Ông Clare đánh giá động thái trên sẽ “ngăn chặn hoạt động phạm tội” đứng sau những trang web gian lận.
“Những dịch vụ này đe dọa sự toàn vẹn trong học tập và là cơ hội để sinh viên tiếp xúc với tội phạm. Họ thường cố gắng tống tiền sinh viên để đòi một khoản giá trị”, ông Clare cho biết.
Cụ thể, các trang web bị chặn là nơi bán bài luận, bài tập của sinh viên; thậm chí có dịch vụ thay sinh viên Australia làm bài kiểm tra, khoá luận. Ước tính, mỗi tháng, các trang web gian lận này ghi nhận hơn 450 nghìn lượt truy cập từ sinh viên Australia.
Hành động tăng cường chống lại các trang web gian lận được nhiều người dân Australia ủng hộ và ca ngợi. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại tội phạm Internet có thể lợi dụng các kẽ hở và trở lại hoạt động bởi lẽ ngành Giáo dục Australia, đặc biệt là giáo dục đại học, là “mảnh đất” béo bở.
Các chuyên gia cũng thừa nhận các dịch vụ giáo dục bất hợp pháp đang phát triển với tốc độ nhanh gấp nhiều lần so với các chính sách, kế hoạch kiểm soát chúng. “Mạng lưới” tội phạm giáo dục đã sinh sôi và bám chặt vào ngành giáo dục nhiều quốc gia như Anh, Mỹ... Do đó, việc ngăn chặn triệt để các tổ chức này và nhóm tội phạm đứng sau đó là “không dễ dàng”.