Người chắp cánh những ước mơ của trẻ vùng cao

GD&TĐ - Tôi gặp cô giáo Phùng Thị Hồng Thắm - Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Hồng Phong (Bình Gia, Lạng Sơn) tại Lễ tuyên dương nhà giáo, học sinh tiêu biểu năm học 2015 - 2016 và phát động phong trào “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” giai đoạn 2016 - 2020.

Người chắp cánh những ước mơ của trẻ vùng cao

Những câu chuyện về người và nghề dẫu ngắn ngủi nhưng để lại trong tôi nhiều cảm xúc.

Tự học ngôn ngữ để hòa nhập

Dạy trẻ mầm non vốn khó, nhưng với trẻ em vùng cao dân tộc lại càng khó bởi các em đều là con nhà nghèo, tiếng Việt rất kém, còn hạn chế về nhận thức, đường sá xa xôi cách trở. Để kéo học sinh tới trường, cô Thắm không chỉ trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, mà trước hết là thể hiện tình yêu thương thật sự tới các em.

Chia sẻ về kỷ niệm của nghề giáo, cô Thắm xúc động nói về quãng thời gian dạy ở điểm trường của Trường THCS Minh Khai: “Tôi là người Kinh, hầu hết học sinh trên đó đều là dân tộc Nùng. Cô giáo không biết tiếng Nùng, học trò thì không biết tiếng Kinh. Các em cứ thấy người Kinh là khóc, tôi vô cùng lúng túng mặc dù tôi nghe được tiếng Nùng nhưng không biết giao tiếp bằng ngôn ngữ Nùng với các em”.

Sự bất đồng về ngôn ngữ khiến cô trăn trở và quyết định học tiếng Nùng để hòa nhập với các em nhỏ nơi đây. Cô vào bản học tiếng từ bà con, rồi học từ chính các em, tìm hiểu những phong tục tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc địa phương, nắm được tâm tư, tình cảm của phụ huynh.

Với sự nhiệt tình, ham học hỏi, lại được sự ủng hộ và giúp đỡ của địa phương, nên việc vận động học sinh ra lớp được cha mẹ, già làng, trưởng bản ủng hộ nhiệt tình.

Mang “phép màu” tới trẻ em vùng cao

Mộc mạc, giản dị nhưng lại là một cán bộ quản lý năng động, sáng tạo, có nhiều thành tích trong sự nghiệp trồng người, cô Thắm được bạn bè, đồng nghiệp và các bậc phụ huynh yêu mến.

16 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, từ một cô giáo trẻ còn nhiều bỡ ngỡ, trở thành cán bộ quản lý giỏi là cả quá trình phấn đấu, nỗ lực không ngừng của cô giáo Phùng Thị Hồng Thắm.

Liên tục 3 năm cô đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, GV giỏi cấp huyện 3 năm liền (2007 - 2010); Sáng kiến kinh nghiệm đạt cấp huyện và cấp sở.

Tại Trường Mầm non xã Hồng Phong phần lớn các cháu là con em người dân tộc. Có một số cháu khi đến lớp còn chưa biết nói tiếng phổ thông.

Bố mẹ của các cháu làm nghề nông vất vả nên việc quan tâm đến con em còn nhiều hạn chế. Một số phụ huynh chưa hiểu tầm quan trọng của giáo dục lễ giáo cho con em ở lứa tuổi mầm non nên việc giáo dục con cái cứ phó mặc cho nhà trường.

Một số phụ huynh chưa hiểu tầm quan trọng của giáo dục lễ giáo cho con em ở lứa tuổi mầm non, nên thường khoán trắng cho giáo viên.

Thời gian đầu trẻ đến lớp với thói quen tự do, trả lời câu hỏi của cô còn trả lời trống không, và ra vào lớp tự nhiên nói năng tự do ở trong lớp...

Đứng trước tình hình như vậy, việc dạy trẻ như thế nào và bằng những biện pháp gì để tất cả trẻ có những thói quen và hành vi đạo đức phù hợp với chuẩn mực xã hội là vấn đề cô Thắm luôn trăn trở.

Với tư cách là Hiệu trưởng, cô luôn phổ biến phương pháp giáo dục trẻ mầm non cho các giáo viên của trường. Theo cô, nghề giáo viên mầm non chỉ áp lực khi giáo viên chưa tìm ra được phương pháp đúng để tiếp cận với học sinh. Yếu tố quan trọng nhất là yêu nghề mến trẻ, không yêu nghề thì không thể đứng trên bục giảng.

Khi được hỏi về mong ước lớn nhất trong cuộc đời nghề giáo, cô Thắm không ngần ngại cho biết: “Ai cũng đã từng một lần trải qua quãng đời trẻ thơ.

Đây chính là giai đoạn đầu đời ghi dấu nhiều kỷ niệm nhất trong cuộc đời mỗi con người. Do vậy là giáo viên mầm non, tôi càng yêu quý, trân trọng hơn hết những mầm xanh non nớt này.

Trẻ mầm non rất giàu tình cảm, trong mọi hành động đều chịu sự chi phối của tình cảm. Một hành vi tốt của trẻ thường do cảm xúc khi được khích lệ khen ngợi hoặc do tình yêu lòng mong muốn giúp đỡ người mà trẻ yêu mến thúc đẩy trẻ.

Tôi yêu trẻ con và hơn hết, tôi muốn mình là người chắp cánh cho những ước mơ của các em. Tôi ước gì mình có thật nhiều sức khỏe để thêm nhiều thời gian được tiếp xúc, dạy dỗ các em vượt qua giai đoạn đầu đời đầy thiêng liêng và ý nghĩa này”.

Sinh ra trong gia đình bố mẹ đều là nhà nông, từ bé, cô Phùng Thị Hồng Thắm đã yêu các cháu nhỏ. Năm 1998, thi đỗ cả sư phạm tiểu học và mầm non của tỉnh nhưng cô đã quyết định theo học mầm non.                                                                                                                                                                                                                 Ra trường, cô Thắm về dạy học ở Trường THCS Minh Khai (mầm non lúc ấy chỉ là lớp ghép), từ đó ước mơ ngày nào trở thành cô giáo như được chắp cánh cháy bỏng và mãnh liệt trong cô.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ