ông âm thầm hạ lệnh ám sát chị em nhà Mirabal.

Cũng trong ngày này, cả Patria, Minerva và María Teresa đều đang trên xe do tài xế riêng của họ là Rufino de la Cruz chở đi thăm Justo đang bị giam giữ. Trên đường về, họ bị tay sai của Trujillo chặn lại, lôi ra ngoài siết cổ, đánh đập bằng dùi cui đến chết. Sau đó, đám tay sai này lại mang thi thể họ vào trong xe, tạo hiện trường giả bị tai nạn do lệch tay lái nên rơi xuống vách núi.

Trong khi Trujillo cứ tưởng đã thành công loại bỏ được mầm mống bất ổn, toàn dân Dominica đều biết ông chính là hung thủ và không ngừng phẫn nộ. Họ vùng dậy chống lại ông ta bằng toàn bộ sức lực và chỉ 6 tháng sau, Trujillo cũng gặp phải số phận tương tự là bị ám sát trong xe trên đường đi gặp tình nhân.

“Vụ sát hại 3 chị em nhà Mirabal tác động mạnh lên người Dominica hơn bất cứ tội ác nào khác của Trujillo”, sử gia Bernard Diederich khẳng định. Sau cái chết thương tâm của họ, nhà Mirabal được cả nước Dominica phong thành gia đình anh hùng và 3 chị em Mirabal là 3 nữ anh hùng dân tộc.

Toàn thể thế giới cũng quan tâm theo dõi chính biến Dominica kể từ khi Minerva dám từ chối Trujillo và cuối cùng, Liên Hợp Quốc đã chỉ định ngày mất của họ, 25/11 chính là Ngày Quốc tế Xóa bỏ Bạo lực với Phụ nữ.

Di sản nhà Mirabal cũng không dừng lại ở đây. Bélgica, người không tham gia chính trị đã nuôi dạy các cháu nên người. Trong 6 cháu ruột của bà, Minou Tavárez Mirabal, con gái của Minerva, trở thành Thứ trưởng Ngoại giao, đại biểu Quốc hội Dominica. Con trai của Bélgica, Jaime David Fernández Mirabal thì làm Bộ trưởng Bộ Môi trường và Phó Tổng thống Dominica.

Năm 1992, Bélgica thành lập Quỹ Chị em Mirabal và năm 1994 thì mở Bảo tàng Chị em Mirabal ở quê nhà. Năm 2009, bà xuất bản cuốn sách “Vivas en su Jardín” kể về chiến tích chống chế độ độc tài của chị em mình. Dự kiến, cuốn sách này được chuyển ngữ sang tiếng Anh và xuất bản vào đầu năm 2025.

Theo nationalgeographic

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Workshop và Triển lãm Quốc tế về nghệ thuật sơn mài thu hút 33 nghệ sĩ đến từ Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Mông Cổ và Kazakhstan.

Sơn mài Việt vươn ra thế giới

GD&TĐ - Sơn mài vốn được coi là 'đặc sản' của nghệ thuật Việt Nam, trong khi tranh dân gian đã gắn bó với người Việt như một lẽ sống tự nhiên.