“Ông cha đã không quản ngại sống chết đòi lại đất từ tay giặc. Bây giờ, dân làng được sống trong hòa bình, được ăn học thì phải cố gắng học lấy con chữ để biết đường làm ăn. Giặc Mỹ mình còn đuổi được, giờ lo giặc đói là phần của các con để già được yên lòng”, già Siu Đôm tâm sự.
Một thời hoa lửa
Trời Ayun những ngày cuối tháng 7 xám xịt chực mưa rào. Trong căn nhà sàn đã úa màu, già Siu Đôm (SN 1939, trú tại làng Dlâm, xã Ayun) ngồi nhẩn nha nhìn cháu chắt nô đùa dưới sân. Ở cái tuổi gần đất xa trời, ông đã không còn đủ sức vóc để cầm cuốc lên nương, không đủ dẻo dai sải những mái chèo lướt sóng đánh cá trên lòng hồ Ayun Hạ.
Thấy khách tới thăm nhà, ông lại hăm hở kể về một thời hoa lửa nơi thung lũng Ayun mà mình chính là nhân chứng sống. “Xưa kia, Mỹ vào làng đốt nhà, cướp chiêng, phá nương rẫy. Chính vì vậy, mình xung phong theo bộ đội của Cụ Hồ để đánh giặc, giành lại mảnh đất của ông cha”, già Đôm kể về cái ngày quyết tâm xin làm bộ đội để bảo vệ buôn làng ở cái tuổi đôi mươi.
Khi đó, dân làng thấy chàng trai Jrai làm bộ đội oai hùng, có thể đuổi đánh lũ giặc nên đồng lòng biến Ayun thành khu “đất thép”. Khi mảnh đất Ayun liên tục bị ném bom thì dân làng lũ lượt dọn vào ở trong những hang đá.
Già Đôm kể: “Ngày đó sống trong rừng chỉ ăn lá cây và củ rừng vất vả lắm nhưng ai cũng hừng hực khí thế, quyết tâm giúp bộ đội đánh giặc”.
Ông Đinh Chưp (SN 1947, trú tại làng Vơng Chép) cũng không thể nào quên ngày tháng hào hùng khi mà vùng đất Ayun biến thành “pháo đài” giữa rừng sâu.
Ông Đinh Chưp kể, mùa khô năm 1968, khi giặc kéo vào rừng dân làng đã đào hầm chông, hào để nghênh chiến. Khi đó, người dân anh dũng chống trả khiến nhiều tên giặc phải tháo chạy. Thắng trận, dân làng mừng rỡ, ôm chầm lấy nhau, chia nhau từng củ mì, hạt muối hiếm hoi.
Sau ngày toàn thắng giải phóng đất nước, người Jrai và người Bahnar đã từ rừng trở về cất lại mái nhà, lập lại từng ngôi làng bên dòng sông Ayun. Nhưng ở nơi tuyến lửa năm xưa, người dân đang phải đối mặt với cuộc chiến cũng đầy cam go khi cái nghèo vẫn đeo đuổi đằng đẵng những năm qua…
Ám ảnh cái nghèo
Khi cơn mưa rào đổ xuống làng Hrung Hrang 1 (xã Ayun), anh Đinh Mlit (SN 1994) lại lo cho ngôi nhà sàn phập phù giữa khoảng đất trống. Ngôi nhà của vợ chồng anh rộng chừng 20m2 được dựng vỏn vẹn trong hơn nửa ngày bằng vài tấm tôn, ván gỗ với kinh phí hơn 2 triệu đồng.
Trong gian nhà trống huơ hoắc không có vật dụng gì đáng giá, vợ chồng anh Mlit và vợ là chị Đinh Ngằn (SN 1998) sống cùng 2 con nhỏ. Những ngày mưa to, gió lớn thốc vào mái tôn, nước dột róc rách xuống nền nhà sàn, vợ chồng anh lại ước có một ngôi nhà kiên cố.
“Gia đình chỉ có khoảng 1ha đất trồng mì cùng 3 sào lúa. Những năm trước mì lên tươi tốt thì giá rẻ lắm, năm vừa rồi thì mất hẳn, ai trồng cũng lỗ vốn vì mưa nhiều khiến mì bị thối cây chết hết.
Do đó, cứ đến lúc giáp hạt là nhà lại thiếu gạo ăn phải đi vay mượn của các tiệm tạp hóa. Để cải thiện, nhà mình sắm mảnh lưới, cái thuyền ra lòng hồ Ayun Hạ để mỗi sáng bắt cá đem bán đổi lấy mắm, muối hay miếng thịt cho lũ trẻ. Đói nghèo nên mình đâu dám nghĩ đến việc sửa sang lại nhà cửa”, anh Mlit âu sầu.
Cũng theo anh Mlit, những thanh niên ở chạc tuổi anh đã nhiều người phải bỏ xứ đi làm ăn xa vì “bất lực” trong công cuộc thoát nghèo. Chính bản thân anh cũng bị lay động bởi những tháng lương 7 - 8 triệu đồng trong những khu công nghiệp ở các tỉnh, thành phía Nam.
“Nếu khó khăn quá, có khi mình cũng phải vượt đèo Tung Keng đi làm ăn xa vài năm để lo cho vợ con”, anh Mlit chia sẻ.
Ông Nguyễn Đức Cường, Chủ tịch UBND xã Ayun cho hay, toàn xã có 882 hộ dân nhưng có đến 122 hộ nghèo và 190 hộ cận nghèo, chiếm hơn 35,3%. Chính vì vậy, những năm qua, Ayun được gắn “mác” xã nghèo nhất huyện và là 1 trong những xã nghèo nhất tỉnh.
Theo ông Cường, thung lũng Ayun thời tiết khá khắc nghiệt, thất thường, thổ nhưỡng đất đai cũng không mấy màu mỡ nên bà con gặp rất nhiều khó khăn trong canh tác nông nghiệp. Đặc biệt là những loại cây truyền thống vốn phụ thuộc vào… ông trời.
Bên cạnh đó, hệ thống kênh mương cũng đã được đầu tư nhưng chỉ giải quyết được một phần đất sản xuất. Không những vậy, dân trí người dân chưa cao, chưa mạnh dạn đổi mới trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, một bộ phận người dân có sự ỉ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên khó có sự bứt phá để thoát nghèo.
Ông Cường cho biết, một số hộ trong xã không nằm trong danh sách nghèo và cận nghèo nhưng thực tế “thoát nghèo” không bền vững, có thể tái nghèo sau từng năm thống kê. Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc xã Ayun chưa thể “lột xác” chính là vấn đề hạ tầng giao thông còn gặp rất nhiều trắc trở.
Từ trung tâm thị trấn Chư Sê để đến được xã Ayun không quá xa nhưng phải trải qua nhiều đoạn đường xuống cấp, hư hỏng. Đến mùa thu hoạch, chi phí vận chuyển cao nên người dân Ayun khi bán ra nông sản phải chịu giá thấp.
“Đơn vị cũng kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa được bố trí vốn. Xã cũng hướng tới việc khơi dậy, thôi thúc khát vọng thoát nghèo ngay từ mỗi người dân để vươn lên trong cuộc sống”, ông Cường nói.