Thạc sĩ dinh dưỡng Trương Nhật Khuê Tường – Khoa Dinh dưỡng Tiết chế Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã đưa những lời khuyên và tư vấn dinh dưỡng dịp Tết phù hợp với từng đối tượng.
Đối với thai phụ
Giờ giấc sinh hoạt vào các ngày Tết có thể bị ảnh hưởng bởi các cuộc vui, viếng thăm và tiệc tùng khiến đồng hồ sinh học bị xáo trộn ít nhiều. Thai phụ hãy cố gắng duy trì giờ giấc sinh hoạt, ăn đúng giờ, đúng bữa, ăn uống khoa học để giúp bé phát triển an toàn, khỏe mạnh.
Nhiều thai phụ nhân những ngày nghỉ sẽ tranh thủ dung nạp nhiều thực phẩm hơn ngày thường vì nghĩ rằng phải ăn cho cả mẹ lẫn con. Thực tế, thai nhi chỉ cần hấp thụ vừa đủ để phát triển. Việc ăn quá nhiều so với mức cần thiết sẽ gây ra những tác dụng phụ khác như béo phì, huyết áp cao, đái tháo đường thai kì…
Việc ăn quá nhiều so với mức cần thiết sẽ gây ra những tác dụng phụ khác như béo phì, huyết áp cao, đái tháo đường thai kì…
Bên cạnh đó, thai phụ cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi sử dụng các nhóm thực phẩm dưới đây:
- Rượu bia và các thức uống có cồn: Thai phụ tuyệt đối không được sử dụng, vì việc uống rượu bia, thức uống có cồn trong giai đoạn mang thai rất nguy hiểm cho cả mẹ và bé, làm tăng nguy cơ sảy thai, dị tật thai, thai kém phát triển.
- Các món ăn chế biến từ thịt, cá sống như nem chua, tré, tiết canh, các loại gỏi nộm cá thịt chín tái, các loại sushi có cá sống nên hạn chế sử dụng vì hệ miễn dịch của thai phụ thường kém hơn người bình thường nên rất dễ bị nhiễm khuẩn, gây tiêu chảy.
- Các loại thực phẩm chế biến sẵn và các món nhiều dầu mỡ như lạp xưởng, thịt đông, giò thủ, bánh chưng… nên ăn vừa phải, vì có thể làm gia tăng chứng ốm nghén, nôn ói hay gây cảm giác khó tiêu.
- Các loại bánh kẹo, trái cây sấy khô, mứt trái cây… thai phụ nên sử dụng những loại có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vệ sinh.
- Các loại hạt khô như hạt bí, hạt óc chó, hạt dẻ, hạt dưa… giàu axit béo thiết yếu và đạm thực vật nên rất tốt cho sức khỏe phụ nữ mang thai. Tuy nhiên cần tránh các loại hạt có tẩm màu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thai phụ chỉ nên dùng tay hoặc dụng cụ để tách hạt, không nên dùng miệng cắn.
- Các loại nước ngọt có gas: Những thức uống này chứa nhiều đường, có thể làm tăng đường huyết. Cũng theo ThS. Khuê Tường, để đảm bảo sức khỏe trong dịp Tết, trước tiên thai phụ cần đảm bảo ăn bữa chính đúng giờ, mỗi bữa ăn cần có giá trị dinh dưỡng cao và đa dạng nhóm thực phẩm (tinh bột, đạm và rau củ).
Bên cạnh đó, bà mẹ mang thai hãy uống nhiều nước lọc và hạn chế các loại nước có đường, bổ sung trái cây tươi để cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất.
Đối với trẻ em
Những ngày Tết với nhiều hoạt động vui chơi kèm theo có thể khiến giờ giấc sinh hoạt của các bé bị thay đổi. Nhiều trẻ ham chơi nên thức khuya, dậy muộn, bỏ bữa hoặc chỉ ăn uống qua loa sẽ khiến trẻ thiếu chất, sụt cân. Vào dịp Tết, các gia đình thường dự trữ nhiều thực phẩm, trong đó phải kể đến các loại bánh kẹo, đồ ngọt.
Cho trẻ ăn quá nhiều chất ngọt sẽ khiến bé chán ăn, không cảm thấy đói và hứng thú với bữa ăn chính. Bên cạnh đó, hệ tiêu hóa của trẻ thường yếu hơn người lớn, thức ăn thừa hâm đi hâm lại nhiều lần hay để quá lâu ở nhiệt độ phòng cũng có thể làm cho bé bị rối loạn tiêu hóa, nôn ói, đau bụng, tiêu chảy.
Hãy duy trì cho trẻ ăn đúng giờ và không bỏ bữa.
Các món ăn ngày Tết thường ít rau, nhiều chất đạm và mỡ, cộng với giờ giấc sinh hoạt bị xáo trộn sẽ gây ra táo bón ở trẻ nhỏ. ThS. Khuê Tường cho biết việc duy trì chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý rất quan trọng đối với trẻ.
Trước tiên, phụ huynh hãy đảm bảo giờ giấc sinh hoạt và ăn uống của trẻ không bị xáo trộn nhiều. Tuyệt đối không nên để trẻ quên giấc, thức quá khuya hoặc ngủ đến trưa.
Hãy duy trì cho trẻ ăn đúng giờ và không bỏ bữa, nên bổ sung rau củ, trái cây tươi, nước lọc, men tiêu hóa cho trẻ trong những ngày này. Phụ huynh nên lưu ý không cho trẻ ăn nhiều bánh kẹo và chất ngọt, cũng như để những thực phẩm này xa tầm mắt của trẻ.
Các loại thực phẩm chiên rán, nhiều dầu mỡ, chất béo cũng cần được hạn chế. Các loại đậu, hạt khô như đậu phộng, hạt điều, hạt hướng dương, hạt bí,…cũng là một lựa chọn tốt cho trẻ.